Ẩn ý sau sự yên tĩnh kỳ lạ quanh Điếu Ngư / Senkaku

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc tàu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản có thể là một nước cờ của Bắc Kinh nhằm dọn đường cho cuộc gặp mặt quan trọng giữa lãnh đạo hai nước, dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Ẩn ý sau sự yên tĩnh kỳ lạ quanh Điếu Ngư / Senkaku
Chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ lâu là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo thông báo từ lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản (JCG), trong thời gian từ ngày 4/10 đến 16/10, Trung Quốc bất ngờ ngừng mọi hoạt động trong vùng tiếp giáp lãnh hải tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Động thái này gây ngạc nhiên bởi nó xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau chuỗi các hoạt động tăng cường của tàu tuần tra Bắc Kinh tại khu vực. Trong tháng 9, Trung Quốc xuất hiện tổng cộng 27 ngày với xấp xỉ 110 tàu trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 11/2012 khi  căng thẳng trong quan hệ hai nước lên tới đỉnh điểm sau việc chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Năm ngoái, cứ khoảng hai tuần một lần, Bắc Kinh lại điều tàu tới để cố gắng khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình đối với Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này diễn ra thường xuyên hơn sau khi Nhật Bản mua lại quần đảo, nhưng giữ ở mức hai đến ba lần  một tháng từ tháng 10/2013.

Tàu Trung Quốc thường lấy lý do thời tiết xấu để đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo và ở lại đó vài ngày. Tuy nhiên, khi hai cơn bão quét qua biển Hoa Đông trong tháng này, Bắc Kinh thậm chí không tận dụng cơ hội mà trái lại, biến mất trong 13 ngày. Nhiều câu hỏi được đặt ra quanh động thái bất thường này.

Tại sao Trung Quốc ngừng mọi hoạt động của tàu thuyền gần quần đảo tranh chấp? Theo Diplomat, mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng có khả năng đó là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm dịu những cơn sóng dội vào mối quan hệ Trung-Nhật, trước cuộc gặp mặt giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe, dự kiến diễn ra vào tháng sau, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Đôi bên gần đây tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Trong đó, phải kể đến cú bắt tay giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và ông Shinzo Abe tại bữa tối dành cho các lãnh đạo châu Á và châu Âu diễn ra ở Milan hôm 17/10.

Bắc Kinh yêu cầu ông Abe thừa nhận việc Senkaku/Điếu Ngư thật sự có tranh chấp như một điều kiện tiền đề để cuộc gặp gỡ song phương giữa hai nhà lãnh đạo, bên lề hội nghị APEC, trở thành hiện thực. Nhưng đây lại là việc làm mà Tokyo từ lâu cự tuyệt. Ngừng các hoạt động tuần tra có thể là một bước đi trong quá trình đàm phán nơi hậu trường của Trung Quốc nhằm thể hiện thiện chí, với mong muốn Nhật Bản sẽ nhượng bộ và chấp nhận yêu sách.

Vì sao Trung Quốc lại gửi tín hiệu bằng việc rút tàu về chứ không phải bằng các tuyên bố? Điều động tàu tuần tra là cách để Trung Quốc truyền đi thông điệp rõ ràng tới Nhật Bản trong khi không cần công khai ý đồ đối với người dân trong nước.

Sự dịch chuyển của các tàu không thể tách rời mối liên hệ với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hoạt động của chúng luôn gửi đi những thông điệp liên quan đến tình trạng tranh chấp của quần đảo.

Mặt khác, đã từ lâu số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực luôn tỷ lệ thuận với việc căng thẳng trong quan hệ song phương gay gắt hay lắng dịu. Thực tế này khiến việc biến mất của các tàu Trung Quốc không đơn giản chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Trung Quốc biết rõ Nhật Bản luôn chú ý giám sát các tàu thực thi pháp luật của Bắc Kinh trong khu vực. Lực lượng JCG luôn cập nhật một hồ sơ công khai về hoạt động của tàu Trung Quốc trên vùng biển Nhật Bản và vùng tiếp giáp lãnh hải. Tàu Trung Quốc biến mất trong một khoảng thời gian dài sẽ tạo ra một khoảng trống dễ thấy trong hồ sơ của Nhật Bản, đặc biệt khi đem so sánh với tần suất xuất hiện trong tháng 9.

Nhật Bản đương nhiên sẽ đặc biệt để tâm tới sự bất thường này. Những người luôn hy vọng vào cuộc gặp mặt của hai nhà lãnh đạo tại APEC sẽ dùng nó như một đòn bẩy để lập luận rằng Tokyo cũng nên đáp lễ như một cử chỉ có qua có lại.

Việc âm thầm rút tàu về không thu hút quá nhiều sự chú ý của dư luận. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng giải thích cho điều này bằng những lý do liên quan tới điều kiện thời tiết. Như vậy, Bắc Kinh vừa có thể trấn an Tokyo với "ý tốt" của mình vừa tránh được những phản ứng dữ dội từ trong nước.

Câu hỏi cuối cùng đó là: Tại sao tàu Trung Quốc quay lại vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Điếu Nga/Senkaku? Sự trở lại này có lẽ ngụ ý rằng các lãnh đạo Trung Quốc cũng có giới hạn trong việc kiềm chế các hoạt động quấy nhiễu, trước việc Nhật Bản không bày tỏ thiện chí thừa nhận tồn tại tranh chấp trên quần đảo.

Hai tuần tạm dừng hoạt động trong vùng tiếp giáp lãnh hải có khả năng là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thiết lập một tình trạng bình thường mới ở biển Hoa Đông. Nếu ông Abe thừa nhận có tranh chấp trên quần đảo, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị thuyết phục rằng sự hiện diện triền miên là không cần thiết cho việc khẳng định chủ quyền. Dù tàu tuần tra Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ở lãnh hải Nhật Bản hay vùng tiếp giáp nhưng tần suất và quy mô sẽ giảm. Căng thẳng lắng dịu trong tháng 10 có thể trở thành hiện trạng mới thay vì chỉ là một sự tạm dừng nhất thời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật