Tướng Thước: Sao phải quan tâm tới phản ứng của Trung Quốc!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc chúng ta mua sắm thêm vũ khí nào, ở đâu là chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì cả nhất là khi mục đích mua vũ khí là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.
Tướng Thước: Sao phải quan tâm tới phản ứng của Trung Quốc!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng không cần phải quan tâm tới thái độ “hậm hực” của báo Trung Quốc trong việc Mỹ tuyên bố nới cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Ngày 2/10/2014, Chính phủ Mỹ tuyên bố, sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải. Trước động thái này, báo Trung Quốc tỏ thái độ hậm hực, cho rằng Việt Nam trở thành “con cưng” mới của Mỹ.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X về ý nghĩa thực sự của việc Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.

Mới đây Mỹ vừa tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông có bình luận gì về động thái này?

Đây quả là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa ta và Mỹ ngày càng gần nhau hơn. Nhưng chúng ta chỉ mua những vũ khí thực sự cần thiết cho việc phòng thủ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta chứ không phải để đi đánh nhau, xâm chiếm nước khác.

Chẳng hạn, chúng ta nên mua các loại vũ khí như máy bay trinh sát, giúp phát hiện những kẻ thù có ý đồ xâm chiếm, đánh phá lãnh thổ của ta. Đó là những loại vũ khí có giá thành vừa khả năng, nhưng lại mang lại hiệu quả lớn, nhất là trong việc phòng thủ, bảo vệ biển đảo.

Báo Trung Quốc “hậm hực” cho rằng Việt Nam trở thành “con cưng” mới của Mỹ. Ông có bình luận gì về phản ứng trên của Bắc Kinh?

Đó là chuyện của họ. Việc chúng ta mua sắm thêm vũ khí nào, ở đâu là chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì cả nhất là khi mục đích mua vũ khí là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để đi đánh nhau, sao phải quan tâm tới phản ứng của họ?!

Trước khi quyết định mua thêm loại vũ khí gì từ Mỹ, theo ông ngoài tiền, chúng ta nên chuẩn bị thêm những gì?

Cần phải tìm hiểu kỹ về các loại vũ khí đó, đầu tư các lớp huấn luyện lực lượng sử dụng chúng rồi tính tới chuyện sửa chữa, bảo dưỡng trước khi quyết định mua. Đó được xem là công tác hậu cần rất cần thiết.

Chúng ta cũng phải tính đến tuổi thọ của các loại vũ khí định mua bởi nếu tuổi thọ của chúng quá ngắn chỉ vài ba năm sau khi mua là hết giá trị sử dụng thì không được.

Khi mua sắm vũ khí mới, chúng ta cũng phải ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng như: thời gian bảo hành, các trường hợp chuyên gia từ Mỹ phải sang Việt Nam để khắc phục sự cố… chứ không thể mỗi lần vũ khí hỏng, ta lại mang sang Mỹ bảo hành được.

Có ý kiến cho rằng đây là bước đi có “sự tính toán thận trọng” của Mỹ. Ông có nghĩ vậy không?

Giờ ta không thể trả lời thay Mỹ về ý đồ thực sự của họ được, nhưng có một điều chắc chắn là ai có mối quan hệ tốt đẹp với chúng ta thì chúng ta không phụ họ.

Nếu họ có chung mục đích, muốn cùng với chúng ta bảo vệ hòa bình, giúp chúng ta tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ đất nước thì ta sẽ hoan nghênh, hợp tác với họ. Không chỉ với riêng Mỹ, bất kỳ quốc gia nào bán vũ khí cho ta mà ta thấy có ích, có hiệu quả trong việc phòng thủ, bảo vệ đất nước thì ta mua.

Riêng với việc này, tôi nghĩ không có tính toán gì ở đây cả bởi nó đều vì lợi ích của cả hai bên thôi. Nếu một mối quan hệ nào đó không vì lợi ích của hai bên thì không bao giờ chúng ta chấp nhận cả.

Theo ông, mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Việt Nam – Nga sẽ ra sao sau tuyên bố trên của Mỹ?

Sẽ không có thay đổi gì cả. Tôi nghĩ giữa Việt Nam – Nga vẫn giữ mối quan hệ như cũ. Chúng ta quan hệ với Nga không phải vì mục đích mua vũ khí quân sự mà vì mục đích cùng nhau bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật