Chiếc vé tàu

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Buổi sáng một ngày giáp Tết. Sương đeo sọt ra vườn chè khá muộn. Đám khách từ dưới quê lên núi cắt bổi chuyến cuối năm vừa ghé qua nhà cô đã đi tiếp lên vùng cao từ lâu. Sương ủ xong ấm chè xanh, châm tiếp nước sôi rồi ra vườn...
Chiếc vé tàu
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lệ thường, bao nhiêu năm nay, người làng lên núi đi củi, đi bổi coi nhà Sương là trạm dừng chân giữa buổi đường. Ấm chè xanh đãi bà con đã thành nếp quen. Tình làng nghĩa xóm neo đậu chốc lát trên đồi chè, khẽ như hơi thở thoáng qua cũng đủ đem lại cho Sương chút bình yên, khỏa lấp nỗi buồn riêng tư của sự đơn độc.

Sương đi theo lối mòn thậm nâu màu đất, nghĩ đến phận mình giống như cây sầu đông bên đường khát gió hanh hao, hận đời mà trút sạch lá giống như thảm cỏ héo khô vì ngọn gió heo may quay quắt hút kiệt hơi ẩm nuôi sống kiếp cỏ cây. Từ ngày rời trường đại học, Sương gắn bó với vườn chè do các cụ bên chồng để lại. Những ngày hai vợ chồng Sương và Tuấn cùng chăm bón vườn chè giờ chỉ còn là kỷ niệm viển vông. Trong kho ký ức của Sương, dù hình ảnh của Tuấn vẫn còn lưu lại một hy vọng mong manh, nhưng hy vọng ấy nhanh chóng hóa thành ảo tưởng đã hòa tan vào chân trời xa không bao giờ chạm được.

Mùa đông chưa qua nhưng bước chân mùa xuân đã lướt nhẹ trên đồi chè. Những luống chè hình vành khăn trải dài màu xanh bao la của những khát khao, cất lên tiếng loạt xoạt theo gót chân của Sương, khiến cô kỹ sư nông nghiệp tưởng chừng thoát khỏi mọi sự ám ảnh buồn phiền và đang đón nhận cảm xúc tươi tắn của cuộc sống hiện hữu. Sương không thể bứt mình ra khỏi cảm giác chia xa. Muốn xóa nhòa hoài niệm, muốn xua tan ký ức nhưng đành bất lực. Lại nhớ đến Tuấn, lại day dứt với tình yêu chồng biền biệt vắng xa. Vết thương lòng độ nào tấy lên, bao năm rồi vẫn không buông tha Sương. Ngày Tuấn đi bộ đội, Sương đã từng tâm niệm con trai thời chiến một nửa dành cho gia đình, một nửa dành cho đất nước. Nửa chia xa ấy vẫn ước hẹn một ngày trở lại. Khoảng trời riêng của Sương dành trọn cho người đi xa. Sự hy sinh của người ở lại đọng đầy thương nhớ. Nào ngờ ngày Tuấn trở về, hạnh phúc lứa đôi chợt tan biến. Tuấn thú nhận là đã có một nửa thứ hai ở tỉnh ngoài. Lỗi là ở hoàn cảnh, không phải của con người, anh bảo vậy. Anh bộ đội bị thương được đưa về hậu phương cứu chữa. Trạm xá bệnh viện, từ trung đoàn đến quân khu, có biết bao nhiêu tấm lòng ưu ái với thương binh. Cuối cùng là nơi an dưỡng dài ngày ở một vùng quê yên tĩnh. Cô hộ lý ấy tên Sâm, quê mùa mà đôn hậu, chân chất như hạt lúa củ khoai, ngày đêm chăm sóc anh từ thìa sữa đến các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Anh kể lể dài dòng nhưng Sương nghe mà ù tai, điếng người, câu được câu chăng. Chỉ còn đọng lại trong trí óc một thực tế chua cay là Sương đã mất Tuấn. Người đàn bà kia đã có con. Nuốt nỗi cay đắng vào tận đáy lòng, Sương nghĩ tới hai đứa con chung của hai người, những đứa con không thể không có bố, chấp nhận lời xin lỗi. Chính Sương cũng không ngờ ngọn lửa hờn ghen chưa kịp ngún đã bị dập tắt. Thôi đành hy sinh vì hai đứa con. Giá như câu chuyện dừng lại ở đó thì cuộc sống dù tái tê ung nhọt vẫn lấy lệch làm bằng được. Nào ngờ, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Do nhu cầu của quân đội, Tuấn được gọi tái ngũ. Luyện được tay nghề cơ khí ở một thành phố lớn, khi xuất ngũ, Tuấn một mực đòi rời quê, ra thành phố hành nghề.

Hơi hướng đô thị đã quấn chặt lấy anh, thấm vào máu thịt. Sương biết hai người theo đuổi hai chí hướng khác nhau, người theo nghiệp nông, người chán quê tìm đường ra tỉnh, khó bề níu kéo nên để Tuấn ra đi. Bao nhiêu năm nay, Tuấn đều đặn gửi tiền về nuôi con. Mấy năm đầu còn về thăm nhà, sau đó đi biệt tăm; tiền vẫn gửi cho vợ nhưng người đến địa chỉ cũng giấu nhẹm. Trong thời gian Tuấn phục vụ trong quân đội thì Sương bấm bụng gửi con cho ông bà ngoại, thi đỗ và theo học trường đại học nông nghiệp. Cô không xin vào cơ quan nhà nước mà trở về xóm Thượng, chí thú với kế hoạch cải tạo vườn chè. Tuấn hoàn thành nghĩa vụ trở về, vườn chè tạp, chè bồm đã được thay thế bằng giống chè tuyết. Cách chăm bón, trừ sâu đều dùng các sản phẩm sinh học nên mặt hàng chè của Sương rất được giá, mỗi năm khấu trừ mọi khoản chi phí còn cho thu nhập trên một trăm triệu đồng. Sương cứ tưởng sự đổi đời của cuộc sống gia đình sẽ níu kéo Tuấn quay trở về. Chỉ uổng công. Hồi nào, Sương còn được người ta báo cho biết, Tuấn đã kết bồ với một nữ doanh nhân giàu có ngoài thành phố. Cô không tin. Cho đến cách đây một năm, Sương nhận được một bản đề nghị ly hôn, cô mới tá hỏa ra nhưng nghĩ rằng đã quá muộn để hàn gắn chuyện vợ chồng, cô cắn răng chịu đựng, không tính đến chuyện ra thành phố đánh ghen. Bây giờ, Tuấn đã trở về, Tuấn bằng xương bằng thịt trong một cái vỏ bọc kỳ lạ, khó hiểu, lại về vào một ngày giáp Tết.

Nhớ lại ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cô xác định ngày phải rời khỏi cuộc sống thị thành để trở về quê hương xây dựng vườn chè, tâm hồn Sương như muốn bay lên, lòng tràn đầy sức sống như những búp chè xuân mơn mởn giữa mùa hanh khô.

Hai bàn tay thoăn thoắt, Sương đi giữa những luống chè hình vành khăn, hái lứa chè xuân non tơ, thả vào sọt. Cô vừa hái chè, vừa lẩm bẩm giọng vui vui: "Một tôm... hai lá, một cá hai cành". Lại nhớ câu thơ của Xuân Hải, người bạn học cũ:

Tôi về tìm lại tôi xưa,

Vườn chè năm cũ lại vừa nẩy xanh.

Khi chè đã tấp dày lưng sọt, Sương dừng tay, lau mồ hôi trán, mắt lơ đễnh nhìn xuống chân đồi. Thấp thoáng bên những bờ lau ngời sắc trắng phất phơ một dáng người lầm lũi đi lên, hướng về xóm Thượng đơn côi của Sương. Lại thêm một người đi núi. Muộn mằn thế này, làm sao trở về kịp tối? Bao nhiêu năm trước, Sương đã từng trải qua nỗi chờ đợi cháy bỏng, đợi chờ bóng dáng Tuấn từ ga tàu dưới thị trấn trở về nhà. Bóng dáng đơn lẻ của người đi đường dưới kia dường như đánh thức nỗi nhớ với vẻ tủi hờn kéo dài sáu năm nay. Nhưng cũng chỉ trong thoáng chốc, Sương lại đều bước hái chè. Sọt chè đung đưa nằng nặng sau lưng, Sương ngửng đầu lên, chợt nhận ra bóng người đi đường lên xóm Thượng, rẽ vào lối nhà Sương. Cái bóng lòm khòm lam lũ trông đến tội nghiệp. Chiếc áo khoác rách tơi tả, cụt hai ống tay, để lộ ra màu vải bông nhàu nhĩ. Sương chợt nghĩ thương người làng cũ quê mình còn nhiều kẻ nghèo khó.

Sương vội vã quay về nhà đón khách. Vừa bước chân vào thềm, trong cảnh tranh tối tranh sáng, chưa nhìn rõ mặt người, Sương đã nghe một giọng Bắc lạ lẫm:

- Tôi đi đường xa, ghé xin chị hớp nước!

Sương đon đả mời chào:

- Xin bác chờ cho một lát. Có sẵn chè xanh đây.

Nói xong, cô vội vã tháo sọt chè, đi pha nước. Khách đội một chiếc mũ lá toạc vành, mép tướp xơ, rũ xuống tận chiếc khăn quấn cổ dày tú hụ màu cháo lòng. Khách đỡ bát nước chè xanh nóng hổi, gạt đuôi chiếc khẩu trang chống gió sang một bên, cúi đầu xuýt xoa từng hớp nước chè. Theo thói quen, sau khi mời khách uống nước, Sương xăng xái chuẩn bị củi bếp sao suốt mẻ chè. Cô cũng chẳng để ý gì đến ông khách bây giờ chỉ là một bóng đen ngồi trong góc tối.

Chợt ông khách lên tiếng hỏi:

- Xung quanh nhà ta, có ai dùng điếu cày không, hả chị?

Nghe hỏi, Sương dừng tay nhóm lửa, chạy vội vào buồng lấy ra một ống điếu cày. Khách tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Nhà ta sẵn điếu thế này ư? Tôi tưởng...

- Xin bác cứ tự nhiên. Ngày trước anh nhà tôi chọn sắm nó, dùng đến bóng nhẫy vẫn chưa thay lần nào.

Ông khách bắt chuyện:

- Chẳng hay anh nhà ta đi đâu hả chị?

Thay cho câu trả lời là một tiếng thở dài. Khách rít một hơi thu‌ốc là‌o, ống điếu reo lên thống thiết. Khách vỗ mạnh tay vào miệng điếu cày, dường như muốn đánh thức tâm trạng của Sương.

- Ở dưới làng, tôi có nghe loáng thoáng chuyện gia đình anh Tuấn. Xin lỗi chị, đây có phải là nhà anh Tuấn không?

Sương ngừng phắt việc điều chỉnh củi lửa sao chè, ngước nhìn khách với vẻ mặt vừa ngạc nhiên, vừa bực bội:

- Ông là ai mà biết chuyện nhà này? Xin ông đừng nhắc đến con người bội bạc ấy trước mặt tôi. Người làng nói gì mặc kệ. Tôi coi như anh ta đã chết rồi.

- Tôi biết, tôi biết. Cả làng thông cảm với chị...

Khách dừng lời một lát, giọng đắn đo:

- Nhưng, người ta thường nói: "Sông có khúc, người có lúc". Ngộ nhỡ có khi nào anh ta hối lỗi xin trở về tái hợp gia đình thì chị tính sao?

- Không có chu‌yện ấ‌y đâu. Con ca-ve ngoài phố còn lâu mới buông anh ta ra. Đã sáu năm rồi, có phải ít đâu.

- Thì cứ giả dụ anh ta quay về?

- Bác rõ lẩn thẩn, chẳng giống người làng dưới quê. Muốn về tái hợp ư? Cứ phải sửa mâm cau, chai rượu, mời họ hàng đến để tạ lỗi mà chắc gì đã xong!

Khách thôi không hút thuốc nữa, trân trọng đặt chiếc điếu cày lên bàn nước, rồi chuyển sang hỏi thăm tình hình xóm Thượng. Hỏi rất cặn kẽ. Sương vẫn không rời bếp lửa sao chè, nói giọng sẵng pha chút hoài nghi:

- Ông là người qua đường sao quan tâm đến chuyện nhà tôi, lại hỏi han tình hình vùng kinh tế mới kỹ thế?

Ông khách không trả lời, chỉ lí nhí mấy câu cảm ơn rồi đứng dậy ra đi. Ông khách không lên núi cao mà đảo luôn vào xóm Thượng.

Lòng đầy nghi hoặc, sao xong mẻ chè cuối cùng, Sương tất tả đi vào xóm. Lác đác chỉ vài chục ngôi nhà rải rác trên mấy lườn đồi. Người Sương tìm đến là ông Công an thôn, chú ruột chồng cô. Cô kể lại đầu đuôi câu chuyện người khách lạ đến nhà, rồi nói giọng chắc nịch:

- Chú bảo có đáng cảnh giác khi kẻ gian lên tận vùng cao để dò la tin tức không? Mà sao người này lại biết hết chuyện làng mình dưới xuôi hả chú?

Ông chú im lặng ngồi nghe cô cháu dâu kể lể, thỉnh thoảng lại gật đầu, ánh mắt lộ vẻ tinh quái. Cuối cùng, ông cười, hỏi Sương:

- Có thật tình cháu không nhận ra người ấy là ai không?

- Người lạ hoắc, làm sao cháu biết được!

- Nó là thằng Tuấn, chồng cháu đấy.

- Ủa, sao nghe giọng Bắc đặc sệt?

Ông chú nói luôn:

- Thì nó giả bộ làm người lạ, đổi cả giọng nói để về thử lòng cháu, chứ sao nữa?

Trên đường về, Sương thấy hụt hẫng, bước chân chao đảo, chẳng khác gì đôi đũa khua khoắng trên chiếc chảo sao chè. Tuấn đã trở về ư? Vì sao anh ta phải bày ra cái trò quỷ quái ấy? Tuấn trở về đúng lúc Sương đã yên phận sống với hai con mà không có chồng bên cạnh. Cô đã từ lâu xua tan nỗi buồn thổn thức mong ngóng chồng, quên cả hơi ấm chồng những đêm mùa đông giá rét; đến nỗi nhớ hoang hoải suốt năm, sáu năm trời cũng đã gãy vụn trong cuộc sống lao động cật lực trên vườn chè. Vậy mà lúc này đây, tin Tuấn quay về khiến bao nhiêu kỷ niệm cũ ào ào tuôn về theo.

Sương chợt nhớ lại lúc cầm chiếc điếu cày trong tay, Tuấn cứ săm soi mãi. Chiếc điếu cày cùng với cái ấm tích là hai kỷ vật Sương cất giữ từ ngày Tuấn đi xa, coi như đó là nơi neo đậu nỗi nhớ để cân bằng mọi suy nghĩ, mọi nỗi buồn xa cách. Lúc này, ý nghĩ duy nhất khiến Sương day dứt là: "Hai đứa con cần có bố!".

Sương tự hỏi: "Anh ta trở về vì lý do gì? Bị ngư‌ời tìn‌h xua đuổi? Do làm ăn thất bại, trắng tay hoàn trắng tay? Tại sao không trở về đàng hoàng cho đáng mặt một người đàn ông mà phải lén lút giấu mặt?". Mọi câu hỏi chưa có lời đáp. Chỉ có điều, Sương biết chắc là anh ta đã phản bội không phải một mà cùng lúc hai người đàn bà. Cô Sâm ở tỉnh ngoài kia đã được Sương cho phép mang con về chào họ hàng bên nội. Sương đã trải lòng mình với Sâm và rộng tình kết nghĩa chị em. Dù chưa phải là người từng trải nhưng qua trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn thời chiến, Sương biết rằng trường hợp bắt cá hai tay của Tuấn không phải là riêng biệt. Cô biết chuyện bao nhiêu anh cán bộ sau ngày thoát ly gia đình và quê hương đã nổi máu tham vịn thêm cành mận, bẻ thêm cành đào. Có ông lúc hấp hối mới thú thật với người thân là đã có con riêng. Sương không hề hẹp hòi, đã tha thứ cho Tuấn một lần. Lần này thì sao đây? Tình yêu đã chết từ lâu. Cô chỉ còn giữ lại gia tài quý nhất là hai đứa con. Một thân một mình nuôi con, lâu rồi cũng quen. Chẳng còn vướng bận gì, càng yên thân. Chẳng có việc gì phải toan tính, chẳng có gì phải tham tiếc.

Dẫu vậy, Sương còn nhớ câu trả lời của mình thốt ra trước mặt người khách lạ: "Cứ phải sửa mâm cau, chai rượu, mời họ hàng đến để tạ lỗi...". Ờ, sao mình lại vẽ đường cho hươu chạy thế nhỉ? Một câu trả lời bật ra từ vô thức. Có lẽ lúc ấy, mình nghĩ tới hai đứa con?

*

Vì cái trò ma mãnh lúc về nhà gặp vợ, Tuấn bị ông chú ruột mắng cho một trận tơi bời. Anh tự bảo cố nhẫn nhục nghe cho phải phép, mọi sự sẽ tính sau. Không ngờ, ông chú, mở ngăn kéo lấy ra một tờ báo Công an nhân dân, xòe trang cuối ra trước mặt Tuấn, chỉ vào một tấm hình in trên: "Lệnh truy nã", hỏi giọng gay gắt:

- Có phải mụ này là bồ của mày không? Đọc đi, tên mày dính vào vụ án chiếm đoạt tài sản, in rành rành ra đây, may mà mày không bị khép vào tội đồng lõa. Còn gã đàn ông trong ảnh đã bị bắt, được ghi là ngư‌ời tìn‌h và đồng phạm của mụ kia trong vụ lừa đảo bốn chục tỉ có quen biết gì mày không? Tại sao mày về đây một mình?

Ông chú hỏi dồn dập không kịp để Tuấn giãi bày. Anh cầm tờ báo trong tay run run. Dù cơ quan Công an thành phố đã xác minh rằng anh chỉ là một kẻ bị bội tình chứ không dính líu gì vào âm mưu đen tối của hai kẻ kia, nhưng Tuấn vẫn bị nỗi đau gặm nhấm vì cô gái kia đã lừa dối mình.

Chuyện họ gặp nhau chốn đô thành cũng đơn giản như một mảng bèo dạt trôi ngày lũ tấp vào một xác nhà dập dềnh sóng nước trên sông. Một cô gái dáng vẻ điệu đàng làm hỏng chiếc xe máy tay ga gặp một anh chàng chủ cửa hàng sửa chữa xe máy, vừa đẹp trai, vừa vạm vỡ lại ăn nói có duyên liền tạo cớ làm quen dài dài rồi kết dính với nhau, sống với nhau như vợ như chồng là chuyện thường ngày ở  nơi đô thị.

Từ ngày ra thành phố, Tuấn bằng mọi cách, cố lột bỏ cái vỏ "nhà quê" của mình. Có tay nghề cao, chỉ trong vòng ba năm, anh mở được cửa hàng riêng. Cô gái anh quen có bằng đại học, làm nghề môi giới bất động sản, mối giao tiếp cực kỳ rộng rãi. Hai người sống với nhau dưới một mái nhà nhưng việc ai nấy làm, chẳng ai dúng tay vào công việc của ai. Với tính tự trọng cao của một anh chàng có mặc cảm là "người nhà quê", Tuấn chẳng hề nhờ vả tiền nong của bạn gái. Riêng chuyện kéo nhau đi nhà hàng, vũ trường, đi du lịch lên rừng xuống biển thì Tuấn không thể từ chối vì cô ta cho đó là nếp sống hiện đại.

Bất ngờ, vụ lừa đảo mua bán địa ốc vỡ lở, Công an vào cuộc. Bấy giờ, Tuấn mới biết bạn gái của mình có ngư‌ời tìn‌h, chính hắn là tay chủ mưu đã bị Công an bắt tạm giam. Vậy là cuộc phiêu lưu tình ái của Tuấn chấm dứt.

Nhớ lại lá đơn yêu cầu ly hôn mà cô bạn gái thảo ra rồi tự tay gửi về cho Sương, Tuấn sượng mặt, không dám đàng hoàng xuất hiện ở nhà mình nên mới có cái trò hóa trang dại dột. Ông chú mắng thằng cháu chẳng oan tí nào.

Về thăm dò vợ, kết quả chưa đi đến đâu, tới gặp chú ruột thì chú đưa cho xem lệnh truy nã cô bạn gái, Tuấn bí rì. Phải lánh mặt khỏi xóm Thượng một thời gian, chờ xem sao. Quê hương là nơi bình yên nhất, là nơi có tấm lòng bao dung nhất. Tuấn tin thế.

Về xin Sương tha thứ cho lần thứ hai, thật là muối mặt. Từ ngày cặp kè với cô bạn gái làm nghề môi giới bất động sản, Tuấn cứ canh cánh trong lòng niềm cũ nơi quê nhà.

Tuấn và Sương - hai người đẹp nhất trong lớp học sinh cuối cấp ba cưới nhau đã được mười bốn năm. Cái thủa ban đầu sáng tươi ấy, Tuấn chưa vướng vào bất cứ toan tính, tham vọng nào. Kỷ niệm về những tháng ngày vất vả nuôi con, hình ảnh Sương tất tả ngược xuôi để vun vén cho gia đình nhỏ bé của mình vẫn còn vẹn nguyên cảm giác biết ơn và cảm phục trong Tuấn. Tính tham lam của đàn ông đã làm hại anh. Cái giá phải trả quá đắt. Anh đã đang tâm từ bỏ gia đình, từ bỏ hai người đàn bà thuần hậu để đuổi theo cái bóng phù hoa. phản bội và bị phản bội, bây giờ mới thấm thía nỗi cay đắng. Lần này có được Sương tha thứ nữa không? Chính vì không dám tin vào tấm lòng rộng lượng của Sương, Tuấn mới phải đóng vai người xa lạ lúc trở về nhà. Anh quá bất ngờ khi tia hy vọng lóe lên trong câu nói của Sương: "Cứ phải sửa mâm cau...". Hi vọng mong manh quá. Vết thương tình cảm do Tuấn gây ra không dễ gì xoa dịu. Lúc này, Tuấn cảm thấy mình như chiếc thuyền lỡ bến. Đành phải cắm sào, chờ con nước lên, sau đó mọi chuyện sẽ hay. Bến đỗ gia đình là nơi neo đậu ngàn lần mơ ước.

Vậy là chỉ trong vòng ba ngày, Tuấn đem xe SH, vòng đeo cổ già một lạng vàng, nhẫn kim cương xuống thị trấn nhà ga xe lửa bán tuốt và nhanh chóng dựng lên một cửa hàng sửa chữa xe máy. Ông chú Công an của Tuấn không biết rằng anh thả neo tạm ở thị trấn phố ga là đã có hẹn với cô bạn gái trước khi rời thành phố. Kỳ lạ thay chuyện trai gái say nhau. Tuấn biết bị lừa tình mà đau nhưng không thể nào quên được cô bạn gái. Mùi nước hoa ấy, bước chân nhún nhảy ấy, cách ôm eo khi ngồi sau xe máy ấy đã trói chặt anh vào thâ‌n hìn‌h kia, khó mà dứt bỏ. Chẳng hiểu sao, trước khi rời thành phố, anh đã lén gặp cô ta ở một nơi khuất nẻo, đã dễ dàng hẹn gặp cô ta tại phố ga quê nhà.

Quả nhiên, giữa đêm hai mươi bảy Tết, cô bạn gái của anh xuất hiện ở phố ga, lẹ tay kéo cửa, lách vào cửa hàng. Cô ôm chầm lấy anh. Chỉ thốt lên được một tiếng: "Anh!", rồi khóc dấm dứt. Tuấn nâng cằm của cô gái lên, đọc được trong mắt cô nỗi lo sợ mơ hồ hiện lên trên khuôn mặt có nhiều nếp nhăn chạy ngang vầng trán, báo hiệu một tâm trạng đầy giông bão ngổn ngang. Bỗng nhiên một cảm giác ớn lạnh chạy dọc  sống lưng Tuấn. Anh nhẹ gỡ hai cánh tay cô gái đang choàng qua eo anh. Một ý nghĩ bất chợt thoáng qua: "Vòng tay này đã từng ấp ủ vị đại gia nơi phố thị giàu sang. Cô ả đang đóng kịch đây!". Lúc này Tuấn không phân biệt nổi trong lòng mình đang bốc lên ngọn lửa ghen tuông hay căm tức nữa. Tuấn thốt lên:

- Hân! Em phải rời đây ngay. Báo chí đã đăng lệnh truy nã em.

Cô gái tên là Hân dù không còn mang quần áo hàng hiệu, cặp kính râm gọng vàng, đôi giày giá vài chục triệu, nhưng trong bộ vỏ của một cô đồng nát vẫn toát lên một vẻ đẹp ám ảnh. Vẻ kiêu sa giấu kín ấy lại hớp hồn Tuấn. Cô gái trao cho anh một chiếc túi xách bằng vải thô, khẽ nói:

- Em nhờ anh giữ hộ. Trong này có năm chục ngàn đô, hai mươi lạng vàng, mười hạt xoàn, em mang không tiện. Chừng này đủ cho chúng mình sống suốt đời.

Tuấn tần ngần nhận chiếc túi xách, cho vào tủ, khóa trái lại. Hân lại chìa ra hai chiếc vé tàu, trao cho Tuấn một chiếc:

- Chuyến tàu hàng VQ... đêm mai. Anh giữ lấy một chiếc. Lên tàu ta sẽ gặp nhau.

Cuộc hẹn hò, chia tay diễn ra chóng vánh.

Ngay sáng ngày hôm sau, Tuấn đi xe máy lên nhà ông chú ở xóm Thượng. Anh giấu chuyện gặp cô gái đang bị truy nã. Tuy vậy, trong khi dẫn Tuấn đến nhà Sương, đi theo có đoàn đại biểu chi họ nội tộc, ông chú vẫn lên tiếng cảnh báo:

- Cháu không dính vào vòng tố tụng là chuyện may rồi. Chú chỉ dặn là bất cứ tin tức gì liên quan tới nơi ẩn náu của con ca-ve kia, cháu phải báo cho chú biết, đừng để mang tội che giấu tội phạm.

Cả đoàn đại biểu chi họ tới nhà Sương. Dường như được báo trước, Sương đã sớm nấu một nồi nước chè xanh dậy mùi thơm phức. Hai đứa con đã đến trường, Sương thoải mái tiếp khách. Cô nghe ông chú phân giải mọi điều. Các ông bác họ nói thêm vào, nhưng cô vẫn ngồi im. Ông chú giục mãi cô mới lên tiếng:

- Anh Tuấn là người chủ chốt trong sự việc này. Cháu muốn nghe lời anh ấy nói.

Không đợi ông chú giục, Tuấn đứng dậy, bước tới trước mặt vợ, bất ngờ quỳ xuống, giọng thiết tha:

- Anh đã phạm phải một sai lầm lớn, mong em tha lỗi!

Sương chưa kịp phản ứng thì có tiếng xe máy râm ran ngoài vườn chè. Khách mới đến là ba đồng chí Cảnh sát Hình Sự. Một người mang cấp hàm đại úy nhận ra Tuấn, nói ngay:

- Chúng tôi truy vết cô Hân vào tận đây. Chẳng hay cô ấy có về xóm Thượng cùng anh không?

Ông chú Công an thôn của Tuấn đáp ngay:

- Cháu nó về quê một mình. Chẳng có cô nào đi theo hết.

Tuấn ngắt lời chú:

- Có đấy.

Nói rồi, anh rút từ túi áo ngực ra tấm vé tàu, trao cho người đại úy:

- Trên chuyến tàu VQ... đêm nay, số ghế... là của cô ấy. Tấm vé này cùng toa, cùng chuyến, chỗ ngồi liền kề kẻ bị truy nã.

Các chiến sĩ Cảnh sát Hình Sự bắt tay cảm ơn Tuấn, hẹn giờ gặp lại làm việc tiếp.

Từ chỗ ngồi của mình, Sương đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt Tuấn, lên tiếng hỏi, giọng dấm dứt:

- Lại còn chuyện gì giữa ngày giáp Tết nữa đây?

Lương Sĩ Cầm

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật