Đổi mới sách giáo khoa: Phải có sự kế thừa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã được Quốc hội thảo luận và thông qua ngày 20-11.
Đổi mới sách giáo khoa: Phải có sự kế thừa
Ảnh minh họa

Theo như kế hoạch, chỉ còn hơn 1 tháng nữa việc thực hiện đổi mới chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn nhiều vấn đề liên quan đến đề án vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng.

Ai viết sách?

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ 1 bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách hoặc các cuốn SGK khác. Tuy nhiên, phương án này của Bộ đã gây ra cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.

PGS Văn Như Cương cho rằng, khi nói tới làm SGK phải căn cứ vào 2 cơ sở là điều kiện của đất nước và cơ sở khoa học của việc làm sách. Đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế đất nước để giao cho ai làm sách, chứ tuyệt đối không thể giao theo cảm tính như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác. Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo và giám sát việc viết sách bởi: “Việc phải có 1 bộ SGK chuẩn đúng tiến độ thời gian, đúng với chương trình là vấn đề cấp thiết bây giờ.

Đây là điểm mấu chốt. Nếu các cá nhân, tổ chức nhận viết, nhưng đến thời hạn nộp bản thảo để thẩm định lại không hoàn thành (vì nhiều lý do chủ quan và khách quan) thì chúng ta lấy đâu sách cho học trò học? Do đó, ít ra phải có một bộ sách chuẩn nếu như chưa thể có được cùng lúc nhiều bộ sách như mục tiêu đề ra. Việc Bộ đứng ra chỉ đạo làm 1 cuốn sách đảm bảo kịp thời hạn, tiến trình là chắc chắn phải có”.

Còn theo quan điểm của GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, để thực hiện chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK không dễ dù ở Việt Nam đã có thời kỳ cho biên soạn 3 bộ SGK Toán, 2 bộ SGK Văn trên cơ sở một chương trình. GS Nguyễn Khắc Phi không tán thành chủ trương Bộ chủ trì biên soạn 1 bộ SGK. GS Phi đưa ra nhiều lý do, trong đó nhấn mạnh đến việc nếu Bộ trực tiếp làm, ở khâu thẩm định sẽ không công bằng.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên giao viết SGK cho một đơn vị trực thuộc làm, như NXB Giáo dục, vừa đảm bảo sự công bằng vừa không tốn tiền. “Khi đã có một chương trình rồi nên để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn. Tốt nhất, đầu mối nên là các NXB. Bởi lẽ theo Luật Xuất bản, chỉ có NXB mới có quyền in sách, xuất bản sách. Tốt nhất các NXB nên đứng ra để tổ chức các nhóm tác giả viết sách”.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng kiến nghị, chương trình từng môn nên do hội khoa học làm, còn Bộ GD&ĐT chỉ có chức năng thẩm định và duyệt. “Việc viết SGK nên giao cho các hội khoa học. Hội Vật lý viết SGK Vật lý, Hội Sinh học viết SGK Sinh học… Như vậy vừa đảm bảo được nội dung chương trình lại vừa công bằng”.

Chương trình mới quan trọng!

Chưa bàn đến việc ai viết sách, ai thẩm định, điều quan trọng hơn cả lúc này chính là việc có một chương trình hoàn chỉnh làm nền tảng cho việc đổi mới SGK. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, trong bốn khâu “chương trình, SGK, đội ngũ, cơ sở vật chất” thì chương trình vô cùng quan trọng. “Lâu nay chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào SGK mà chưa chú trọng đúng mức tới chương trình, do đó lần này xây dựng chương trình sẽ phức tạp gấp nhiều lần so với trước. Điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng chương trình thật tốt.

Trong chương trình đó, cần lưu ý sự khác nhau về năng lực học sinh, năng lực kinh tế ở các vùng miền và đầu tư của các gia đình cho con em họ. Trong chương trình cần thể hiện được sự khác nhau này để có cả phần dễ và phần nâng cao, tương ứng với điều kiện kinh tế của từng vùng miền”.

GS Nguyễn Ngọc Phú, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định: "Muốn có được SGK phải phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản mức tối thiểu cần phải đạt được tới đâu. Trên cơ sở chuẩn kiến thức tối thiểu mới đặt vấn đề thể hiện ở các SGK" .

Tuy nhiên, theo GS Phú, đặt vấn đề như lộ trình của Bộ GD&ĐT, đến năm 2020 sẽ phải xong cả chương trình và SGK. Thời gian như thế là rất gấp. Vì vậy phải có cách làm thật khoa học. "Theo tôi, năm 2014 - 2015 cứ dùng SGK cũ. Sau đó căn cứ vào chương trình sẽ chọn ra bộ SGK, loại SGK nào cần chỉnh lại. Cần có hội đồng biên soạn chấn chỉnh lần lượt, chứ không phải bỏ hết để viết lại. Phải có tính chất kế thừa", GS Phú nhấn mạnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: "Làm SGK không thể theo kiểu xóa đi làm lại từ đầu. Chúng ta không có đủ thời gian để làm mới hoàn toàn. Từ nay đến năm 2020 chỉ còn 6 năm nữa thôi, nếu chúng ta thay hết sẽ rất gấp. Thay đổi toàn bộ 150 quyển sách đều đảm bảo chất lượng không phải là việc đơn giản. Cần có lộ trình, những quyển nào không dùng được nữa thì nên thay, những quyển dùng được thì giữ lại. Đổi mới phương pháp dạy, động viên các tổ chức cá nhân viết dần, rồi thay dần".

SGK mới phải làm được nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Do đó, phải xác định vị trí của chương trình, SGK trong quá trình dạy và học. Chương trình là “linh hồn” định hướng cho quá trình dạy và học, do đó việc tạo ra một chương trình hoàn chỉnh, hợp lý là điều cần thiết trước tiên trong giai đoạn này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật