Đổi mới Chương trình Sách giáo khoa phổ thông: Biến bại thành thắng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày mai 28-11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông .
Đổi mới Chương trình Sách giáo khoa phổ thông: Biến bại thành thắng
Ảnh minh họa

Sau những ngày nghị trường và dư luận nóng lên những câu hỏi quanh việc tổ chức nào hưởng lợi khi biên soạn SGK mới, CT xây dựng ra sao. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là huy động tập hợp trí tuệ và sự sáng tạo cho thắng lợi đổi mới.

Những ý kiến trái chiều là điều không ai mong muốn, song đó là điều luôn có thể xảy ra trong giáo dục bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là tìm được sự đồng thuận từ những chủ trương lớn, thay vì chỉ là những giải pháp gỡ khó. Xã hội cần những ý tưởng mới cho mục tiêu đổi mới và nhất là nâng cao dân trí để người dân có thể bình tĩnh đối diện với những thách thức đổi mới giáo dục.
Dũng cảm nhận ra điều không phù hợp
Câu chuyện tiếp tục thu hút sự quan tâm gây xôn xao dư luận tuần này, khi Quốc hội tiếp tục bàn về CT-SGK, là sự kiện "thư Nepan” của Võ Thị Mỹ Linh (được cộng đồng mạng thán phục sau khi vượt qua cơn bão tuyết trong chuyến leo núi ở Nepal), "Gửi bác Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”, chỉ ra rõ mồn một sự khác biệt trong SGK tiếng Anh ở bậc tiểu học của Việt Nam và Nepal.
Bài viết xuất hiện trên mạng chiều 19-11, thu hút hàng chục ngàn người thích (like), hàng ngàn bình luận (comment). Và hôm qua 26-11, trước những hồi đáp của Bộ chủ quản, chủ nhân bức thư ngỏ trên tiếp tục đưa ra những ý kiến phản hồi.
Sự kiện chưa tới hồi kết song mừng là tiếng nói chung dường như đã thống nhất, đó là "không có bộ sách nào là hoàn hảo”. Và nữa, "mục tiêu của chúng ta là phải hướng đến cái hoàn hảo, cái tốt nhất để điều chỉnh và tiến bộ mỗi ngày”, như chủ nhân lá thư bày tỏ.
Khó nhất là dũng cảm nhận ra điều không phù hợp, đó là cách mà không chỉ những nhà biên soạn CT-SGK tới đây phải đối mặt, mà đội ngũ nhà giáo và phụ huynh học sinh cũng vậy, trong hành trình tái thiết nền giáo dục và thậm chí khát khao xây dựng một nền giáo dục mới trước gian khó, thách thức muôn trùng.
Sau nhiều tranh luận và đối thoại, lãnh đạo ngành sẽ không thể tự ru ngủ mình bằng thành tích cả thực lẫn ảo. Lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc những góp ý thẳng thắng và chân tình, nhanh chóng điều chỉnh những điều yếu kém được nhận ra để hạn chế tối đa sự lãng phí công sức những người biện soạn SGK, của giáo viên và hoc sinh, của toàn xã hội. Đẩy nhanh sự tiến bộ của thế hệ trẻ tự tin bước ra thế giới, để hiểu biết và tự tin đối thoại.
Tại thời điểm này, giới chuyên gia giáo dục, các nhà báo theo dõi giáo dục cũng như dư luận có cơ hội nhìn nhận một cách bình tĩnh càng không thể làm ngơ trước sự lúng túng và có phần tụt hậu của giáo dục nước nhà so với thế giới và yêu cầu phát triển.
Cơm mới, chuyện cũ
Trong gần 15 năm qua từ lần đổi mới CT-SGK lần trước, thế giới đã đổi thay biết bao, ngày càng phẳng và trí tuệ hơn, có biết bao cơ hội mới đã mở ra cho ngành GD&ĐT nếu đồng thời biết tiếp thu tư tưởng lớn về giáo dục của những bậc đại thụ trong ngành và cả những sinh viên, học sinh trong và ngoài nước. Điều quan trọng là phải có cơ chế lắng nghe, phản hồi khoa học, mới thắng được sức ỳ chi phối ngành giáo dục; mới chấm dứt nạn sửa chữa những vấn nạn giáo dục một cách vụn vặt, chắp vá, chậm chạp, thiếu nhất quán, khiến các vấn nạn trở nên phức tạp vượt quá tầm kiểm soát.
Nhiều nhận định và kiến nghị tâm huyết đề xuất khi bàn về đổi mới CT-SGK từ nhiều năm trước bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Như GS Hoàng Tụy cho rằng hiện đại hóa chương trình là yêu cầu cấp bách. "Chương trình môn Toán không thể khư khư giữ mái những phần cổ lỗ mà phải thay đổi. Từ rất lâu người ta quen chia cắt Toán học ở phổ thông thành các môn riêng: số học, hình học, đại số, lượng giác, giải tích, thống kê. Cách trình bày đó không còn phù hợp với tình hình hiện nay vì ngoài lý do sư phạm, ngày càng có những kiến thức toán học mới cần đưa thêm vào chương trình nhưng không xếp được vào các môn trên, mà cũng cũng chưa tách được thành các môn riêng ở phổ thông”, ông nói. GS Tụy cũng lưu ý Toán học không chỉ thiết thực cho đời sống thực tế mà còn rất bổ ích để rèn trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ, tư duy mô hình và đặc biệt giúp học sinh làm quen với tư duy tổ hợp…
Nhiều ý kiến cho rằng, sự áp đặt trong giáo dục là nguyên nhân số một dẫn đến việc chán học vì nghe giảng giải mà không hiểu, từ đó dẫn đến nạn bỏ học, nạn học thêm, chạy điểm. Cùng đó, độc quyền SGK được ví như là con dao hai lưỡi, vì thứ độc quyền đó mà đúng thì may mắn lớn mà sai thì thảm họa thật khủng khiếp.
Huy động lòng dân, trí dân
Kinh nghiệm thất bại trong những lần đổi mới CT-SGK là những bài học cho thấy không thể đổi mới giáo dục bằng những cải cách nửa vời, chưa động tới cốt lõi là giáo dục toàn diện phải đáp ứng các yêu cầu bức thiết hội nhập và phát triển kinh tế. Một nền giáo dục công bằng, dân chủ, hiện đại phải tới mọi người dân.
Trên cái nền chung đổi mới, nền giáo dục mang sứ mạng cao cả về giáo dục con người trung thực, và ít nhiều có đầu óc sáng tạo, bởi giờ đây hơn lúc nào, hai đức tính đó ngày càng thiết yếu trong thế giới toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Điều đó cần được chú trọng xuyên suốt quá trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
Trong cái họa của CT-SGK được coi là "có vấn đề” lâu nay cũng có cái may, khi đây chính là cơ hội lịch sử để mọi địa phương, nhà trường, thầy cô giáo, kể cả các gia đình tìm thấy trở lại động lực mạnh mẽ để phát huy tiềm năng đóng góp sức lực, trí lực cho giáo dục.
Cũng cần nhắc lại, từ 2011 Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã làm SGK địa phương. Một giảng viên đang trực tiếp giảng dạy môn vật lý trường THCS Bạch Đằng thành phố này chia sẻ rằng, SGK toán do Sở biên soạn giao diện phong phú, in màu, nội dung như SGK của Bộ nhưng cái hay là mở rộng ra thực tế, cập nhật những kiến thức mới.
Tương tự, 3 năm qua, Hội đồng sư phạm và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Bản Xen, huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai, theo mô hình trường học mới VNEN cởi bỏ sự gò bó của mô hình truyền thống, cũng đã tự biên soạn giáo án - SGK để dùng trong dạy và học phù hợp điều kiện thực tế.
Khi các giáo viên tiểu học tự tin viết SGK, các Sở GD&ĐT cũng như các chuyên gia tâm huyết sẵn sàng tham gia trận đánh lớn, vấn đề là những nhà hoạch định chính sách biết huy động, tập hợp trí tuệ và sự sáng tạo từ thực tiễn và đủ bản lĩnh, trí thông minh và cả lòng dũng cảm để "biến bại thành thắng” trong quá trình đi tới.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật