Mỹ giảm quân số ở Seoul

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 26-10, Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội Mỹ sẽ giảm 2/3 nhân sự tại căn cứ Yongsan ở Seoul. .
Mỹ giảm quân số ở Seoul
Binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cùng có mặt tại căn cứ ở Seoul - Ảnh: Reuters

Trước đó hai nước đã nhất trí trì hoãn vô thời hạn việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến từ Mỹ sang Hàn Quốc

Theo Yonhap, điều này đồng nghĩa với việc số nhân viên quân sự Mỹ lưu lại căn cứ này sẽ không quá 200 người, so với khoảng 600 lính Mỹ đang đồn trú hiện tại.

Trước đó, hôm 23-10, Washington và Seoul đã nhất trí trì hoãn vô thời hạn việc chuyển quyền kiểm soát các lực lượng quân sự đóng trên bán đảo Triều Tiên cho Seoul.

Một số cơ sở như sở chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng hỗn hợp Hàn-Mỹ (CFC) và sở chỉ huy Quân đoàn số 8 của Mỹ vẫn ở căn cứ Yongsan, thay vì sẽ chuyển sở chỉ huy CFC đến Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 70km về phía nam theo như thỏa thuận Mỹ-Hàn từ năm 2004.

Trong buổi tiếp Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo tại Lầu Năm Góc hôm 23-10, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh việc trì hoãn này đồng nghĩa với việc Washington sẽ tiếp tục vai trò chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ-Hàn.

Trước đó, theo dự kiến Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát này cho Hàn Quốc vào cuối năm 2015.

Đối phó CHDCND Triều Tiên

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú ở Hàn Quốc nhằm giúp Seoul củng cố lực lượng đối phó với mối đe dọa quân sự leo thang từ CHDCND Triều Tiên.

Trong cùng ngày, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc Curtis Scaparrotti cảnh báo Bình Nhưỡng có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. "Khả năng này của CHDCND Triều Tiên hiện nay cao hơn những điều mà thế giới tưởng" - AFP dẫn lời chỉ huy Scaparrotti nhấn mạnh.

Quân đội Mỹ từng nắm quyền chỉ huy binh lính Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh Liên Triều 1950-1953 và đã trở lại kiểm soát quân sự trong thời bình đối với Seoul vào năm 1994.

Theo Yonhap, đây là lần thứ hai quá trình chuyển giao này bị tạm hoãn, một phần cho thấy mối quan ngại về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang dâng cao, thêm vào đó là mối lo lắng về khả năng quốc phòng của Hàn Quốc chưa đủ mạnh để có thể tự kiểm soát.

Một ngày sau đó, ngày 24-10, tại cuộc gặp Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-Se, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định rằng còn quá sớm để bàn về việc Mỹ cắt giảm quân số đang đồn trú ở châu Á cũng như Hàn Quốc.

AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry khẳng định chưa có chuyện quân đội Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc cho đến khi Bình Nhưỡng chứng minh được rằng nước này thực hiện đúng lời hứa tham gia trở lại vòng đàm phán 6 bên, thảo luận về việc kết thúc chương trình hạt nhân của mình.

“Chúng tôi vẫn mở đường đối thoại với CHDCND Triều Tiên và nước này phải chứng minh được rằng họ nghiêm túc về việc giải giáp hạt nhân. Chúng tôi cần chắc chắn rằng Bình Nhưỡng đang sẵn sàng thực hiện bổn phận quốc tế của mình” - ông Kerry nhấn mạnh.

Theo Yonhap, hồi đầu tháng 10-2014 hai miền Triều Tiên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp cao. Seoul đề xuất khôi phục lại các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên vào ngày 30-10 nhưng chỉ nhận được cảnh báo từ Bình Nhưỡng rằng các cuộc đàm phán này sẽ đổ vỡ.

Thu nhỏ qui mô tập trận với Thái Lan

Cùng ngày 24-10, Washington cũng đã xác nhận chính phủ Mỹ sẽ giảm quy mô một cuộc diễn tập quốc phòng chủ chốt hàng năm tại Thái Lan.

Đài TNHK dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok cho biết cuộc tập trận Cobra Gold 2015 (Hổ Mang vàng 2015) diễn ra vào tháng 2 cùng năm sẽ có qui mô nhỏ hơn so với qui mô hàng năm.

"Trong bối cảnh tình hình chính trị hiện nay, chính phủ Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phi sát thương như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai" - người phát ngôn trên cho biết.

Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân Mỹ quyết định thu nhỏ qui mô tham gia cuộc tập trận "Hổ mang vàng 2015" có thể là do mối quan hệ Mỹ-Thái Lan không còn "mặn nồng” kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 5 của chính quyền quân sự Thái Lan. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan đã bác bỏ những thông tin này.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật