Quý bà tiết hạnh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tình ngoài chồng vợ là một nỗi bất hạnh, đa phần kẻ ngoại tình phải giấu diếm vì sợ người đời khinh khi. Nhưng tình ấy cũng có khi là hạnh phúc hiếm có mà người trong cuộc giấu đi để bảo vệ.
Quý bà tiết hạnh
Ảnh minh họa

Thử nhìn xem, có phải người một đời thủy chung, chưa bao giờ “ngoài chồng ngoài vợ” là đã bằng lòng tuyệt đối với hạnh phúc của mình?Chị trên 55 tuổi, có ông chồng bị thoát vị đĩa đệm mạn tính, ngồi đâu cũng nhăn nhó kêu đau lưng, mỏi cổ. Chị bảo thương chồng lắm, anh ấy đau như vậy đã mấy năm nay. Bao nhiêu năm học hành nghiên cứu, làm lính rồi làm sếp, hết phòng họp kia đến văn phòng nọ, giờ về già, bao cái oai phong biến mất, chỉ còn cái khung xộc xệch. Tội nghiệp, đau ốm thế mà vẫn đi làm, nay lại còn đăng ký đi dạy ở một trường nào đó nữa, có bao nhiêu tiền mang hết về cho vợ. Ai nghe chị nói cũng thấy chị thương chồng. Nhưng chỉ những người thân với chị bất ngờ nghe chị chép miệng: “Đau thế cũng tốt. Cho khỏi léng phéng với con nào! Mình làm vợ lão mình biết, kiệt rồi. Mình yên tâm, khỏi lo lắng lão mèo mỡ gì”.

Không đủ điều kiện để… hư

Chị đã mãn kinh từ hơn bốn năm nay, da dẻ bắt đầu chùng nhão. Mỹ phẩm bôi đêm bôi ngày, chạy laser, kem chống nắng… dù cố gắng đến mấy cũng không ngăn được cái mệt mỏi của tuổi tác trên khuôn mặt. Lớp tóc đã mỏng đi, thậm chí phía sau đầu nhìn thấy cả mảng hói rụng. Nhưng đó là phía sau, chị không nhìn thấy nên cứ nghĩ mình còn xinh đẹp, mình sống thanh thản, có thể tung tăng, nhẹ nhàng thanh thoát, và mình đoan chính, tiết hạnh. Đám trẻ trong công ty hay bị chị chê bai: nhỏ H. mặc cái áo màu rất quê! Nhỏ N. để tóc này không hợp, mà chắc nó xài thuốc nhuộm rẻ tiền sao tóc chẻ ngọn quá trời kìa! Trời ơi, lâu ngày không gặp, em sao nay mập quá vậy, phải ăn kiêng và tập thể dục đi, như chị nè, sáng nào cũng tập yoga, khỏe lắm em! Cứ đả đớt vậy, khen người nửa câu, tự khen mình mười câu. Cô em nào mà cãi lại chị một tiếng, chị giảng liền cho mà nghe nửa buổi về chăm sóc da tóc, nửa buổi nữa về hạnh phúc gia đình, nửa buổi nữa về ông chồng không bao giờ léng phéng với ai (vì mê vợ) mà chị cũng không bao giờ (dù có nhiều người theo chị lắm!).

Sau lưng chị, đám con gá‌ּi gọ‌ּi chị là “bà tiết hạnh khả phong”, rồi bĩu môi cười mỉa. Nghe đâu, trong một lần đi du lịch cả công ty, có mặt một “men” đa tình, nổi tiếng sát gái, không chê cả các cô các bà lớn tuổi, chị đã nhắn cho hắn một cái tin, ngây thơ “hồn nhiên như thiếu niên”, rằng “làm sao để có thể có nhiều bạn mà không mang tai tiếng?”. Thằng chả cười hí hí, mở tin nhắn đưa cho một em đang chung phòng với hắn xem, còn bình phẩm “bà này tiền mãn kinh!”. Em kia làm chung chi nhánh với chị nên bao năm trời không dám kể hở ra, chỉ đến lúc em chuyển sang chi nhánh khác, gió mới thổi câu chuyện đó về chỗ làm của chị. Đám trẻ bảo bà đó “tiết hạnh khả phong” thật, nhưng ai ngó lơ đi cái là bả bốc hốt liền, được miếng nào hay miếng đó!

Cũng may mà “men” nọ không trả lời tin nhắn của chị, nên chị vẫn bảo toàn được cái sự thủy chung bất đắc dĩ của mình. Đâu đó có kẻ độc mồm độc miệng kết luận rằng: ờ thì hư hỏng cũng phải có điều kiện, có đối tượng, chứ đâu dễ muốn hư là hư!

Quyền phán xét?

Hễ nghe ai đó ngoại tình, chị là người đưa ra từ câu hỏi đầu tiên cho đến kết luận cuối cùng. Bao giờ cũng là: đàn bà vậy là dại! Phải quý thân mình, phải biết sống cho mình, lụy vô tình là mình khổ. Đàn bà chỉ nên yêu chồng con và yêu lấy bản thân mình. Mình không hư hỏng, không bật đèn xanh trước thì sao người ta tới được. Chị bảo, chị nói nhân danh phụ nữ, nhưng nghe cho thật kỹ, thấy tận sâu dưới những lời ấy là một sự quy kết, chụp mũ những người đàn bà ấy - những người đàn bà trót có những phút giây hạnh phúc hơn chị, được nâng niu hơn chị, và có thể, đã dám sống thật lòng hơn, mãnh liệt hơn chị. Có khi người ta nhận ra sự cay nghiệt đó bắt nguồn từ chỗ chị không chịu đựng nổi hạnh phúc của họ khi thầm so với hoàn cảnh “chồng thoát vị đĩa đệm” của mình, nhưng không ai nỡ nói ra điều ấy. Ngoài miệng người ta nói đồng tình với chị, nhưng sâu trong lòng, chỉ là sự thương hại một người đàn bà không hư hỏng chẳng qua vì không có đủ điều kiện để hư hỏng, một thứ trái cây vỏ ngoài đã chín nẫu nhưng không thể lên men vì chất bảo quản đã thấm tận ruột gan.

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, có người sống cho cùng tận, có người thu mình lại sau vạch an toàn và… đứng đó để mà phán xét. Lâu dần, họ đâm ra nghiện cái cảm giác được phán xét người khác, cho rằng mình có quyền đó vì mình trong sạch, mình không phạm lỗi. Bằng sự thóc mách, buôn chuyện, bằng sự tàn nhẫn đàn bà, họ hủy hoại những người đàn bà khác còn hơn cả sức tàn phá của cuộc tình bất chính kia. Nghịch lý là trong chuyện này, đàn bà hẹp hòi với nhau hơn nhiều so với đàn ông. Họ không tha thứ cho những đồng loại đã phạm tội ngoại tình. Có thể vì họ đã không được làm điều đó, đã không đủ sức quyến rũ ai đó, và cũng có thể vì đã không đủ dũng cảm để một lần chấp nhận bứt phá khỏi những ràng buộc của cuộc hôn nhân chán phèo tẻ ngắt, bay một lần lên cao bằng chiếc đu bay mong manh quyến rũ của á‌i tìn‌h.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật