Chuyện về người thợ lặn một chân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dẫm phải mìn nên chỉ còn lại một chân, ông Hồ Ngọc Lang (SN 1962, ngụ thôn Tân Hải, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vẫn làm nghề thợ lặn mưu sinh.
Chuyện về người thợ lặn một chân
Chuyện về người thợ lặn một chân (Ảnh minh họa)

Nửa ngày trên bờ, nửa ngày dưới nước

Mặt trời sắp lặn, ông Lang mới từ ngoài đầm đi về nhà, người ướt như chuột lột. Thấy có khách, ông bảo: “Chờ tôi tắm đã, lạnh lắm”. Lát sau, ông từ trong nhà bưng ra ngoài thềm ly rượu: “Phải có rượu vào cho người đỡ lạnh, đi từ lúc 10h sáng đến giờ, ngâm mình dưới nước 7 – 8 tiếng nguy hiểm lắm”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, cuộc sống khó khăn, từ nhỏ cậu bé đã theo cha lên rừng đốn củi. Năm 9 tuổi, trong một lần đi rừng, ông không may dẫm phải trái mìn còn sót lại trong chiến tranh, kể từ đó chỉ còn lại một chân. Cậu bé không đầu hàng số phận, ra sức luyện tập để việc đi lại và sinh hoạt được thuận lợi mà không nhờ người khác giúp đỡ. Nhưng làm cách nào để mưu sinh, tự lo cho mình khi bản thân bị tật nguyền, vốn liếng thì chẳng có? Suy nghĩ ấy thôi thúc, cộng với việc biết bơi từ nhỏ nên 2 năm sau ông quyết định mưu sinh với nghề thợ lặn. Ông Lang kể: “Ngày đầu tiên tôi đi lặn, nhiều người ở làng bảo chân tôi như thế thì làm sao mà lặn, ở nhà cho yên phận chứ lỡ chuyện gì thì làm khổ gia đình nữa. Họ còn bảo, người lành lặn mà làm cái nghề này còn chẳng ăn ai thì què cụt như tôi chỉ có vứt”. Để ngoài tai, ông lao xuống nước lặn một mạch khiến mọi người đứng trên bờ ngỡ ngàng.

Năm 25 tuổi, được người mai mối, ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963, người ở cùng làng). Dù lớn tuổi, đàn con 5 đứa đã có cuộc sống ổn định nhưng ông Lang vẫn gắn bó với nghề: “Bỏ không được đâu. Con cái tụi nó cũng bảo thôi nghỉ đi cho khỏe nhưng bỏ nghề được ít ngày thì lại nhớ, thế là lại đi”.

Để có thể ở dưới nước trong thời gian khoảng 2 tiếng/lần lặn, ông phải buộc vào mình 1 khối lượng chì nặng 20kg, mặc áo lặn để góp phần giữ nhiệt cho c‌ơ th‌ể vào mùa lạnh hoặc những khi lặn quá lâu. Ông chỉ nổi lên khi có việc cần thiết, còn không thì cứ ở lì dưới đáy đầm để kiếm sống. “Do nước đầm không còn trong như ngày trước nên khi lặn xuống phải dùng kính bơi, cộng thêm việc cào xới đáy đầm nên tầm nhìn hạn chế. Việc thu nhặt hải sản chủ yếu dựa vào cảm giác của các ngón tay, từ kích thước hải sản đến việc phân biệt đó là loại hải sản nào. Mỗi ngày nếu lặn 6 tiếng thì tôi cũng kiếm được gần 500 ngàn đồng. Ngày nào mệt trong người lặn vài tiếng thì cũng được 150 ngàn đồng, hôm nào may mắn thì được 200 ngàn đồng, có khi còn cao hơn”, ông Lang cho biết.

Người lành học người… tật nguyền

Nhiều năm theo nghề, ông Lang còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi lặn ở đầm Thủy Triều dài hơn 20km này. Nhiều người trẻ khỏe lành lặn phải đến học nghề ông. Theo ông Lang, nghề lặn có nhiều vất vả so với nhiều nghề sông nước. Ở đầm Thủy Triều, đoạn sâu nhất cũng khoảng 7m nước, người lặn có thể đi bộ dưới đáy đầm như đi trên bờ một cách thoải mái. Để làm được điều đó, ông dùng đôi chân giả cũ kỹ của mình đi lại.

Không như bao thợ lặn bình thường khác, vì mất một chân nên trọng lượng c‌ơ th‌ể của ông Lang dồn hết về một phía. Do đó, khó khăn lớn nhất chính là lúc nổi lên mặt nước và trèo lên thuyền. “Tôi không giữ thăng bằng như người ta được, nên để có thể leo lên thuyền, tôi đã phải luyện chiếc chân trái của mình trở nên dẻo dai và thành chân thuận. Ở dưới nước người sẽ nổi lên, do vậy chân phải đủ dẻo để giơ lên và bám vào thuyền rồi trèo lên”, ông Lang cho biết.

Chưa hết, ông Lang còn chia sẻ kinh nghiệm không nên lặn sâu dưới đáy đầm khi trời có mưa. Ông Lang cho biết: “Nếu trời mưa gió mà lặn sâu dưới đầm, đặc biệt là ở nơi trũng thì rất dễ bị chôn sống vì bùn đất các nơi đổ về, đầm nằm ở vị trí thấp, nên lượng đất, cát đổ xuống đáy đầm mỗi khi trời mưa là rất lớn”.

Ông Nguyễn Xuân Miên (35 tuổi, một thợ lặn ở đầm Thủy Triều), cho biết: “Hai năm trước, tôi đang đi lặn thì trời mưa to, gió lớn tôi không may bị nước cuốn vào chỗ bùn sâu. Lúc đó may nhờ có ông Lang ở cách đó một đoạn nghe tôi kêu cứu nên lặn đến trục vớt tôi lên. Sau lần đó, tôi được ông Lang kể về kinh nghiệm đi lặn nên tôi cũng rút ra được nhiều bài học từ cái đầm này. Tôi chưa thấy người nào như ông ấy cả, mất một chân nhưng lặn rất giỏi, hơn cả đám thanh niên trong làng”.

Bất chấp bệnh tật

Dù nghề lặn giúp ông có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhưng làm cái nghề này cũng mang nhiều bệnh tật. Theo ông Lang, hầu hết những người lặn đầm đều bị bệnh viêm tai vì nước trong đầm dù thông với biển nhưng đã bị ô nhiễm vì rác thải. Việc các nhà máy xả thải ra đầm còn làm thợ lặn bị ngứa đến mức có lúc không lặn được. “Nhiều lúc phải nổi lên đột ngột, vì nguy hiểm đến hệ hô hấp, chưa kể đến việc những thuyền máy chạy qua phía trên, có người đã bị phần chân của bánh lái đánh phải, chảy máu đi viện cấp cứu. Sau khi từ dưới nước lên, tôi cố gắng ở ngoài nắng nhiều hơn, kiểu như phơi nắng để da trở lại bình thường, chứ không dám ngồi trong mát nghỉ ngơi nhiều quá”, ông Lang tâm sự.

Nếu khi lặn có đeo kính bơi thì rất dễ bị đau mắt. Ông Lang cho biết: “Mắt tôi bị đau liên tục, càng về tuổi này nó càng đau. Khi nổi lên, mắt tôi như mắt ốc lồi, vì kính bơi bóp lại ở hai bên đầu. Lặn xong rồi, tôi không tháo kính ra ngay mà vẫn phải đeo kính một lúc, do ở dưới nước thời gian dài nên nếu tháo kính ra ngay thì mắt chắc chắn sẽ bị đau vì ánh sáng thay đổi đột ngột”.

Bà Hai tâm sự: “Cái nghề này vừa vất vả vừa mang bệnh tật. Nhìn ổng mập mạp thế nhưng tai ổng vừa không nghe rõ vừa đau lùng bùng, có khi còn mưng mủ, mắt ổng thì ngày nào cũng đau. Có hôm trái gió trở trời nước mắt ổng chảy liên hồi, không mở được. Tôi khuyên nghỉ nhưng ổng không nghe, bảo dù không có gì đánh bắt thì ổng cũng ra đầm, cũng ngụp lặn, bởi nghề lặn đã ăn vào máu rồi, không bỏ được”.

Ông Nguyễn Phổi, Trưởng thôn Tân Hải, cho biết: “Hơn 40 năm gắn bó với nghề thợ lặn, ông Lang không những có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn cứu vớt hàng chục thợ lặn khác gặp nguy hiểm trên đầm. Người có tài, có tâm như ổng hiếm lắm. Ở xã này ai cũng nể trọng và quý mến ông Lang, ổng là người hòa đồng, vui tính, sẵn sàng giúp đỡ người khác”.

Đầm Thủy Triều là đầm nước mặn nên mỗi khi mưa gió, nước ngọt từ núi cao đổ về làm cá thiếu ôxi nổi lên dọc hai bên bờ đầm. Lúc này cá thoi thóp vì nước mặn bị nước ngọt làm loãng chứ không phải dịch bệnh, người dân chỉ việc ra hai bên bờ đầm vớt cá đem bán mà cá vẫn tươi. Đây cũng là bí quyết giúp người dân quanh đầm có cái mưu sinh trong những ngày mưa gió, bão giông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật