Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Kết thúc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, hôm qua (19-11), Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Kết thúc phiên chất vấn các thành viên Chính phủ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk Y Khút Niê chất vấn các thành viên chính phủ tại kỳ họp. Ành: TTXVN

Giải quyết căn bản tình trạng xe quá tải trọng

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho biết, đây là một trong những giải pháp thực hiện tái cơ cấu toàn diện, triệt để của ngành GTVT, góp phần phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Bộ trưởng khẳng định nếu kiểm soát được chặt chẽ tải trọng các phương tiện trên đường bộ, chắc chắn thị trường vận tải đường bộ, giá vận tải đường bộ sẽ trở về đúng giá trị thực. Bộ trưởng cho biết, để kiểm soát tải trọng và phương thức giao thông vận tải có nhiều giải pháp, việc kiểm soát tải trọng phương tiện chỉ là một trong những giải pháp ngành sẽ thực hiện và tin tưởng đến năm 2015 tình trạng xe quá tải trọng sẽ được giải quyết căn bản.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa- Vũng Tàu) về bảo đảm chất lượng công trình, cụ thể là quốc lộ 51, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể và triển khai quyết liệt để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Hướng đến xây dựng lộ trình tiền lương bảo đảm mức sống tối thiểu

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) là việc tăng tiền lương hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận xét: hiện nay, tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt hơn 60%. Việc nâng lương được xây dựng theo lộ trình, theo đó, đến 2015 -2016, tiền lương của người lao động sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu, tuy nhiên, theo tình hình kinh tế và khả năng ngân sách, Bộ Chính trị đã có có yêu cầu cần "đi từng bước" theo khả năng ngân sách, giãn thời gian hướng đến lộ trình tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Năm nay, do khả năng ngân sách, Hội đồng Tiền lương xác định nếu nâng lương sẽ không có nguồn. Chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, dành 11 ngàn tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1-1-2015. Đây là quyết định nhân văn, tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Quản lý chặt chẽ nợ công

Sau khi 4 thành viên Chính phủ kết thúc phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Về nợ công, Thủ tướng khẳng định, mức nợ công nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội. Thời gian tới, giải pháp được Chính phủ đưa ra là quản lý chặt chẽ nợ công đặc biệt khoản vay mới. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn 60,2% GDP, nợ Chính phủ 46,6%. Kiểm soát chặt nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nợ vay của quỹ bảo hiểm xã hội, cấp bù chênh lệch lãi suất, nợ của DNNN, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Từ năm 2011 đến nay, nhà nước đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Phương án tăng lương cho năm 2015 cũng được Chính phủ trình với mức điều chỉnh 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). 6,3 triệu người sẽ được hưởng mức tăng lương này từ 1-1-2015. Với quyết định tăng lương này, Thủ tướng nêu rõ, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015. Trước thực trạng này, Thủ tướng cho biết, chủ trương tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

3 đột phá chiến lược để trở thành nước công nghiệp hiện đại

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương nêu câu hỏi: Theo Thủ tướng, giải pháp nào là quan trọng, mang tính quyết định, nhiệm vụ cần tập trung trước mắt từ nay đến hết 2015 là gì để bảo đảm năm 2020, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Phấn đấu nước ta thành nước công nghiệp hiện đại phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt phải thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược: Thể chế (thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, huy động cao nhất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực); Con người (vì sao năng lực cạnh tranh của ta thấp, chính do yếu tố con người; con người phải được đào tạo có trình độ, chất lượng đào tạo cao; Trung ương đã dành một phiên họp và có nghị quyết về vấn đề này). Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Để đưa nước ta thành nước công nghiệp hiện đại không còn hướng nào khác là thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược.

Trả lời đại biểu Quốc hội về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Đối với Trung Quốc hay với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước. Tại điều 12 Hiến pháp năm 2013 về đường lối đối ngoại nêu rõ: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, thực hiện các cam kết, công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên; hợp tác vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tích cực đóng góp cho hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ trên thế giới. Còn đối với ta và Trung Quốc là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn, Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, thịnh vượng, thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm "16 chữ" và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật