Người dân tái định cư chưa an cư

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần sáu năm trước, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) triển khai thực hiện dự án tái định cư tại xã Hồng Thủy nhằm tạo nơi ở mới cho 50 hộ dân vùng ngập lụt trên địa bàn.
Người dân tái định cư chưa an cư
Nhiều ngôi nhà trong khu tái định cư xã Hồng Thủy bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, do hạ tầng khu tái định cư đầu tư không đồng bộ và "sổ đỏ" chưa được cấp, cho nên đời sống người dân ở đây vẫn chưa an cư.

Dự án tái định cư xã Hồng Thủy do UBND huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư, nhưng trong quá trình thực hiện, nguồn vốn đầu tư thiếu và bố trí dàn trải, cho nên việc đầu tư về hạ tầng không đồng bộ và thiếu hợp lý. Riêng hệ thống cống thoát nước của khu tái định cư được thiết kế nhỏ lại đặt cao, nước rất khó thoát. Ở vùng cát nhưng cứ sau mỗi trận mưa là nước lại ngập úng thời gian dài. Ðiện lưới chưa có cũng gây khó khăn cho các hộ đến sinh sống tại nơi ở mới. Gần đây, huyện Lệ Thủy đã đầu tư hệ thống điện tới khu tái định cư. Xã Hồng Thủy xây dựng lại hệ thống thoát nước, việc thoát nước tốt hơn.

Song đây là vùng cát trắng khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Vì thế, quy mô của vùng tái định cư là 50 hộ nhưng chưa khi nào toàn bộ số hộ này chuyển ra sinh sống tại đây. Ðã thế, không trụ lại được nơi vùng cát trắng, nhiều gia đình bỏ khu tái định cư chuyển về tá túc trong nhà người thân, hoặc sống tạm nơi nào đó trong làng cũ. Mùa mưa, họ đến trồng ít rau dưa, mùa nắng thì nhà và vườn bỏ hoang.

Khi chúng tôi đến, khu tái định cư chỉ là những ô cát trắng, không có cây, nhiều ngôi nhà nhỏ khoảng chục mét vuông, xây tạm bợ bị bỏ hoang, xiêu vẹo, còn 17 hộ dân đang bám trụ nơi này. Ông Lương Ðức Mạnh, người thuộc diện tái định cư tại đây cho biết, gia đình ông được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà cùng 3,5 sào đất vườn. Dự án có quy định diện tích và kiểu nhà, nhưng vì chỉ có từng đó tiền nên ngôi nhà được xây bé xíu. Hộ nào có tiền góp thêm thì nhà được xây to hơn một chút. Gia đình ông trụ được một thời gian thì nay cửa đóng then cài, trở lại làng cũ tá túc, mùa mưa ra trồng rau mà thôi.

Ở phía cuối khu tái định cư có nhiều gia đình đang sinh sống. Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Hằng, chị cho biết, đã sống ở đây gần năm năm. Ngôi nhà chị thấp, chật chội, nóng như lò nung. Chị phải dùng tấm nệm trải giường căng lên làm trần tạm để bớt nóng cho giường ngủ của hai đứa con đang học tiểu học. Ngoài ba sào ruộng ở trong làng cũ, chồng chị phải đi phụ hồ nơi xa để nuôi cả gia đình. Chị ở nhà "đánh vật" với vườn cát trồng được ít rau màu và chăm hai đứa con. Chị nói, ở đây, chỉ việc nuôi bò thả trong rừng phi lao là khả dĩ nhất nhưng do không có vốn nên đành chịu. Bà Lê Thị Dâu ra định cư đã mấy năm nay nhưng đời sống vất vả không kém. Chồng bà cũng làm phụ hồ, mười ngày, nửa tháng mới về nhà một lần. Bà cũng muốn nuôi bò mà không có vốn. Bà Dâu cho biết, đã nhiều lần đề nghị cấp trên cấp sổ đỏ để vay vốn mua bò nhưng chưa được giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, Lê Văn Thành thừa nhận, đời sống người dân khu tái định cư còn rất khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Mặt khác, xã nghèo nên chính quyền cũng chưa giúp được gì, vì thế người dân chưa thật an cư. "Việc người dân đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là hoàn toàn chính đáng, xã đã nhiều lần đề nghị với huyện song đến nay vẫn chưa được giải quyết"- đồng chí Thành nói. Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho biết, ngay sau khi nhận được kiến nghị của người dân ở khu tái định cư Mốc Ðịnh, UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện rà soát lại những bất cập để khắc phục. Sau đó, huyện đầu tư xây dựng công trình điện, sửa lại hệ thống thoát nước nên đã giải quyết cơ bản các bất cập, hạn chế về hạ tầng. Tuy nhiên, đây là vùng đất cát bạc màu, không thuận lợi cho sản xuất nhưng chính quyền địa phương chưa có hỗ trợ nào đáng kể. Sắp tới, UBND huyện chỉ đạo khẩn trương cấp sổ đỏ cho người dân để họ thuận lợi trong việc vay vốn làm ăn; đồng thời có biện pháp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

"UBND huyện giao Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện phối hợp với xã Hồng Thủy rà soát lại quy hoạch, đối tượng và hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp sổ đỏ. Ðây là quyền lợi chính đáng của người dân mà nhiều năm nay chưa được xem xét giải quyết thấu đáo, bây giờ không để kéo dài thêm".

PHẠM HỮU THẢO

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy

"Cái khó nhất hiện nay trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân khu tái định cư là kinh phí để trích đo địa chính. Theo quy định thì người dân phải nộp khoản phí này nhưng thực tế đời sống của các hộ dân tại nơi ở mới còn nhiều khó khăn, cho nên cũng khó xoay xở. Quan điểm của xã là đề nghị huyện hỗ trợ cho các hộ khoản chi phí này, nếu không, trước mắt xã sẽ bỏ tiền ra để làm cho người dân".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật