An Nguy gửi thông điệp nhân văn về trẻ khuyết tật ngày 20.11

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên cạnh việc chia sẻ mình từng theo học khoa Giáo dục đặc biệt, chuyên ngành Chậm phát triển trí tuệ tại Đại học Sư phạm Hà Nội, An Nguy kể chuyện cậu bé nhà giàu bị Down trở thành nỗi xấu hổ của gia đình khiến dân mạng phải suy ngẫm.
An Nguy gửi thông điệp nhân văn về trẻ khuyết tật ngày 20.11
An Nguy gửi thông điệp nhân văn về trẻ khuyết tật

Một số đứa trẻ bị Down nói riêng và khuyết tật nói chung thường bị bạn bè xa lánh, được xem là gánh nặng của xã hội, thậm chí là nỗi xấu hổ với gia đình. Cảm thông và từng tiếp xúc với những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, An Nguy đã kể câu chuyện để truyền tải thông điệp nhân văn:"Xã hội nên có một cái nhìn tích cực hơn về những người khuyết tật thì họ sẽ không còn phải sống trong bóng tối nữa. Ai cũng muốn được sinh ra lành lặn, và việc những đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật không phải là lỗi của nó, càng không phải là lỗi của cha mẹ nó. Nếu được can thiệp sớm và được chia sẻ yêu thương, những đứa trẻ này hoàn toàn có thể hoà nhập với cộng đồng...”.

Nội dung status mới nhất của An Nguy nhân ngày 20.11 như sau:

Hôm nay là ngày gì chắc có lẽ ai cũng biết và chắc cũng không thiếu người tặc lưỡi "thôi biết rồi, lại là biết ơn các thầy cô giáo chứ gì." Thực ra, ngày nào cũng là ngày nên sống tốt, nên biết ơn cả thôi. Thế nên hôm nay mình sẽ không viết về những thứ tương tự như vậy. Nhưng mình sẽ viết về điều mình đã từng có cơ hội trải nghiệm khi vẫn còn trên con đường sư phạm.

Chắc nhiều người đã biết mình từng theo học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục đặc biệt, chuyên ngành Chậm phát triển trí tuệ. Khi mình còn theo học, nhiều người hỏi mình học ngành gì, mình trả lời và họ đã cười. Họ hỏi "điểm của mày thừa sức vào khoa khác, trường khác tốt hơn, sao lại vào đây?" Lần này mình không trả lời và mình cười. Cuộc sống đối với mình là những trải nghiệm. Trên ghế nhà trường, chưa bao giờ mình tự hào mình là một học sinh hay sinh viên chăm chỉ giỏi giang. Như những sinh viên khác, cúp học bỏ tiết với mình là chuyện bình thường nhưng cũng như những sinh viên khác, dù không thích học nhưng việc đi học phần nào đã giúp mình đặt chân vào một thế giới mình chưa bao giờ biết tới.

Người khuyết tật nói chung và người chậm phát triển trí tuệ nói riêng vẫn thường được coi là gánh nặng, thậm chí là nỗi xấu hổ với gia đình, xã hội. Số đông người ta cho rằng việc có một cá nhân không bình thường trong một gia đình là do người đi trước ăn ở không có đức nên giờ quả báo. Họ không hiểu mỗi người sinh ra có một số phận và một sứ mệnh riêng. Họ không hiểu là số họ đỏ thế nên sứ mệnh của họ là ngậm mỏ vào cho người khác được yên.

Do có quen với một tổ chức phi chính phủ nên mình có một số dịp vào làm tình nguyện viên ở một số trung tâm dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và làm quen với nhiều trẻ ở đây, trẻ bại não, trẻ tự kỉ, trẻ down, trẻ tăng động ... Và có lẽ đứa trẻ mà mình nhớ nhất là một em tên Đức mắc hội chứng Down (đọc đến đây chắc không thiếu người sẽ có ý định tag những đứa bạn tên Đức của mình vào để trêu nó, phải không?). Đức không giống những đứa bạn cùng lớp của nó, nó vui vẻ hay chuyện trò hơn, và đặc biệt là nó rất tình cảm. Nó thích kể chuyện, thích được ôm, thích được giao cho việc nọ việc kia để làm, muốn làm một người có ích. Đức sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều là người có địa vị và học thức cao, thế nên việc sinh ra một đứa trẻ như nó là nỗi xấu hổ với gia đình. Ra ngoài đường là nó được bịt khẩu trang kín mít cho tới khi đến trường và về đến nhà là nó chỉ được phép ở trên phòng nếu có khách tới, không ai được biết đến nó cả. 

Ở đây không nói đến việc ai đúng ai sai, mỗi người có một lý do để giải thích cho việc họ đang làm. Mình không ở trong hoàn cảnh của họ nên mình không thể hiểu được. Nhưng mình chỉ muốn xã hội nên có một cái nhìn tích cực hơn về những người khuyết tật thì họ sẽ không còn phải sống trong bóng tối nữa. Ai cũng muốn được sinh ra lành lặn, và việc những đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật không phải là lỗi của nó, càng không phải là lỗi của cha mẹ nó. Nếu được can thiệp sớm và được chia sẻ yêu thương, những đứa trẻ này hoàn toàn có thể hoà nhập với cộng đồng. Có thể họ đóng góp cho xã hội không bằng những người khác, nhưng họ đóng góp bằng tất cả khả năng ít ỏi của họ, và đó mới là điều đáng trân trọng.


P/S: Rainman có Dustin Hoffman và Tom Cruise đóng là một bộ phim ai cũng nên xem.

Được biết, Raymond Rabbitt, nhân vật chính trong bộ phim Rain Man, đã trở thành nhân vật mang hội chứng bác học tự kỷ được biết đến nhiều nhất trên thế giới nhờ tài thể hiện hội chứng này nhạ‌y cả‌m và chính xác đến kinh ngạc của Dustin Hoffman.

Đọc câu chuyện của An Nguy, nhiều người thấy yêu quý vlogger này hơn. Trong khi một số người khuyết tật cảm thấy được an ủi phần nào, có động lực để sống tốt và phấn đấu.
Cùng xem nhận xét của dân mạng về câu chuyện trên:
"Em là người không may mắn như này. Khi đọc status của chị, cảm giác xã hội vẫn có người có cái nhìn khác. Mừng thật";

"Cháu thật có thiện tâm. Chúc cháu thành công và cô hiểu vì sao cháu được nhiều bạn trẻ yêu quý đến thế!"; "Họ không hiểu mỗi người sinh ra có một số phận và một sứ mệnh riêng. Họ không hiểu là số họ đỏ thế nên sứ mệnh của họ là ngậm mỏ vào cho người khác được yên";..

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật