PTT Vũ Văn Ninh: ‘Áp lực trả nợ lớn vì vay ngắn, lãi suất cao’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại phiên thảo luận tổ ngày 21-10 về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dành toàn bộ phần phát biểu của mình để giải thích với các đại biểu về nỗi lo nợ công đang đè nặng lên ngân sách.
PTT Vũ Văn Ninh: ‘Áp lực trả nợ lớn vì vay ngắn, lãi suất cao’
Ảnh minh họa

Ông cho biết, nợ vay trong nước đang tạo ra áp lực lớn vì thời hạn vay ngắn và lãi vay cao.

Hai dự án quốc lộ là nguyên nhân tăng nợ công

Dự kiến mức nợ công so với tổng sản lượng nội địa (GDP) năm 2015 mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội hôm khai mạc là 64,5%, gần mức chạm trần 65% theo quy định của Quốc hội.

Trước đó, tại các diễn đàn khác nhau, nhiều vị lãnh đạo Quốc hội đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về mức độ vay nợ này, nhất là trong bối cảnh ngân sách không có tiền để tăng lương cho cán bộ, viên chức. Tình hình nợ công cũng là nỗi lo hàng đầu của các đại biểu Quốc hội trong những ngày này.

Có cơ hội trao đổi cụ thể hơn với các địa biểu tại cuộc thảo luận tổ (21-10) về tình hình kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giải thích cụ thể: chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, tăng nhanh hơn thu dẫn tới tình trạng chi đầu tư khó khăn.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI có nêu rõ ba đột phá về thể chế, hạ tầng và khoa học giáo dục. Sau khi thể chế hóa đường lối này, Trung ương có ra nghị quyết riêng về thực hiện chiến lược đột phá về hạ tầng; từ đây Chính phủ trình lên Quốc hội hai dự án hạ tầng rất lớn là nâng cấp Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14.

Hai dự án này, theo Phó Thủ tướng, được đặt ra trong bối cảnh Quốc hội đã ấn định mức phát hành trái phiếu giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỉ đồng; cuối năm 2013 đầu năm 2014 lại phát hành thêm 170.000 tỉ đồng (2014-2016), chủ yếu dành để đầu tư hai con đường kia.

“Đó chính là nguyên nhân tăng nợ công”, ông Ninh nói. Và ông cho rằng với mức nợ công tăng nhanh như vậy: “Chúng ta phải bình tĩnh xử lý. Khẩn trương cũng mất vài năm để lành mạnh nợ công”.

Căng nhất là nợ vay trong nước

Theo phân tích của ông Ninh, trong cơ cấu nợ công đến hết 2010, nợ nước ngoài chiếm 60%, nợ trong nước khoảng 40%. Đến  năm 2013 nợ nước ngoài 50%, nợ trong nước 49% và cộng thêm nợ được Chính phủ bảo lãnh, chủ yếu là vay trong nước.

Phó Thủ tướng thừa nhận tổng dư nợ đang tăng tương đối nhanh trong mấy năm gần đây. Nhưng điều quan trọng là tính an toàn nợ. “Chỉ tiêu nợ so với GDP cũng chỉ là một chỉ tiêu thôi. Điều quan trọng là có trả được nợ hay không”, ông nói.

Ông phân tích với các đại biểu rằng trên thế giới có nước tổng dư nợ 100% GDP nhưng vẫn an toàn vì sức khỏe nền kinh tế mạnh. Cũng có nước chỉ vay đến 20%-30% GDP thôi nhưng lại không trả được. “Chi trả nợ của chúng ta tăng quá nhanh”, theo ông Ninh. Song ông nhấn mạnh, trả nợ nước ngoài không căng thẳng lắm, bình quân vay nợ nước ngoài lãi suất chỉ 1,6%/năm; số nợ còn lại tính từ thời điểm này phải đến 12-13 năm sau mới phải trả nợ gốc và mức trả giảm dần từ từ.

Vấn đề là nợ trong nước. Nợ này vay kỳ hạn ngắn (3-4 năm), thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ có một năm. “Có kỳ hạn vay như năm 2013 là vay 1 năm đã tới gần 22,7% rồi nên trả nợ nhanh quá. Vừa vay xong sang năm đã bố trí trả nợ”, ông Ninh cho biết.

Vay kỳ hạn ngắn đã là áp lực. Nhưng áp lực lớn hơn nữa vì vay trong nước thì lãi suất tương đối cao. Vay theo lãi suất thị trường càng làm căng thẳng lên ngân sách trả nợ.

“Vay trong nước khiến nợ công tăng nhanh”, Phó Thủ tướng giải trình với đại biểu và nói rằng nó là‌ּm tìn‌ּh trạng trả nợ căng thẳng, làm cho đỉnh nợ “rơi ” vào năm 2016.

Ông nói về giải pháp trả nợ đang được Chính phủ bàn thảo là cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ, làm sao để kỳ hạn vay dài ra; ví dụ như vay 10 năm, theo chu kỳ cuốn chiếu để trả dần những năm sau vì vay càng dài càng lợi.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ để cơ cấu lại nợ, chủ yếu là nợ trong nước.

Về phạm vi trả nợ, hiện nay trái phiếu Chính phủ đã tính trong nợ công rồi. Song vấn đề là khi “đỉnh” nợ rơi vào năm 2016 thì phải xem lại việc có phát hành trái phiếu Chính phủ nữa hay không hoặc phát hành ở mức nào để kéo nợ công xuống.

“Giả sử chúng ta không phát hành nữa thì nợ công sẽ xuống nhanh nhưng sẽ không có nguồn để đầu tư, làm ăn kinh tế”, ông Ninh bày tỏ sự lo ngại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật