Lương chưa tăng vì biên chế chưa giảm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ không tăng lương theo lộ trình nhưng đề cập sơ sài trong báo cáo là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thắc mắc.

Thảo luận kinh tế - xã hội ngày 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ một số vấn đề dư luận rất quan tâm như không có nguồn tăng lương theo lộ trình nhưng không thấy báo cáo rõ, báo cáo nợ công còn đơn giản. "Vì vậy, Chính phủ cần báo cáo đầy đủ, minh bạch để cả nước cùng lo liệu”, bà Tâm nói. Đại biểu này cũng yêu cầu làm rõ, vì sao việc khắc phục thủ tục rườm rà chưa có hiệu quả; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu diễn ra ở hầu hết các cấp, các ngành; tinh giản bộ máy nói rất nhiều nhưng chưa hiệu quả… Còn đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, lộ trình tăng lương không thực hiện được là do biên chế không giảm, sức lao động thấp không cân đối được, kéo dài tình trạng này hệ lụy xã hội sẽ khôn lường. "Vấn đề ta đang mắc phải cần tập trung trí lực để giải quyết là tăng chi lương vẫn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tăng chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ; tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi phát triển. Trong khi đó việc trục lợi trong một số đội ngũ công chức vẫn chưa được kiểm soát chặt. Chính phủ cần sớm có giải pháp mang lại sự trong sạch cho nền hành chính quốc gia”, ông Phong nói. Trong khi đó, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc chậm thể chế hóa Luật cán bộ công chức; quy chuẩn, phân loại công chức, viên chức, tinh giảm bộ máy. Bộ LĐ-TB&XH chậm quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng, trung tâm nghề, kết nối đào tạo với doanh nghiệp, và vấn đề gây bức xúc là lao động không có trình độ kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao. Về yếu tố lao động, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận định, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010. Vì vậy, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Cho rằng năng suất lao động thấp là do chất lượng lao động, ông Thường nhận định, lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; sự chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, thế nên mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc; kỹ sư làm xe ôm; cử nhân làm giúp việc.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật