Chặng đường gập ghềnh của đồng ruble

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhu cầu USD sôi sục, thiếu hàng nội địa thay thế hàng nhập và nợ ngoại tệ tới hạn là ba trong số nhiều nguyên do đẩy đồng ruble của Nga vào thế khó, Tạp chí Economist phân tích.
Chặng đường gập ghềnh của đồng ruble
Ảnh minh họa

Trong kỷ nguyên của tiền tệ định danh (fiat money), các tổ chức và cá nhân chỉ giữ tiền khi tự tin rằng giá trị của chúng không xói mòn theo thời gian.

Vậy nên các nhà quản trị tiền tệ tại Nga đang trải qua một giai đoạn thử thách khi đồng ruble trượt giá 23% so với đồng USD chỉ trong ba tháng vừa qua.

Kết quả không tránh khỏi là lạm phát tăng vọt khi giá hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, đe dọa giá tiêu dùng tại Nga, vốn đã tăng trung bình 8%/năm.

Vậy mà trong những tuần gần đây, tình hình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nếu không muốn nói xuất hiện thêm các tín hiệu đáng ngại.

"Khát" ngoại tệ, ngân hàng Nga đã tăng lãi suất tiền đồng USD để thu hút nguồn cung. Lãi suất hấp dẫn thúc đẩy nhiều khách hàng gom ngoại tệ để gửi ngân hàng lấy lãi, càng kích cầu đồng bạc xanh.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina - đã cố ngăn chặn tình trạng này từ trong "trứng nước". Ngày 5/11, bà đã tăng lãi suất tiền gửi lên 9,5%. Người gửi tiền ruble vào ngân hàng sẽ lãi hơn gửi USD, làm tăng sức hấp dẫn của đồng nội tệ.

Sau đó, bà nỗ lực ngăn chặn tình trạng đầu cơ đồng USD bằng việc xóa bỏ biện pháp can thiệp theo chu kỳ, trị giá 350 triệu USD mỗi đợt của Ngân hàng Trung ương. Thay vào đó, các biện pháp điều chỉnh bất chợt được triển khai.

Cuối cùng, bà thắt chặt kênh tiếp cận đồng ruble của các ngân hàng thương mại để hạn chế cơ hội đầu cơ đồng nội tệ.

"Khát" ngoại tệ, ngân hàng Nga đã tăng lãi suất tiền đồng USD để thu hút nguồn cung.

Bà Nabiullina đã dự đoán được tình hình nếu không ra tay quyết đoán. Đồng ruble sụt giá đã gây ra những tác hại sâu sắc. Đầu tiên phải kể đến dầu mỏ.

Nửa đầu năm 2014, Nga thu về từ tổng kim ngạch xuất khẩu 255 tỷ USD, 68% trong đó đến từ dầu và khí thiên nhiên.

Trong giai đoạn này, giá dầu ở mức trung bình 109USD/thùng, hiện giá chỉ còn trụ tại 80USD/thùng. Nếu trừ theo tỷ lệ, Nga đã mất trắng 40 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, đẩy cán cân thương mại từ thặng dư sang thâm hụt.

Với hầu hết các nền kinh tế khác, đồng nội tệ sụt giá sẽ kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội địa, khi hàng nhập trở nên đắt đỏ hơn.

Nhưng lịch sử cận đại của Nga đã cản trở quá trình này. Ngành công nghiệp của Nga phải chuyển mình từ thị trường bao cấp của Xô Viết sang nền kinh tế định hướng thị trường. Sản lượng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm tại Nga và Ukraine sút từ 13 tấn năm 1991 xuống chỉ còn 5 tấn trong năm 2001.

Mặc dù tình hình đã có nhiều cải thiện, nông nghiệp Nga vẫn bị đánh giá là thiếu hiệu quả so với nhiều nước phát triển tại phương Tây. Do đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như thịt, sữa, trứng… có không nhiều mặt hàng nội địa thay thế.

Các nhà nhập khẩu những mặt hàng trên cần USD để thanh toán, càng tạo sức ép lên đồng ruble.

Còn nhiều lý do khác để người Nga bán ruble và mua USD. Trên toàn nước Nga hiện có 120 tỷ USD nợ tới hạn trong năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương.

1/3 trong số này thuộc về các ngân hàng, 2/3 còn lại nằm trong giới doanh nghiệp. Nhiều công ty xuất khẩu khổng lồ của Nga có doanh thu bằng USD để trang trải nợ nần. Nhưng những công ty vừa, nhỏ và giới ngân hàng thì không.

Việc phương Tây chặn dòng tiếp cận vốn tại thị trường châu Âu của các ngân hàng Nga càng vun đắp lên nhu cầu bền vững đối với USD. Với một khoản nợ lớn tới hạn vào tháng 12, đồng ruble có thể đối mặt với một đợt suy sụp nữa vào cuối năm.

Để chống đỡ phần nào, Tổng thống Nga đã ký một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 11. Qua đó, Nga sẽ xuất khẩu khí thiên nhiên từ Siberia tới Trung Quốc qua hệ thống đường ống mới.

Thương vụ này hứa hẹn mang về một thị trường tiêu thụ màu mỡ mới cho Nga, Trung Quốc có thể thế chân châu Âu thành bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của xứ bạch dương. Ngoài ra, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ sẽ xoa dịu lực cầu đối với đồng tiền của Mỹ.

Nhưng dự án này phải mất nhiều năm nữa mới được hoàn thành. Nguồn vốn để duy trì xây dựng cũng chưa được xác định. Trong lúc đó, Nga có thể vẫn phải đối mặt với giá dầu và khí sa sút.

Trong tuần trước, Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ đưa ra dự đoán mới, cho rằng giá dầu sẽ dao động quanh mốc 83USD/thùng trong năm 2015.

Với cận trên của quãng ước đoán là 90USD/thùng, cơ quan vẫn dự tính tăng trưởng giá ở mức 0, lạm phát năm 2015 tại 8%. Sẽ không quá lời khi nói ruble vẫn còn một chặng đường chông gai chờ đợt phía trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật