Tân Hoa Xã ngày 4/8 đăng bài "Cùng hợp tác khai thác Biển Đông không phải vấn đề bên nào thiệt", dẫn nguồn tờ Thời báo Kinh Hoa bình luận xung quanh phát biểu của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc trong chuyến công du Thái Lan 2 hôm trước.
Ngày 2/8, ông Nghị đưa ra cái gọi là "3 giải pháp" xử lý tranh chấp Biển Đông, trong đó kêu gọi các bên tranh chấp cùng hợp tác, khai thác (ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện là tâm điểm tranh chấp giữa 5 nước 6 bên) trước khi tìm được giải pháp cuối cùng xử lý ổn thỏa vấn đề.
Bài viết của Giả Tú Đông, một nhà bình luận thời sự trên Thời báo Kinh Hoa thừa nhận rằng, trong tranh chấp lãnh thổ xưa nay không có quốc gia nào dễ dàng từ bỏ lập trường của mình, và trong lịch sử những cuộc chiến tranh và xung đột do tranh chấp lãnh thổ cũng nhiều không kể xiết.
Tuy nhiên, Giả Tú Đông cho rằng một vài chục năm trở lại đây, đàm phán và đối thoại dần trở thành xu thế chủ đạo trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các nước. Dùng vũ lực giải quyết vấn đề sẽ chỉ gây tổn thất nặng nề cho các bên, hoàn toàn không phải cách giải quyết một lần là xong tranh chấp.
Quay trở lại vấn đề Biển Đông, viên học giả này cho rằng lợi ích chung bao gồm hòa bình, ổn định trong khu vực và "chia sẻ nguồn tài nguyên Biển Đông".
Rồi Đông đặt câu hỏi, có người (Trung Quốc) sẽ thắc mắc, một khi đã nhận hầu như toàn bộ Biển Đông là của mình (Bắc Kinh) thì việc gì phải "hợp tác với người khác"?!
Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, người đưa ra cái gọi là 3 giải pháp xử lý tranh chấp Biển Đông tại Thái Lan hôm 2/8. |
Nói rồi viên học giả cho rằng, đó là lập trường không khoan nhượng của các bên, nhưng thực chất chỉ là trò ngụy biện của viên học giả này cũng như truyền thông Trung Quốc.
Thực tế là tất cả các bên liên quan, khu vực và quốc tế không ai chấp nhận được "lập trường" của Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thực tế, Trung Quốc đang đưa ra yêu sách và lập trường vô lý, phi pháp và trịch thượng, đối đầu với toàn bộ các bên còn lại, đối đầu với luật pháp quốc tế và công lý ở Biển Đông.
Phần trên, Giả Tú Đông cho rằng vũ lực không phải lựa chọn đầu tiên, nên việc ông Nghị đề xuất hợp tác cùng khai thác ở Biển Đông là nguyên tắc ngoại giao "quý" hiếm có khó tìm?!
Nhưng dường như viên học giả này đang cố tình ngụy biện, lài léo dư luận bằng cách khéo léo che đậy cái mệnh đề nguy hiểm mà ông Tập Cận Bình mới nhắc hôm 30/7: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng hợp tác"?!
Chấp nhận hợp tác cùng khai thác với Trung Quốc ở Biển Đông, đương nhiên phải chấp nhận cái gọi là "chủ quyền" hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc, đời nào lại xảy ra chuyện phi lý, nực cười nhường vậy?
Trong phiên học tập tập thể của Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung Quốc chiều 30/7 vừa qua, ông Tập Cận Bình nhắc lại cái gọi là phương châm giải quyết tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Biển Hoa Đông) vô lý không thể chấp nhận được: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác" |
Nói rồi, Giả Tú Đông kết luận, hợp tác cùng khai thác Biển Đông không phải vấn đề "ai thiệt" mà các bên cùng thắng. Trong câu kết của mình, Giả Tú Đông chỉ nhắc lại nguyên tắc "gác tranh chấp cùng khai thác" Biển Đông mà khôn khéo không nhắc lại cái mệnh đề tiên quyết vô lý kia, là cố tình lòe bịp dư luận, hay Đông dám chống lại cái gọi là "phương châm" của ông Tập Cận Bình?
Trong bài phát biểu của ông Vương Nghị tại Thái Lan được Tân Hoa Xã đăng tải nguyên văn hôm qua 3/8, ngoài việc cố gắng chứng minh cho "con đường phát triển hòa bình" mà Bắc Kinh đang tuyên truyền, ông Nghị cũng phải thừa nhận các nước láng giềng trong khu vực lo ngại trước sự "trỗi dậy" của Trung Quốc, nhưng ông nói với giọng trấn an, Trung Quốc mạnh lên là "cơ hội" chứ không phải "uy hiếp".
Cuối bài phát biểu của mình, ông Nghị cũng không quên "nhắc nhở" ai đó chớ "có hành vi làm phức tạp tình hình, đặc biệt chớ phán đoán nhầm cục diện, sai lầm tiếp tục sai lầm"?!
Trong thế giới văn minh, mọi hành động, phát ngôn của các bên đều không thể lọt qua con mắt của công luận khu vực và quốc tế. Thiện chí hay không, tuân thủ cam kết và luật pháp quốc tế hay không phải dựa vào những hành động trên thực tế của chính họ chứ không phải cứ nói lấy được là dư luận sẽ chấp nhận.