“Cần giảm bớt lãnh đạo, nhiều người học nghề lãnh đạo quá”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 31.10, phát biểu trước Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Đương đã thẳng thắn nhìn nhận và hiến kế, góp một số giải pháp “trực quan sinh động” để góp phần tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
“Cần giảm bớt lãnh đạo, nhiều người học nghề lãnh đạo quá”
Ảnh minh họa

Theo ông Đương, có một tỉnh của Nhật Bản thuần nông nghiệp, diện tích chỉ gần bằng TPHCM nhưng có năng suất lao động nông nghiệp cao gấp 150 lần Việt Nam nên tổng thu ngân sách địa phương này trong 1 năm bằng cả nước VN. “Nền nông nghiệp đất nước ta nhiều tiềm năng thì sao không sang đấy mà học, họ có công nghệ gì thì mình mua, không cần nghiên cứu gì cả, mất thời gian, đấy là ví dụ trực quan sinh động. Từ đó, cần thay đổi nhận thức hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá trong nông nghiệp vì đây là dạ dày của cả thế giới” - đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.

Hiến kế chống thất thu NSNN, ông Đương cho rằng trong năm 2015, Chính phủ phải chỉ đạo địa phương chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, nhất là gian lận và chiếm đoạt thuế VAT, nếu làm tốt chỗ này thì có thể tiết kiệm được vài chục ngàn tỉ. Ngoài ra, tiết kiệm chi hành chính trong việc cắt giảm các khoản chi tổ chức hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài... chỗ này cũng tiết kiệm được vài chục ngàn tỉ. Đồng thời, phải bớt bộ máy hành chính và bộ máy cơ quan khác, kể cả tổ chức đoàn thể... để giảm biên chế, nếu tới 2020 giảm được 100.000 người thì không thấm tháp gì so với 2,7-2,8 triệu công chức, trong đó thì khoảng 1/3 “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”…

Đặc biệt, đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh việc cần cắt giảm lãnh đạo. “Luật thì có rồi nhưng hiện nay phải cắt bớt lãnh đạo đi, hiện nhiều người đi học nghề lãnh đạo quá. Học làm lãnh đạo nhiều về chỉ tay năm ngón, thậm chí là chỉ đông tây nam bắc nữa. Người làm tận tuỵ thì ít còn lãnh đạo thì nhiều. Các nhà hoạch định chính sách cần xem lại chỗ này vừa để chống lãng phí, vừa thu hút trung thần tận tuỵ với đất nước thì mới phát triển được” - ông Đương chỉ rõ.

Với nội dung tham nhũng, địa phương nào xử lý được nhiều tham nhũng thì khen thưởng và ngược lại kỷ luật địa phương không phát hiện và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, làm sao có giải pháp thu hồi tài sản sau kiến nghị thanh tra, kiểm toán... thì phải cho phép cơ quan điều tra có giải pháp đặc biệt để giám sát tối cao, chỗ này làm tốt cũng sẽ thu được vài chục ngàn tỉ nữa.

Đối với nhiều công trình, dự án lãng phí lớn thì Chính phủ phải công khai danh tính dự án nào, công trình nào lãng phí, dở dang để có giải pháp xử lý... nếu không thì cũng chỉ là sự “rung động trong không khí”. Giải pháp cụ thể này có thể thu được hàng chục ngàn tỉ, thậm chí vài trăm ngàn tỉ.

“Nếu tiết kiệm và thu những khoản tôi nói ở trên thì quá đủ điều kiện để tăng lương cho người lao động, như thế mới kíc‌h thí‌ch năng lực lao động của người lao động. Còn nếu không cân đối được đủ, thì hãy thương lấy người lao động phía dưới, những người có hệ số lương thấp và người về hưu trước năm 93. Số này họ quá khổ, họ kêu rất nhiều. Thôi thì Chính phủ và Quốc hội dành tình cảm cho họ, bớt ăn đi để dành tiền cho nhóm này” - đại biểu Đỗ Văn Đương bộc bạch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật