Kinh tế Trung Quốc bắt đầu è cổ trước khó khăn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm lãi suất cho vay xuống còn 5,6% đang thực sự là một đề tài sôi nổi đang được bàn tán trên khắp thế giới. Nó là tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu è cổ trước khó khăn
Ảnh minh họa

Ý nghĩa của việc giảm lãi suất cho vay không chỉ nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên Trung Quốc giảm lãi suất kể từ năm 2012, mà còn được xem là biện pháp đầu tiên các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh triển khai để tái định hướng lại nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau quãng thời gian tăng trưởng được coi là kỳ tích của quốc gia Đông Á này.

Nó cũng đang báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn có những thay đổi sâu sắc, theo chiều hướng tốt hơn hay xấu đi phụ thuộc vào khả năng của những nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh.

Việc giảm lãi suất cho vay vốn của ngân hàng trung ương Trung Quốc, sở dĩ nhận được sự quan tâm lớn từ phía giới chuyên gia, không chỉ vì nền kinh tế Trung Quốc vừa đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua, khi chỉ đạt 7,3% trong quý ba, thấp hơn con số 7,5% mà các nhà lãnh đạo nước này kỳ vọng. Với một nền kinh tế phát triển nóng trong hai chục năm, với tỷ lệ tăng trưởng luôn đạt mức hai con số, thì việc tỷ lệ tăng trưởng chạm đáy có nhiều ý nghĩa hơn là ở con số đơn thuần.

Kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những thách thức, đó là điều giới chuyên môn đã cảnh báo và cũng được giới chức Bắc Kinh đề cập trong các bài trả lời phỏng vấn. Thách thức mà Trung Quốc gặp phải ở thời điểm hiện tại là tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, phù hợp hơn, khi mô hình tăng trưởng cũ đã chạm mốc giới hạn.

Việc tăng trưởng dựa trên giá nhân công rẻ và hàng xuất khẩu sẽ không thể tiếp tục duy trì. Con số 7,3% tăng trưởng trong quý 3 của Trung Quốc vì thế có thể coi là một dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng không thể níu kéo mô hình tăng trưởng cũ, hơn là một bước trầm tạm thời mà nhiều chuyên gia dự đoán.

Vì thế, việc giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Trung Quốc đang được dự đoán là bước đi đầu tiên để tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của Bắc Kinh, hơn là một phản ứng thường thấy đơn thuần. Khi mô hình tăng trưởng chưa có sự thay đổi, việc giảm lãi suất để kíc‌h thí‌ch tăng trưởng sẽ không có nhiều tác dụng, nhất là khi môi trường kinh doanh và tiêu thụ không có nhiều biến chuyển đủ hấp dẫn để khiến các doanh nghiệp vay tiền để mở rộng sản xuất và kinh doanh.

Điều trùng hợp là, tình cảnh Trung Quốc đang phải đối đầu cũng gần tương tự với trường hợp nước láng giềng Nhật Bản phải giải quyết, dù vấn đề của Nhật Bản phức tạp và nhiều khó khăn hơn. Nhật Bản vừa trải qua một giai đoạn giảm phát nghiêm trọng và chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng phá vỡ tình trạng đó bằng các chính sách kinh tế thường được gọi là Abenomics, trong đó có giải pháp bơm tiền ồ ạt để kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Nước Nhật cũng vừa trải qua quý thứ hai liên tiếp suy giảm tăng trưởng, cho thấy vấn đề còn hơn là chỉ nằm ở việc bơm tiền hay giảm lãi suất.

Giới chuyên gia dự báo, việc giảm lãi suất sẽ không mang lại nhiều hiệu quả xốc lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, khi các điều kiện về môi trường kinh doanh và tiêu dùng không có nhiều thay đổi. Để cải thiện tình hình, cần nhiều hơn những giải pháp phù hợp và quyết liệt từ phía Bắc Kinh.

Nếu không có những giải pháp phù hợp, e rằng tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp những nỗ lực của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng soán ngôi Mỹ để giành lấy ngôi vị nền kinh tế số một thế giới của Trung Quốc.

Nếu như cách đây ba thập kỷ, Đặng Tiểu Bình đã mở cửa Trung Quốc bằng những cải cách của mình để tạo nên một trong những hiện tượng phát triển thần kỳ nhất của lịch sử kinh tế thế giới, thì giờ đây, hơn bao giờ hết Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo tài ba như thế khi đứng trước yêu cầu một hướng đi mới cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Một hướng đi đòi hỏi một tầm nhìn cao hơn, phức tạp hơn những cải cách của Đặng Tiểu Bình cách đây ba thập kỷ, khi Trung Quốc đã đạt tới một nấc phát triển cao hơn Trung Quốc thời Đặng rất nhiều. Trong kinh tế, không có chỗ cho sự đứng yên, không tiến lên đồng nghĩa với thụt lùi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật