Nguy cơ khủ‌ng b‌ố trỗi dậy

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Al-Qaeda kêu gọi thánh chiến chống Trung Quốc để đáp trả chính sách của Bắc Kinh ở khu tự trị Tân Cương.
Nguy cơ khủ‌ng b‌ố trỗi dậy
An ninh được siết chặt trước tòa nhà quốc hội Canada sau vụ nổ súng Ảnh: The Canada Press

Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố đất nước ông sẽ không bị dọa dẫm và cam kết tăng cường nỗ lực chống khủ‌ng b‌ố bất chấp vụ nổ súng tại tòa nhà quốc hội ở thủ đô Ottawa hôm 22-10. Một tay súng đã bắn chết hạ sĩ Nathan Cirillo tại Đài Tưởng niệm chiến tranh quốc gia Canada rồi tấn công vào quốc hội trước khi bị bắn hạ.

An ninh lỏng lẻo

Nhà lãnh đạo Canada nhận định vụ nổ súng - cùng vụ 1 phần tử cải sang đạo Hồi đụng độ 2 binh sĩ Canada gần TP Montreal, khiến 1 người thiệt mạng 2 ngày trước - nhắc nhở rằng Canada “không miễn dịch với chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố”.

Tuy nhiên, ông Harper nhấn mạnh 2 vụ tấn công sẽ chỉ làm tăng quyết tâm bảo đảm an ninh đất nước cũng như hợp tác với đồng minh chống các tổ chức khủ‌ng b‌ố.

Theo đài BBC, hung thủ vụ nổ súng ở tòa nhà quốc hội là Michael Zehaf-Bibeau (32 tuổi, quốc tịch Canada). Y vừa cải sang đạo Hồi và có tên trong danh sách theo dõi khủ‌ng b‌ố.

Vụ tấn công khiến nhiều người lo ngại về vấn đề an ninh bị xem là lỏng lẻo tại Ottawa. Theo Reuters, cửa trước của tòa nhà quốc hội không khóa nên tay súng dễ dàng đi vào và tiến đến gần vị trí của Thủ tướng Harper trước khi bị bắn hạ.

“Tòa nhà quốc hội lẽ ra phải là một trong những mục tiêu khó bị tấn công nhất nước” - ông David Harris, nhà tư vấn an ninh tại Công ty Insignis Strategic Research, chỉ trích.

Hiện chưa rõ vụ việc có liên hệ trực tiếp đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hay không nhưng nó diễn ra chỉ một ngày sau khi Canada nâng mức báo động khủ‌ng b‌ố từ “thấp” lên “trung bình” do lo ngại bị các tổ chức cực đoan tấn công. Canada đang tham gia chiến dịch không kích IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết với Canada. Nhiều nước cũng tăng cường an ninh tại các tòa nhà chính phủ.

Tại Úc, số lượng cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội ở thủ đô Canberra sẽ được gia tăng, bên cạnh các biện pháp an ninh khác. Nước này vào tháng rồi đã tăng mức báo động khủ‌ng b‌ố từ “trung bình” lên “cao”. Mỹ cũng siết chặt an ninh tại Mộ Chiến sĩ vô danh trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở bang Virginia.

Trung Quốc trong tầm ngắm

Nghiêm trọng không kém, mạng lưới Al-Qaeda dường như đã hưởng ứng lời kêu gọi của IS về một cuộc thánh chiến chống Trung Quốc để đáp trả chính sách của Bắc Kinh ở khu tự trị Tân Cương.

Lời kêu gọi được tổ chức truyền thông al-Sahab của Al-Qaeda đưa ra trong số đầu tiên của tạp chí Resurgence do họ xuất bản. Theo trang The Diplomat, Al-Qaeda kêu gọi người ủng hộ làm gián đoạn hoạt động hàng hải tại các eo biển Hormuz và Malacca, được xem là có vai trò trọng yếu đối với Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở châu Á.

Liên quan đến cuộc chiến chống IS, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (trụ sở ở Anh) hôm 23-10 cho biết chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu kéo dài 1 tháng qua ở Syria đã tiêu diệt 553 tay súng Hồi giáo - gồm 464 phần tử IS và 57 thành viên nhóm Mặt trận al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda - và làm 32 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, chiến dịch không kích chưa phá được vòng vây của IS quanh TP Kobane ở sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi đầu tuần này, Mỹ thả quân nhu tiếp tế cho lực lượng người Kurd ở Kobane nhưng hôm 22-10, Lầu Năm Góc thừa nhận 2 thùng quân nhu đã bị thả chệch hướng. Một thùng bị phá hủy trong một cuộc không kích sau đó, trong khi thùng còn lại rơi vào tay các tay súng IS.

Ngoài quân nhu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 23-10 cho biết 200 tay súng người Kurd sẽ từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến bảo vệ Kobane theo một thỏa thuận mới đạt được. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zohbi cũng tiết lộ các lực lượng vũ trang Syria, trong đó có các máy bay chiến đấu, đang hỗ trợ người Kurd bảo vệ Kobane.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật