Năm nay người ta xin nhiều hơn vay!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những biến động trong đời sống kinh tế - xã hội nay đã biểu hiện rõ ở cả hoạt động cúng bái đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Khách đến phần đa là người sản xuất, kinh doanh. Trước đây họ đến vay bà với số lượng tiền và vàng rất lớn thì nay giảm khoản vay mà tăng khoản xin lộc, thậm chí còn kể lể chi tiết mục đích xin...
Năm nay người ta xin nhiều hơn vay!
Ảnh minh họa
Từ người buôn bán nhỏ đến lãnh đạo các doanh nghiệp đều chung quan niệm: Đầu năm đến xin vía Bà phù hộ độ trì cho sản xuất kinh doanh có lời. Cuối năm căn cứ vào kết quả có được mà sắm lễ tạ ơn.
Tìm hiểu một số khách đến lễ Đền được biết, trước đây vay tiền ở Đền Bà Chúa thủ tục rất đơn giản, chỉ cần diễn Nôm nói rõ nguyện vọng vay, mức vay. Lễ lạt cũng không cần phải mâm cao cỗ đầy. Nhưng bây giờ thì đã khác. Những người đến đều có quan niệm “trần sao âm vậy”. Trong đời sống hàng ngày, để vay được tiền của ngân hàng cũng phải qua nhiều cửa ải thẩm định, thế mà còn khối kẻ lừa đảo... Chính vì vậy mà 2 năm nay, thủ tục vay tiền ở đền Bà Chúa, nhiều người cũng tuân thủ các quy trình giống như vay tiền ngân hàng vậy.
Trước đây, do đền chật chội, khách đông, nhiều người không vào được hậu cung thì vẫn đứng ở ngoài sân bái vọng, thỉnh cầu ước nguyện vay tiền hoặc nhờ người khấn thuê. Còn năm nay, những người muốn vay thì phải vào cho được hậu cung diện kiến Bà Chúa để trình bày. Thủ tục, nội dung một bài văn khấn cũng đã phức tạp hơn lên. Người vay nếu không khấn được thì phải mượn người khấn thuê, nhưng người vay phải được vào Hậu cung để thỉnh cầu. Văn khấn phải trình bày mục tiêu, ý nghĩa của việc vay, số lượng tiền vàng vay, quy mô và tính khả thi của dự án mà người vay đang định thực hiện trong năm nay.
Họ nghĩ rằng, có cụ thể, khả thi như thế thì Bà Chúa mới gật. Ngân hàng địa phủ với ngân hàng trần gian có khác nhau gì đâu về điều kiện vay vì đều có chung mục đích là bảo toàn vốn vay!
Bà Biện Thị T. - một người sắp lễ dịch vụ trước cổng đền cho biết, khoản vay to thì lễ trình phải to. Phải có cành vàng, lá ngọc, vàng cục vàng thỏi, đôla... xôi gà, hoa quả, bia rượu... Có mâm hết cả tiền triệu! Sau lễ, phần thực phẩm được đưa về để gia đình thụ lộc, những thứ còn lại phải hóa vàng. Bà T. còn cho biết thêm, do khách đông nên có người phải chờ cả ngày mới đến lượt diện kiến bà Chúa.
Ở Đền Bà Chúa cũng có những luật bất thành văn. Anh Nguyễn Tiến Nam, một Việt kiều ở Đức tiết lộ, vay tiền ngân hàng, vay bạn bè không trả được thì chịu tù chịu phạt, chứ vay tiền Bà Chúa mà không trả được thì lòng ăn năn lắm. Đó là lý do hàng năm anh về quê thăm người thân vào dịp Tết và kết hợp đi lễ.
Ba năm qua, nhiều người vay vàng vay tiền Bà Chúa nhưng kinh doanh bất động sản thua lỗ, năm nay, họ đến xin lộc bà Chúa. Bà Trịnh Thị Tuyết ở Quốc Oai, Hà Nội giãi bày, đến xin lộc Bà cho thanh thản, chứ vay mượn mà mình buôn bán thất bát thì buồn lắm. Đành rằng, cõi âm không đưa ai ra xét xử, nhưng lòng bất an.
Chi phí mua sắm cành vàng, lá ngọc, vàng cục vàng thỏi, đô la... trung bình mỗi mâm lễ cũng phải đến vài chục ngàn. Ước tính mười ngày trước Tết và mười lăm ngày sau Tết có tới 3 vạn lượt người tới đền Bà Chúa, nhiều tỉ đồng tiền thật phải chi trả cho khoản hóa vàng đồ lễ nói trên. Vậy nhưng, sự lãng phí này lại rất… tự nguyện!
Một lãnh đạo Ban Quản lý khu di tích đền về dịch vụ khấn thuê, viết sớ: Hiến pháp ta không cấm tự do tín ngưỡng, thực tế các dịch vụ khấn thuê, viết sớ không làm tổn hại đến ai cũng như lợi ích của quốc gia. Mọi người đến đây là tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần để lòng được thanh thản, tự tin, bởi thương trường nghiệt ngã quá mà sức người thì có hạn.
Xin lộc đầu năm tại Đền Bà Chúa còn là câu chuyện dài…
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật