Thịt gà nhập khẩu 20.000 đồng/kg: Doanh nghiệp nội, người nuôi khốn đốn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thịt gà ngoại nhập về chỉ hơn 20.000 đồng/kg, trong khi giá gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) đang ở mức 40.000-45.000 đồng/kg. Với ưu thế về chất lượng, giá cả, thịt ngoại đang dần lấn át thịt nội, khiến doanh nghiệp thực phẩm nội, người chăn nuôi khốn đốn.
Thịt gà nhập khẩu 20.000 đồng/kg: Doanh nghiệp nội, người nuôi khốn đốn
Thịt nhập khẩu tràn ngập trị trường đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi trong nước

Người nuôi lãnh đủ

Thông tin trên báo Báo, mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng theo khảo sát của phóng viên, nhiều loại thịt ngoại nhập đang có giá rẻ hơn cả thịt nội. Cụ thể, giá gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) đang ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, trong khi thịt gà nhập về chỉ hơn 20.000 đồng/kg. Đây chính là lý do vì sao hầu hết các quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể đang chuyển dần từ thịt gà nội sang sử dụng... thịt gà ngoại.

Tương tự, sản phẩm thịt bò nội hiện cũng đang bị thịt bò nhập từ Úc "lấn sân". Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu thực phẩm sạch (chuyên về bò Úc), hiện thịt bò Úc đã chiếm từ 70-80% thị phần tại thị trường TP.HCM, với giá nhập khẩu khoảng 3USD/kg bò hơi (tương đương 60.000 đồng/kg), trong khi bò Việt (bò hơi) có giá bán cao hơn, từ 70.000-75.000 đồng/kg. Ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong năm 2014 nước ta sẽ nhập khẩu khoảng 150.000 con bò Úc, cao gấp 2,24 lần năm 2013.

Việc thịt ngoại tràn ngập thị trường đã khiến giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước liên tục giảm sâu từ hơn nửa tháng nay. Anh Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Bình Phước cho biết, hơn 10 ngày nay, giá gà lông trắng bắt tại chuồng chỉ đạt 27.000 – 28.000 đồng/kg, giảm hơn 6.000 đồng/kg so với thời gian trước đó. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.

Tương tự, gà lông màu, gà Tam hoàng vốn được xem là thế mạnh của ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đang bị “cơn bão” gà ngoại “đè bẹp”, rớt giá thê thảm. Anh Hoàng Mạnh Hà - chủ trại nuôi ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) chán nản nói: “Khoảng nửa tháng qua, gà lông màu liên tục rớt giá, từ 48.000 đồng/kg hiện chỉ còn 38.000 đồng/kg. Chưa năm nào giá gà lông màu lại xuống thấp như vậy, khiến người nuôi chúng tôi lãnh đủ thua lỗ. Nghe nói càng về cuối năm, thịt ngoại nhập về càng nhiều, không biết giá gà trong nước còn giảm bao nhiêu nữa đây?”.

Theo các nhà nhập khẩu, sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, phín, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng lại là những sản phẩm “đặc sản” đối với người dân Việt Nam. “Thị trường tiêu thụ tốt, giá cả cạnh tranh, lại thêm việc Nga cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU khiến các nhà xuất khẩu ở Mỹ, EU đã tìm đến nước ta như một thị trường mới, đầy tiềm năng” - ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc cơ quan Thú y Vùng VI giải thích.

 

Thịt gà nhập về chỉ hơn 20.000 đồng/kg, đây chính là lý do vì sao hầu hết các quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể đang chuyển dần từ thịt gà nội sang sử dụng... thịt gà ngoại. (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, việc các loại thịt ngoại nhập khẩu ngày càng nhiều vào nước ta chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ, do chất lượng thịt ngoại rất cạnh tranh, được nhiều người tiêu dùng thích. Người chăn nuôi không nên quá lo lắng, bởi dự báo từ nay đến cuối năm, giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ giữ ở mức ổn định chứ khó giảm thêm. Ngoài ra, phần đông người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ăn thịt tươi nóng (gia súc, gia cầm nuôi và giết mổ trong nước) chứ ít dùng thịt đông lạnh, riêng với thịt gà, hầu hết vẫn dùng gà lông màu, còn gà lông trắng chủ yếu dùng sản xuất thức ăn nhanh.

Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, hộ chăn nuôi bắt buộc phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để giành thế chủ động, tìm cách hạ giá thành bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Quan trọng nhất là phải đẩy chất lượng lên và hạ giá thành xuống thì mới cạnh tranh được.

Doanh nghiệp trong nước “tiêu” dần

Thông tin trên báo Phụ nữ Online, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh, chế biến thịt trong nước dần vắng bóng trên thị trường. Một số DN như Huỳnh Gia Huynh Đệ, Vissan, Sagri… mấy năm trước rầm rộ tiến hành xây dựng nhà máy giết mổ ở Đồng Tháp, Long An… tuy nhiên, trong lúc chưa nhà máy nào thông báo đi vào hoạt động thì từ hơn một năm nay không ít người tiêu dùng tại TP.HCM thắc mắc vì không thấy sản phẩm thịt gia cầm của Huỳnh Gia Huynh Đệ bán phổ biến trên thị trường như trước. Ông Châu Nhật Trung, giám đốc công ty này chỉ giải thích ngắn gọn rằng do khó khăn về vốn, vốn vay giải ngân chậm nên công ty sắp xếp lại sản xuất, hiện mỗi ngày chỉ đưa ra thị trường từ 5-10 tấn sản phẩm (?). Trừ Phú An Sinh đã “mất dấu” từ vài năm trước, gần đây, thương hiệu Thanh Bình cũng không còn xuất hiện phổ biến.

Trong lúc nguồn thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày một tăng, nhiều hộ nuôi trong nước hoặc ngừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi gia công cho DN nước ngoài thì các DN trong nước vẫn chưa thể tự chủ động nguồn nguyên liệu. Ngay cả những DN chế biến lớn như Công ty TNHH MTV kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng chuyển qua sử dụng nguồn bò Úc để giết mổ. Đối với nguồn heo gà, Vissan vẫn thu mua từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở một số vùng miền chứ không có nguồn gia công như các DN ngoại. Dù khẳng định có nguồn nguyên liệu mới ổn định và kiểm soát được về an toàn thực phẩm, nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, hình thức Vissan hợp tác với người nuôi chủ yếu là ở việc giám sát quy trình nuôi. Về nhà máy giết mổ, ông Mười cho biết: “Vẫn đang trong quá trình xây dựng (từ năm 2011 đến nay - PV), dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành”.

Như vậy, có thể thấy rõ: trong khi thịt ngoại nhanh chóng vào Việt Nam, DN chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam không ngừng mở rộng thị phần thì các DN trong nước lại “co cụm”. Rất nhiều DN cho rằng do không có vốn nên không thể đầu tư cho nông dân nuôi như các DN ngoại, vì vậy họ lựa chọn hình thức thu mua qua các đầu mối. Trong khi đó, người nuôi luôn trong tình trạng thấy lãi thì nuôi, lỗ thì “treo” chuồng. Để bù đắp nguồn cung, nhiều DN đã nhập khẩu thịt về để hưởng chênh lệch. Người nuôi do vậy càng khó khăn, lại tiếp tục “treo” chuồng trại… như một vòng luẩn quẩn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật