Đề xuất nới lỏng chính sách về lúa gạo

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, rất nhiều chính sách đã được Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, XK lúa gạo, cân bằng lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị ngành hàng, song hiệu quả còn khá xa mong đợi.
Đề xuất nới lỏng chính sách về lúa gạo
Ảnh minh họa

Nông dân bất lợi

Theo các chuyên gia, có một số chính sách lúa gạo đặt ra để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân nhưng đôi khi chính nông dân lại bị “ra rìa”, điển hình là chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo đảm bảo nông dân lãi ít nhất 30%. Với chính sách này, việc xác định giá thành sản xuất lúa khá phức tạp về thống kê và phí tổn thời gian. Hơn nữa ở ĐBSCL, DN chủ yếu thu mua lúa gạo qua thương lái, nên mức giá mà người nông dân được hưởng luôn thấp hơn mức giá thu mua của công ty. Các DN XK lúa gạo có xu hướng đàm phán bán gạo với giá thấp cho nước ngoài và quay trở lại ép giá người nông dân. Mức giá sàn vô hình trung tạo ra một “chuẩn” thu mua thóc bất lợi cho những người nông dân trồng các loại lúa có chất lượng cao theo hợp đồng nông sản với các DN XK gạo.

GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp khẳng định: Hiện nay, mức giá sàn do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố, người trồng lúa hoàn toàn không có tiếng nói gì trong các quyết định này. Cho nên, muốn công bằng hơn, cần phải có cơ chế chính thức để người nông dân tham gia vào việc ấn định giá thu mua lúa mỗi vụ thông qua các tổ chức đại diện cho mình.

Được thực hiện song hành với chính sách trên, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cũng không mấy khả thi. Ông Lê Quang Bình - viện trưởng viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường cho rằng, khác với Thái Lan hay Ấn Độ, ở Việt Nam, DN thu mua lúa gạo tạm trữ từ thương lái chứ không làm việc trực tiếp với nông dân. Do đó, chính sách chỉ mang lại lợi ích gián tiếp cho người nông dân nếu như giá lúa gạo tăng trở lại. Giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng XK của DN. Đó chính là lý do tại sao trong 4 lần thu mua tạm trữ từ năm 2009 đến 2012 thì có đến 2 lần thất bại, giá lúa thu mua tiếp tục giảm thay vì tăng trở lại.

“Bó” doanh nghiệp nhỏ

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, hiện nay chính sách về XK gạo cũng chưa “suôn sẻ”, nhất là một số quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Đối tượng “chịu trận” ngoài nông dân còn có thêm các DN XK quy mô nhỏ.

Theo Nghị định 109, DN muốn kinh doanh XK gạo phải đảm bảo 2 điều kiện cần là có ít nhất một kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa XK hoặc có cảng biển XK thóc, gạo.

Nhóm nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ Việt Nam” thuộc Liên minh Nông nghiệp cho rằng, chính sách đã khiến XK gạo tập trung vào một số DN lớn, loại bỏ các DN nhỏ vì khó đáp ứng được điều kiện trên. Tuy nhiên, chính sách không đạt được mục tiêu liên kết nhà XK với nông dân mà lại tạo ra thêm một tầng lớp nữa giữa nông dân và các DN XK, đó là các DN thu gom cho nhà XK.

“Chính sách này cũng gây khó khăn cho DN nhỏ có liên kết với nông dân để sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, đặc sản địa phương, có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính cạnh tranh cao nhưng lại không thể trực tiếp XK do không đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống xay xát”, ông Đinh Tuấn Minh, thành viên của nhóm nghiên cứu nói.

Để đảm bảo hiệu quả cũng như sự công bằng trong XK gạo, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần nới lỏng điều kiện trở thành DN XK gạo  quy định tại Nghị định 109. Đặc biệt đối với loại gạo đặc sản (thường có sản lượng không lớn nhưng có lợi nhuận và tính cạnh tranh cao), nên được tạo điều kiện XK theo những điều kiện ưu tiên riêng (DN XK không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành trong Nghị định 109).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật