Trang Thế Hy, nhà văn không “nhắm mắt, quay lưng chào sự thật”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mượn một câu thơ của Trang Thế Hy trong bài “Cuộc đời”, đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Quán bên đường”, chỉ để mong nói lên một trong những nét nổi bật trong nhân cách của nhà văn: Tìm kiếm sự thật tận cùng về đời sống trong những trang viết chắt lọc. Tọa đàm về ông - người hiền của Nam Bộ - sáng 12.11 tại NXB Trẻ (TPHCM) đã khắc họa nên một người nghệ sĩ mà nhân cách và trang viết tài hoa hòa quyện vào nhau, để ông đứng ở vị trí hàng đầu nhà văn Nam Bộ hiện nay.
Trang Thế Hy, nhà văn không “nhắm mắt, quay lưng chào sự thật”
Nhà văn Trang Thế Hy chụp năm 2004.

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang nhìn nhận: Trang Thế Hy được coi là bậc thầy của việc sử dụng phương ngữ trong văn chương của các cây bút vùng Nam Bộ, bởi sự vui hóm và tính chuẩn mực về liều lượng... Ông luôn tự răn mình rằng văn chương góp phần thanh lọc tâm hồn con người và đem đến cho họ sự bình tĩnh và lòng can đảm. Qua nhân vật trong truyện “Tiếng khóc và tiếng hát”, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.

GS-TS Huỳnh Như Phương thì cho rằng, ba nét nổi bật ở văn chương của Trang Thế Hy, chính là: Ông giải quyết bài toán về chất và lượng trong đời mình, viết liên tục, cho dù mỗi ngày chỉ viết mấy dòng; văn chương của ông sang trọng, được chăm chút, thể hiện sự thống nhất giữa con người nghệ sĩ và nhân cách ngoài đời.

Không chỉ giỏi ở thể ký và truyện, thơ của Trang Thế Hy (tập “Đắng và ngọt”, vừa được NXB Trẻ ấn hành bản song ngữ) cũng được đánh giá cao. Nhà thơ Phan Hoàng nhận xét, thơ của ông dù viết cách đây 10 hay 40 năm cũng đều mang nét mới, mới hơn nhiều cây bút trẻ bây giờ. Đặc biệt, văn chương của ông mang nét dự cảm về cuộc đời và số phận của ông. Nhiều người đã viết, đã dựng chân dung ông, mà mỗi lần như thế vẫn có thể phát hiện ra những nét lạ, độc. Những cây bút thế hệ sau học được rất nhiều ở bậc tiền bối này.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ: Trang Thế Hy viết không phải để kiếm danh lợi, mà viết như chọn một thái độ sống. Đó là người nghệ sĩ buồn thích đùa, người sử dụng phương ngữ Nam Bộ rất đắt, giọng điệu vừa bác học lại vừa bình dân. Ông là đặc sản của văn chương Nam Bộ cũng như của nước nhà. Còn theo nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, đọc Trang Thế Hy không làm người ta quằn quại đau khổ, mà thúc vào tim nhiều câu hỏi: Mình đã sống như thế nào? Thành công lớn của nhà văn là bắt người đọc tự vấn mình, văn chương mang tính phản biện cao. Riêng một độc giả tại TPHCM cho rằng tên tuổi Trang Thế Hy đi theo bà suốt cuộc đời, giúp bà vượt qua mọi khó khăn, với những trang sách thấm đẫm tình người. Đặc biệt, bà nhớ mãi câu nói của ông : “Cái gì cũng có thể bán được, trừ niềm tin tưởng trong trái tim mình”.

Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, là một tác giả lớn của văn học Nam Bộ hơn 60 năm qua. Ông từng là thành viên sáng lập và Uỷ viên BCH Hội Nhà văn TPHCM, hiện là Chủ tịch danh dự Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre). Các tác phẩm của ông đã xuất bản: “Nắng đẹp miền quê ngoại” (1964), “Mưa ấm” (1981), “Người yêu và mùa thu” (1981), “Vết thương thứ 13” (1989, 2011), “Tiếng khóc và tiếng hát” (1993, tặng thưởng của Hội Nhà văn VN 1994), “Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác” (2000 - tặng thưởng loại A của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN), “Đắng và ngọt” (thơ, 2009). Vừa qua, nhân dịp mừng thọ ông tròn 90 tuổi, NXB Trẻ đã tái bản nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông sau khi ký hợp đồng mua bản quyền.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật