Sẽ có sách về linh vật truyền thống Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhằm giúp cán bộ văn hóa nhận diện linh vật Việt Nam, tránh sử dụng linh vật ngoại lai, Bộ Văn hóa đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh nghiên cứu và xuất bản bộ sách cẩm nang về hoa văn, biểu tượng trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Sẽ có sách về linh vật truyền thống Việt Nam
Sư tử Trung Quốc đặt ở chùa Gia Quất, trước khi được di dời. Ảnh: Trà Mỹ.

Linh vật ngoại lai xuất hiện tràn lan tiếp tục là chủ đề nóng tại hội thảo "Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam", diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội. Nhiều nhà văn hóa, mỹ thuật, khảo cổ tỏ ra bức xúc khi suốt 10 năm qua, sư tử đá Trung Quốc nghễu nghện ở mọi nơi, trên khắp các tỉnh thành.

PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam gọi đó là hành động "tự đồng hóa mình", "tự xâm lăng" văn hóa. Ông kể các bạn của ông khi đi qua di tích, công sở Việt Nam, nhìn thấy sư tử đá Trung Quốc án ngữ trước cửa, đều hỏi: "Đây có phải di tích của Trung Quốc".

Theo PSG Tín, tất cả dân tộc trên thế giới đều có sự giao lưu, nhưng sau đó sẽ được tinh lọc, nhào nặn thành đặc trưng văn hóa từng quốc gia. Sư tử đá, thực chất cũng được người Trung Quốc sao chép từ khu vực Lưỡng Hà (Trung Đông) rồi biến thành cái riêng của mình.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Liên thừa nhận, trước sự hội nhập và giao lưu quốc tế, việc dùng sản phẩm, biểu tượng, linh vật của nước ngoài khá tràn lan. Vì vậy, Bộ đã ban hành công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bộ cũng đã xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện công văn và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Để công tác này đạt được hiệu quả, Thứ trưởng Liên đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sớm nghiên cứu và xuất bản bộ sách cẩm nang về hoa văn, biểu tượng trang trí trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam; tổ chức cuộc thi sáng tác biểu, tượng linh vật mang dấu ấn đương đại, thực hiện trong năm 2015.

Bộ Văn hóa cũng yêu cầu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về hình tượng sư tử và nghê truyền thống đến đương đại - từ lý thuyết đến các mẫu ứng dụng. Đề tài sẽ tổng hợp các mẫu mã về tượng, phù điêu sư tử và nghê tại những di tích truyền thống của cả nước; làm rõ bản sắc Việt Nam trong các mẫu linh vật đó. Tùy vào chất lượng của đề tài, Bộ có thể xuất bản thành bộ sách.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã yêu cầu Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ và hình tượng sư tử và nghê trong truyền thống đến đương đại. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cục Di sản văn hóa được giao trách nhiệm phối hợp với thanh tra Bộ tiếp tục thanh kiểm tra tại các di tích, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc không sản xuất, không sử dụng cũng như không cung tiến các biểu tượng, linh vật ngoại lai…

"Chúng tôi đã vạch ra lộ trình, trong năm 2014 này chúng ta làm công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá và khuyến cáo. Từ tháng 7/2015 chúng ta tiến hành xem xét theo đúng quy định Luật Di sản của các đơn vị, cá nhân tại di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng, tiến tới khuyến cáo với các công sở, cá nhân", Thứ trưởng Liên nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật