Haivl.com không đáng ‘chết’?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin về trang web Haivl.com bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông thu hồi giấy phép, xử phạt hơn 200 triệu đồng đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.
Haivl.com không đáng ‘chết’?
Trang web Haivl.com bị đóng cửa vĩnh viễn - Ảnh: Chụp lại màn hình

Mấy ngày qua, nhiều người bạn của tôi bày tỏ sự tiếc nuối trên Facebook về việc trang Haivl.com ngừng hoạt động. Chắc hẳn ai cũng rõ nguyên nhân vì sao mạng xã hội này bị cơ quan chức năng xử phạt 205 triệu đồng và thu hồi giấy phép hoạt động. Tuy nhiên có một điều khiến nhiều người băn khoăn về thời điểm cũng như việc nên hay không quyết định “trảm” Haivl.com của cơ quan chức năng?

Haivl.com bị “khai tử” vào đúng lúc dư luận đang “nóng” về thương vụ chuyển nhượng trị giá hàng chục tỉ đồng giữa đơn vị sở hữu là Công ty CP Công nghệ APPVL với Công ty CP Quảng cáo Trực tuyến 24h. Vì sao vậy?

Nhiều người cho rằng đến nay nhà quản lý mới ra quyết định đóng cửa, xử phạt vi phạm là muộn. Tôi nghĩ rằng chuyện sớm hay muộn không quan trọng bằng việc có nên hay không đóng cửa trang web này.

Nếu những ai đã từng truy cập vào trang mạng xã hội này, chắc hẳn sẽ thấy những hình ảnh phả‌ּn cả‌ּm, có phần tục tĩu không phải chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây. Qua tìm hiểu được biết trang Haivl.com đã từng bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm nhiều lần. Điều này cho thấy Haivl.com không oan khi bị xử phạt số tiền “khủng” 205 triệu đồng. Đồng thời nó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những trang mạng xã hội khác đang hoạt động.

Giả sử gọi quyết định “khai tử” Haivl.com ra ngày 24.10 của nhà quản lý là một hành động dỡ bỏ “thùng rác công cộng”. Liệu rằng động thái này có hết được “rác” không hay những người vứt “rác” sẽ dồn sang “thùng” khác?

Từ sự việc này đã nói lên việc quản lý các trang mạng điện tử của cơ quan chức năng hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Liệu rằng quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Haivl.com của nhà quản lý có “cực đoan”, không quản được là cấm?

Hãy nhìn vào những con số thống kê sau: Haivl.com hiện có khoảng hơn 37 triệu lượt truy cập; Fanpage của trang này đang có hơn 4,4 triệu lượt “thích” (like); gần 16.000 người theo dõi trên Twitter; doanh thu của Haivl.com đạt khoảng 9 tỉ đồng/năm. Trước thời điểm bị đóng cửa, mạng xã hội này là một trong 20 trang web có nhiều người truy cập nhất Việt Nam, theo xếp hạng của trang web quốc tế alexa.com.

Tại sao một trang web bị ngừng hoạt động lại có những con số ấn tượng mà nhiều trang mạng và báo điện tử “thèm muốn” như vậy?

Bởi chính mạng xã hội Haivl.com là kênh giải trí, nơi thể hiện rõ nét nhất những cá tính, suy nghĩ, xu hướng của những người trẻ - đối tượng truy cập phổ biến nhất. Hơn nữa, trang web này là xu thế trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Đã từng truy cập vào Haivl.com, tôi nhận thấy đội ngũ vận hành trang web này đã xác định trúng tâm lý, xu hướng của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh những nội dung vi phạm mà nhà quản lý chỉ ra thì không thể phủ nhận được nhiều bức ảnh, clip, bình luận đăng tải trên trang web này khá sâu sắc, sáng tạo, mang tính giải trí cao. Nhiều hoàn cảnh éo le, những câu chuyện cảnh giác được đưa lên đã tạo ra sự chia sẻ, lan tỏa nhanh chóng. Điều này cũng đã cho thấy cách truyền thông, giáo dục đối với "thế hệ @" hôm nay cần một cách làm khác, linh hoạt và bớt xơ cứng.

Giá như cơ quan thẩm quyền xử phạt nhưng cho Haivl.com tồn tại để khắc phục những hạn chế.

Việc “khai tử” này đã làm mất đi “nồi cơm” của một doanh nghiệp nhưng tôi thấy đáng tiếc hơn đó là mất đi một kênh truyền thông “cực mạnh” của giới trẻ. Những người làm công tác quản lý có thể dựa vào đây để nắm bắt được tâm tư, trào lưu cũng như xây dựng chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Sự phát triển chóng mặt của Haivl.com giờ chỉ còn là dĩ vãng. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về sự ra đi của chú chimFlappy Bird của Nguyễn Hà Đông hồi đầu năm nay. Tất nhiên nguyên nhân của sự biến mất là khác nhau, nhưng nó đều có chung một điểm, đó là sự trăn trở của cộng đồng về “bệ đỡ” cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn non trẻ.

Vũ Ngọc Khánh (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.Hải Phòng


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật