Đất Hà thành: Rạng rỡ Xuân hội tụ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 29-1-2009 (mùng 4 Tết Kỷ Sửu), Hội “Xuân Hoàng thành Thăng Long“ và Lễ hội Xuân Hà Nội “Hội tụ Thăng Long“ đã chính thức khai mạc. Đây là hai lễ hội lớn hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và mở đầu cho hàng trăm lễ hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Đất Hà thành: Rạng rỡ Xuân hội tụ
Lễ dâng hương tại Hội “Xuân Hoàng thành Thăng Long”

Đặc sắc Hội "Xuân Hoàng thành Thăng Long"

 

Hoàng thành Thăng Long cổ kính, uy nghiêm giữa lòng Thủ đô, một chứng nhân của lịch sử nghìn năm xây thành, đắp lũy, dựng nước, giữ nước, giữ hồn thiêng sông núi, giữ khí phách Thăng Long, ngày xuân cũng được khoác thêm tấm áo mới - Hội xuân Hoàng thành Thăng Long.

Đây chứng tích văn hóa xứ Đoài với những hiện vật từ thời Phùng Hưng, Ngô Quyền oai phong một thuở. Đây kỳ thạch, gỗ lũa nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa tâm linh Việt, hồn Việt, thạch mỹ và tiềm năng đá Việt". Đây long bào phục chế cùng hàng trăm sản phẩm của đất trăm nghề với khảm trai Chuyên Mỹ, gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông... Chưa hết ngỡ ngàng bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Hà thành, du khách có dịp hiểu hơn về lịch sử đất kinh kỳ qua bộ phim tài liệu khoa học "Thăng Long - thành phố Rồng bay" do Công ty Đồ họa Việt Nam giới thiệu...

 

                      Múa Rồng tại Lễ hội Xuân Hà Nội “Hội tụ Thăng Long”

 

Là một trong hàng ngàn du khách dự lễ khai Hội "Xuân Hoàng thành Thăng Long", bác Nguyễn Hữu Lâm, ở phường Thanh Xuân Bắc cho biết: "Các tiết mục ca múa nhạc cổ truyền thật đặc sắc, lâu lắm rồi tôi mới có dịp thưởng thức "món" nghệ thuật độc đáo này. Tôi ấn tượng bởi màn múa "bài bông" do các diễn viên CLB "Hò cửa đình, múa bài bông" thôn Phú Nhiêu, xã Tri Trung (Phú Xuyên) biểu diễn. Sản phẩm văn hóa Hà Nội khi mở rộng thật đa dạng. Thì ra,  còn rất nhiều loại văn hóa phi vật thể của đất kinh kỳ tôi chưa được biết".

 


           Đoàn rước đền Và (TP Sơn Tây) diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm 

 

Đến dự Hội xuân Hoàng thành Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi không giấu được cảm xúc. "Thật tuyệt vời. Ngày xuân sẽ mất đi một phần ý nghĩa nếu thiếu đi những lễ hội. Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cần duy trì đều đặn các lễ hội mùa xuân như thế". Ông Trần Quang Dũng, Phó GĐ Trung tâm cho biết: Hội xuân mở cửa đón khách từ ngày 29-1 đến 9-2-2009 (tức mùng 4 đến Rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu). Đặc biệt, Hội xuân năm nay sẽ tái hiện nghệ thuật đúc trống đồng của người Việt cổ vào ngày mùng 8 Tết ngay trước thềm Điện Kính Thiên do Liên hội Di sản Lam Kinh - Thanh Hóa và Hội Cổ vật Thanh Hóa thực hiện...

 


                                             Múa Sênh tiền

 

Náo nức Hội xuân Hà Nội "Hội tụ Thăng Long"

 

 999 năm Thăng Long - Hà Nội, dòng chảy văn hóa của xứ Đoài, trấn Sơn Nam Thượng và mảnh đất Mê Linh cùng tụ hội về Thủ đô mang đến thành công của Hội xuân Hà Nội "Hội tụ Thăng Long" do UBND thành phố phối hợp với Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức diễn ra tưng bừng tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm chiều xuân mùng 4 Tết.

 


                                     Thiếu nhi Thủ đô rước trâu xanh.

 

Sau tiếng trống hội rộn rã, tưng bừng, bà Ngô Thị Thanh Hằng, đại diện cho lãnh đạo thành phố cùng nhân dân Thủ đô đã dâng hương tưởng nhớ công ơn khai sáng kinh thành Thăng Long của đức vua Lý Thái Tổ.

 


                                      Đoàn rước trên đường phố.

 

Hàng ngàn diễn viên của hơn 20 đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các quận, huyện, phường, xã của Thủ đô và các tỉnh bạn cùng hàng ngàn du khách tham gia diễu hành Lễ hội Xuân Hà Nội trong tiếng trống chiêng rộn ràng và những điệu múa nhịp nhàng, khiến nhịp đập "trái tim" của nước Việt rộn rã hơn.

 


                        Đội cồng chiêng biểu diễn tại Lễ hội Xuân Hà Nội.

 

Trâu vàng Kỷ Sửu, cũng là đặc trưng cho sự khỏe khoắn, no đủ, đã được BTC lễ hội lựa chọn là biểu tượng của ngày hội. Niềm vui toát lên từ những ca từ trong bài hát khai Hội "Trâu vàng ngày xuân" chưa hết, lễ "Tiến Xuân Ngưu" trước Vườn hoa Lý Thái Tổ mang đến cho người xem niềm hy vọng vào một năm mới  tràn trề sức khỏe, no ấm.

 

 

Đoàn rước phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).

 

Ấn tượng với du khách tại lễ hội còn là màn rước "Tứ linh huyền thoại đất Thăng Long" với mô hình rồng vàng, trâu vàng, ngựa sắt và rùa vàng diễu hành từ đường Đinh Tiên Hoàng, vòng quanh Hồ Gươm đến đường Bà Triệu. Ngoài ra, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: trống hội, múa cờ, múa sênh tiền, múa  bồng của hội làng Triều Khúc, hội cờ người của phường Quảng An, những môn võ thuật cổ truyền, múa trống, múa chiêng... diễn ra từ 29 đến 31-1-2009 (mùng 4 đến 6 Tết Kỷ Sửu) sẽ thổi luồng không khí mùa xuân ấm áp, rạo rực vào lòng mỗi người dân Thủ đô và du khách.

 

Vui khi lần đầu được biểu diễn phục vụ lượng khán giả đông tới hàng nghìn người, chị Đào Thị Ánh, Đoàn Nghệ thuật huyện Mê Linh phấn chấn nói: "Tiếng trống Mê Linh như âm vang hơn, ngọn lửa thiêng Mê Linh như cháy mãi, cháy mãi qua khúc ca hùng tráng "Ngọn lửa Mê Linh" Đoàn tôi đã hát"...

 


Người dân Thủ đô hân hoan xem hội.

 

Lễ khai hội khép lại với hơn 1.000 quả bóng hình hoa sen nở thả lên bầu trời, ở giữa là dải lụa đỏ với hàng chữ số 999 màu vàng, biểu tượng cho 999 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách. "Xuân hội tụ" cũng là dịp để các địa phương mới nhập về Hà Nội hòa chung nhịp đập với đời sống văn hóa tại trung tâm Thủ đô.
HNM
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật