Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức: Mắt xích yếu của an ninh Mỹ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quyết định từ chức khá bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Bị ép buộc, hay tự nguyện? Đó là 2 câu hỏi được dư luận thế giới quan tâm khi nhắc đến sự kiện này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức: Mắt xích yếu của an ninh Mỹ
Tổng thống Obama và Bộ trưởng Chuck Hagel

Ngày 24.11, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã thống nhất để ông Hagel từ chức, song khẳng định ông Hagel có một thành tích khá tốt trong thời gian lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Bị ép từ chức?

Ngay sau khi quyết định từ chức của ông Hagel được công bố, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã nhanh chóng đập tan tin đồn khi khẳng định rằng, bất đồng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng về chiến lược đối với Syria không hề ảnh hưởng đến việc ông Hagel từ chức.

Tổng thống Obama cũng cho biết rằng, trước đó ông Hagel đã ngỏ ý từ chức từ hồi tháng 10. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cũng cho biết Tổng thống Obama và Bộ trưởng Hagel đã có các cuộc thảo luận về tương lai của ông Hagel từ giữa tháng 10 và các cuộc thảo luận này là do chính ông Hagel đề xuất.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, kể từ khi chính thức được bổ nhiệm hồi năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama - đứng đầu là bà Susan Rice. Chiến dịch không kích tại Iraq và Syria ngày càng quyết liệt cũng đồng nghĩa với việc những mâu thuẫn này tiếp tục leo thang.

Đáng chú ý là trong một thông báo nội bộ vừa bị tiết lộ hồi tháng trước, Bộ trưởng Hagel đã viết thư cho bà Susan Rice và đặt ra rất nhiều câu hỏi và nhấn mạnh tới sự cần thiết của một chiến dịch cụ thể hơn nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Theo tài liệu bị tiết lộ này, ông Hagel cũng đã đặt câu hỏi về chính sách của Tổng thống Obama khi chỉ sử dụng không lực trong cuộc chiến chống lại IS tại Iraq và Syria, và loại trừ khả năng triển khai bộ binh Mỹ. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Iraq, người đã biết Bộ trưởng Hagel trong nhiều năm nhận định rằng, những hành động nói trên của ông Hagel đã thiếu thận trọng, dẫn đến bất đồng quan điểm với Tổng thống Obama.

Tuy vậy, với những diễn biến trên chính trường Mỹ, giới phân tích cho rằng, đằng sau quyết định từ chức của ông Hagel thực chất là một quyết định sa thải, để làm mới bộ máy an ninh quốc phòng, phù hợp với chính sách của Nhà Trắng.

“Mắt xích yếu”

CNN dẫn bình luận của ông David Rothkopf - Tổng Biên tập tạp chí Chính sách Đối ngoại và là tác giả cuốn sách mới về Hội đồng An ninh quốc gia đánh giá, sẽ có rất ít người than thở sau quyết định ra đi của ông Chuck Hagel, bởi việc lựa chọn ông Hagel vào vị trí này đã từng bị đánh giá là sự lựa chọn yếu kém. Bản thân ông Hagel cũng bị coi là người thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề Trung Đông, nhiều người đánh giá Bộ trưởng Hagel là “mắt xích yếu” trong bộ máy an ninh Mỹ.

Tuy nhiên, cũng theo ông David Rothkopf, việc ông Hagel rời Lầu Năm Góc lại là điều đáng lo ngại cho những người ở lại đã rất ủng hộ quan điểm của ông Hagel trước đó. Ông David Rothkopf bình luận: “Sa thải Chuck Hagel là một triệu chứng của căn bệnh đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm an ninh quốc gia của ông Obama chứ không phải là một liệu pháp cứu chữa”. Chuyên gia Rothkopf cũng nhấn mạnh: "Sự thay đổi thực sự cần diễn ra là ở bên trong Nhà Trắng, và điều này có nghĩa là không chỉ với các cố vấn cấp cao mà còn với bản thân Tổng thống Obama".

Với quyết định từ chức của ông Hagel, Tổng thống Obama đã trở thành tổng thống đầu tiên kể từ thời ông Harry Truman làm việc với 4 bộ trưởng quốc phòng. Hai người tiền nhiệm của ông Hagel là ông Robert Gates và ông Leon Panetta sau khi rời bỏ vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc đều than phiền về cách quản lý vi mô và việc can thiệp trong vấn đề quyết sách của Nhà Trắng.

Việc ông Hagel từ chức sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống Obama thổi luồng sinh khí mới vào ban lãnh đạo Lầu Năm Góc ở thời điểm chính quyền Mỹ đang bị bủa vây bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ cuộc chiến chống lực lượng IS tới khủng hoảng Ukraine cũng như việc tiếp tục hoạt động quân sự tại Afghanistan.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách Chính sách Michele Flournoy hiện đang là ứng cử viên số một để thay thế ông Hagel. Nếu được bổ nhiệm, bà Flournoy sẽ là người phụ nữ đầu tiên điều hành Lầu Năm Góc. Hiện nay, bà Flournoy đang đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ mới, cơ quan mà bà là người đồng sáng lập.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật