Việt Nam vướng bẫy thu nhập trung bình vì... kém sáng tạo

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo còn yếu, nếu không cải thiện Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam vướng bẫy thu nhập trung bình vì... kém sáng tạo
Ảnh minh họa

Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong Báo cáo đánh giá KHCN và đổi mới sáng tạo vừa được công bố.

Tờ TBKTSG Online dẫn báo cáo của WB chỉ ra việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) tại Việt Nam có quá nhiều nghịch lý so với thế giới. Cụ thể, mức đầu tư cho nghiên cứu ở Việt Nam quá thấp, chỉ chiếm 0,2% GDP.

Ngoài ra, trong khi ở nhiều nước khối doanh nghiệp (DN) tư nhân dốc sức rất nhiều cho đầu tư đổi mới KH&CN, đầu tư tư nhân chiếm ưu thế trong tỉ trọng đầu tư cho phát triển (có thể đạt trên 80%), thì ngược lại ở Việt Nam đầu tư cho phát triển từ nguồn vốn Chính phủ chiếm đến 90%, chỉ còn lại khoảng 10% từ khối DN tư nhân.

Điều đáng nói là qua nghiên cứu, WB nhận định hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay theo tiêu chuẩn hiện đại chỉ mới đang manh nha, dù trước đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong nghiên cứu khoa học.

Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo còn yếu, hệ thống sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún.

:Nếu không cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, Việt Nam có thể rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", báo cáo nêu.

Thực tế này được chỉ ra không phải quá bất ngờ bởi trước đó ông Nguyễn Chí Dũng,Thứ trưởng Bộ KHĐT từng nêu thực trạng kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm. Từ 2013 tới nay, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng chưa như kỳ vọng.

"Điều này do các tác động tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả. Tăng trưởng dựa nhiều vào vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp", ông Dũng nói.

Mới đây, tại cuộc hội thảo về “Bẫy thu nhập trung bình” do Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng Việt Nam mới bước vào vị trí quốc gia có thu nhập trung bình được vài năm và vẫn đang là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên, gia công và lắp ráp.

Giáo sư Kenichi Ohno (Nhật Bản), Giám đốc Dự án Diễn đàn Phát triển Việt Nam lo ngại, kể từ khi bước lên nấc thang cao hơn thì các dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam lại trở nên rõ ràng hơn.

Giáo sư Kenichi Ohno cũng chỉ rõ các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng gây ra đều đã hiện hữu ở Việt Nam như lạm phát, bong bóng bất động sản, tắc nghẽn giao thông, môi trường, tham nhũng.

Ông cho rằng với mức thu nhập trung bình thấp như vậy thì còn quá sớm để chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại. Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số ở độ tuổi lao động trẻ. Điều này sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế hàng năm. Nhưng hiện nay, dân số Việt Nam đang già đi.

“Nếu vẫn giữ tình trạng như hiện nay, rất có thể, Việt Nam sẽ rơi vào cảnh chưa giàu đã già”, GS Ohno cảnh báo.

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cũng thẳng thắn: “Ta hãy còn sĩ diện khi nói thẳng vào vấn đề này. Theo tôi là chúng ta ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình rồi”.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã chọn được 3 trọng tâm phát triển là cơ sở hạ tầng, phát triển thể chế và nguồn nhân lực để tránh “Bẫy thu nhập trung bình”.

Theo ông Vinh, đây chính là thời điểm Việt Nam cần phải có phương thức phát triển mới. Chính phủ đã xây dựng chương trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

“Nếu trước đây chúng ta chỉ tập trung vào tăng trưởng vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, thì nay phải là tăng năng suất lao động, quản trị hiện đại, tập trung khai thác tiềm năng con người”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Tuy nhiên tại diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 vừa qua giới chuyên môn cho rằng phải tới năm 2058 Việt Nam mới thoát “bẫy thu nhập trung bình”.Trong các nước châu Á, Việt Nam thuộc nhóm phải mất nhiều thời gian nhất để cải thiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật