Pháp đủ bản lĩnh ‘ép’ Nga vụ TSB trực thăng Mistral?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vị quan chức chịu trách nhiệm chuyển giao “Mistral“ cho Nga đã bị sa thải, nó có chứng tỏ Pháp đã quyết định ép Nga tới cùng trong thương vụ này?
Pháp đủ bản lĩnh ‘ép’ Nga vụ TSB trực thăng Mistral?
Nga đã đặt mua 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp

Tương lai của “Vladivostok” vẫn chưa được xác định

Người chịu trách nhiệm chuyển giao tàu đổ bộ trực thăng "Mistral" cho Nga bị sa thải - dòng thông báo ngắn ngủi của tờ Echos chứa đựng bao mâu thuẫn trong quan hệ Nga-EU, Nga-Pháp và khái quát những mâu thuẫn của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Công ty đóng tàu DCNS của Pháp đã sa thải ông Yves Destefani, người đứng đầu dự án xuất khẩu tàu sân bay "Mistral" cho Nga. Tờ Echos cho biết, nguyên nhân sa thải vị giám đốc này có thể là lá thư của ông vào cuối tháng 10 vừa qua cho biết sẽ bắt đầu giao hàng cho phía Nga vào ngày 14 tháng 11.

Trước đó, giới chức chính trị Paris tuyên bố rằng việc chuyển giao con tàu đầu tiên sẽ không thể diễn ra do tình hình chính trị hiện nay. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp và Công ty chế tạo tàu thuyền DCNS thông báo ý định kiên quyết thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng cung cấp hai tàu sân bay "Mistral" đã được ký kết giữa công ty đóng Pháp DCNS và "Rosoboronexport" của Nga trong năm 2011. Tổng chi phí của hợp đồng là 1,2 tỷ euro (khoảng 1,66 tỷ USD), đồng thời kèm theo điều khoản có thể chọn mua thêm 2 chiếc nữa.

Việc hợp đồng "Mistral" không chắc chắn được thực hiện đã diễn ra trong nhiều tháng nay, trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa Nga và EU vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Mỹ và các nước phương Tây quyết định trừng phạt kinh tế và chấm dứt hợp tác quốc phòng với Nga vì xung đột quân sự ở miền đông nước này.

Mỹ và quốc gia NATO đã đề nghị Pháp hủy hợp đồng giao tàu Mistral cho Nga. Điều này đã khiến quan hệ Pháp-Nga, Pháp-Mỹ-EU trở nên căng thẳng và trong nội bộ nước này dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt. Hợp đồng đóng hai chiếc tàu chở trực thăng Mistral của Pháp với Nga đã bị đình chỉ khi đã đi vào giai đoạn cuối.

Washington cố gắng ép Paris gắn việc giao tàu Mistral cho Moscow với tình hình khủng hoảng Ukraine. Khi thời hạn giao hàng theo hợp đồng đang cận kề, tình hình miền đông Ukraine vẫn đang ngày càng rối loạn hơn, trong khi đó, lập trường của Nga về khủng hoảng Ukraine lại không có gì thay đổi.

Đài phát thanh quốc tế Pháp ngày 30-10 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã khẳng định, chưa đủ “điều kiện chín muồi” để Pháp bàn giao tàu Mistral cho Nga. Điều kiện chưa hội đủ chính là vấn đề Ukraine chưa phát triển theo hướng trở lại bình thường, mà trong đó Nga đóng vai trò tích cực.

Trong khi đó, ngày 29-10, phía Nga cho biết, Pháp sẽ chuyển giao chiếc đầu tiên mang tên “Vladivostok” cho nước này vào trung tuần tháng 11 và Moscow đã sẵn sàng tiếp nhận con tàu này. Tuy nhiên, hãng chế tạo DCNS ngay lập tức đã bác bỏ việc đã lên kế hoạch bàn giao tàu. Đây có thể chính là những rắc rối đã khiến cho ông Yves Destefani bị sa thải.

Liệu Pháp có dám phá vỡ hợp đồng với Nga?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hợp đồng này sẽ tiếp tục được thực hiện, Pháp sẽ bàn giao tàu cho Nga đúng hẹn vì nếu hủy bỏ thì Paris sẽ thiệt hại nhiều hơn là Moscow. Hợp đồng có trị giá 1,66 tỷ USD, đã tạo ra khoảng việc làm cho 1000 nhân công, nếu bán thêm 2 chiếc nữa thì người lao động Pháp sẽ lợi lớn.

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp được thiết kế rất hiện đại

Ngoài ra, hồi đầu tháng 6 vừa qua, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius cũng cho biết là hợp đồng được ký kết từ hồi năm 2011 này rất khó có thể bị hủy bỏ bởi các doanh nghiệp đóng tàu Pháp đã “nhận phần lớn tiền” - trong tổng giá trị hợp đồng là 1,66 tỷ USD - nên không thể từ bỏ.

Các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố cứng rắn là nếu không bàn giao tàu, Pháp sẽ phải trả giá rất đắt. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu Pháp không bàn giao tàu đúng thời hạn, sau 120 ngày cho phép trễ hẹn, cứ mỗi ngày chậm bàn giao thì phía Pháp có nghĩa vụ nộp phạt 1 triệu USD - tiền bồi thường hủy hợp đồng.

Phía Nga cũng khẳng định là đã có phương án xử lý vụ việc này. Nếu Pháp không giao tàu, nước này sẽ rút tiền đặt cọc đã ứng trước cho doanh nghiệp Pháp và sử dụng tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng để tự đóng tàu đổ bộ có tính năng tương tự như Mistral

Hơn nữa, nếu hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ có trị giá 1,66 tỷ USD, thậm chí có thể còn cao hơn nhiều (vì kèm theo điều kiện mua thêm 2 chiếc nữa) đổ vỡ, hải quân Pháp có thể “buộc phải” sử dụng 2 chiếc tàu này (chiếc thứ 2 là “Sevastopol” đã được khởi đóng ngày 18-06-2013), hoặc Pháp sẽ phải tìm một khách hàng để bán tống chúng đi.

Trong điều kiện các cường quốc đều cắt giảm ngân sách quốc phòng hoặc tự đóng được tàu sân bay trực thăng, các nước nhỏ thì không đủ khả năng mua và nuôi các chiến hạm khổng lồ này thì Pháp sẽ khó “đẩy đi” được 2 “cục nợ” này.

Giàn khoan thăm dò West Alpha trên biển Kara - một sản phẩm hợp tác Nga-Mỹ bất chấp lệnh trừng phạt

Một điểm nữa là hợp đồng mua sắm này được ký kết từ rất lâu, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các biện pháp trừng phạt mới đưa ra trong năm nay của Mỹ và EU. Ngay cả Mỹ cũng vẫn cho phép các công ty của mình hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đây với Nga thì lẽ nào Pháp lại không được phép thực hiện hợp đồng với Nga?

Tuy chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp cấm vận quân sự và kinh tế nhưng ngày 9-8 vừa qua, công ty dầu khí ExxonMobil của nước này vẫn khởi động dự án lắp ráp giàn khoan thăm dò dầu khí West Alpha trên biển Kara. Đây là dự án liên doanh của Exxon với Rosneft của Nga, nhằm thăm dò nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Bắc Cực.

Trả lời những thắc mắc về vấn đề tại sao chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm vận kinh tế và quân sự với Nga mà công ty này vẫn bảo lưu các hoạt động hợp tác với đối tác Nga, đại diện ExxonMobil cho biết, hoạt động này nằm trong khuôn khổ các dự án “đã ký kết từ trước” nên không thể hủy bỏ được.

Một thực tế là, mặc dù những căng thẳng chính trị nảy sinh trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, Rosneft vẫn ký kết được loạt hợp đồng với ExxonMobil (Mỹ), Statoil (Na Uy) và ENI (Ý), bất chấp thực tế là Chủ tịch Rosneft, ông Igor Sechin có tên trong danh sách những đối tượng bị Mỹ và phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt.

Trong bối cảnh này, liệu Pháp có đủ bản lĩnh phá vỡ hợp đồng với Nga?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật