U19 HAGL và câu chuyện trâu buộc ghét trâu ăn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự ghen tỵ dành cho U19 HAGL là có thật nếu đối chiếu với những diễn biến trước, trong và sau trận bán kết với U21 Việt Nam.
U19 HAGL và câu chuyện trâu buộc ghét trâu ăn
Ảnh minh họa

Dù muốn hay không cũng rất khó để phủ nhận rằng, U21 Việt Nam với tư cách chủ nhà nhưng đã bị coi là khách trong trận đấu với U19 HAGL.

Thực tế thì trên sân Cần Thơ cũng có những khán giả trung lập, họ tới cổ vũ cho cả 2 đội bóng. Nhưng những diễn biến sau đó, nhất là khi U19 HAGL giành chiến thắng, bầu không khí vui vẻ và cuồng nhiệt trên sân Cần Thơ đã tô điểm thêm cho sự thật là khán giả hầu như chẳng quan tâm gì đến đội bóng chủ giải là U21 Việt Nam.

Một phần nó xuất phát từ chính màn thể hiện kém cỏi của các học trò HLV Phan Công Thìn, như chia sẻ của nhiều độc giả: “Đá với đàn em nhưng các cầu thủ U21 báo Thanh Niên bị đè nặng bởi tâm lý sợ thua, không dám dâng cao tấn công và trong nhiều trường hợp còn sử dụng tiểu xảo”.

Phần khác, quan trọng hơn, thì chắc chắn nằm ở tình cảm của khán giả dành cho Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội đã được thử thách qua nhiều giải đấu.

Nhưng khi sự thiên vị rõ rệt của các cổ động viên là điều có thể được thông cảm, vì khi đến sân người ta hành xử theo trái tim chứ không phải khối óc, có những sự thiên vị khác dường như đang khiến cảm giác ghen tỵ đối với U19 HAGL tăng lên sau từng giải đấu.

Sự ghen tị đã khiến U21 báo Thanh Niên không ngần ngại đá rắn và sử dụng tiểu xảo.

Một cách rất sinh động trong trận bán kết vừa diễn ra, tiếng hô “vào” của các bình luận viên khi cầu thủ U19 HAGL thực hiện thành công một quả luân lưu có âm lượng và sắc thái biểu cảm khác hẳn với khi cầu thủ U21 Việt Nam làm được điều tương tự.

Nó cũng giống như từ rất lâu rồi, trong mắt của tất cả, U19 Việt Nam hay U19 HAGL vẫn được xem là “con cưng” trong khi thậm chí đến đội tuyển Việt Nam chuẩn bị đá AFF Cup hay đội tuyển Olympic dự Asian Games thì luôn phải đối mặt với sự ghẻ lạnh.

Câu chuyện vẫn được xem là ví dụ của điều này là cách chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi ra Hà Nội theo dõi giải U19 ĐNA tổ chức ở Mỹ Đình đã hầu như dành toàn bộ thời gian của ông cho U19 Việt Nam. Trong khi đội Olympic tập luyện chuẩn bị cho Asian Games cách đó chỉ mấy bước chân chưa từng một lần được vinh dự đón chủ tịch đến động viên.

Đó là một phần lý do khiến đội tuyển Olympic Việt Nam đá như lên đồng tại Hàn Quốc với quyết tâm khẳng định họ cần được đối xử công bằng hơn. Hoặc, sự im lặng gần như tuyệt đối của các cầu thủ đội tuyển Việt Nam sau những màn thể hiện của lứa U19 liệu có thể được xem là cách phản ứng lại xu hướng bên trọng bên khinh rõ ràng đang tồn tại?!

Công Phượng lĩnh nguyên cùi trỏ của Mạnh Hùng.

U21 Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Có những chuyện rất nhỏ song lại nói lên nhiều điều. Đêm Gala một ngày trước trận bán kết, khi các cầu thủ U21 lên biểu diễn văn nghệ thì cầu thủ U19 cổ vũ nhưng khi cầu thủ U19 lên hát thì cầu thủ U21 ngoảnh mặt, thờ ơ.

Có thể sẽ có những sự phủ nhận từ người trong cuộc, nhưng nếu không xuất phát từ cảm giác ghen tỵ ấy, rất khó tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho việc các cầu thủ đàn anh đã chơi một trận yếm thế đến vậy trước lứa đàn em mà chiến thuật phòng ngự phản công của HLV Phan Công Thìn sẽ không được xem là câu trả lời. HLV Graechen cũng phải bức xúc thốt lên rằng: "Chúng tôi đá bóng, còn U21 thì không".

Cơn sốt Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội mang đến cho bóng đá Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tương ứng là tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” nảy sinh như lẽ tất yếu của một môn thể thao đầy tính cạnh tranh như bóng đá.

Nhưng điều người hâm mộ chờ đợi là sự cạnh tranh ấy cần phải biến thành những màn so tài đỉnh cao trên sân cỏ chứ không phải những trận đấu xấu xí vì tâm lý ăn thua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật