Điện ảnh Việt 2024 - Vẫn chờ giấc mơ lớn…

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điện ảnh Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đã hội tụ mọi cung bậc cảm xúc từ niềm vui ’vỡ òa’ với những bộ phim trăm tỷ đến những ồn ào đáng tiếc, những thất bại ’bết bát’ nơi phòng vé. Để tiến về phía trước, điện ảnh Việt Nam đang cần nhiều hơn nữa những người ’mở đường’ và hành trình đó không thể thiếu những giấc mơ lớn...
Điện ảnh Việt 2024 - Vẫn chờ giấc mơ lớn…
Phim “Mai” của Trấn Thành đạt 550 tỷ đồng doanh thu với hơn 6,5 triệu vé bán ra.

Người thắng lớn, kẻ lỗ nặng

Năm 2024, thị trường phim Việt tiếp tục xu hướng bùng nổ khi các kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Thu hơn 550 tỷ từ các suất chiếu trong nước chỉ sau 20 ngày ra rạp (khởi chiếu vào ngày 1/3), phim “Mai” đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam khi trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Trước đó, Trấn Thành cũng từng lập kỷ lục những phim ăn khách với “Bố già” (2021, doanh thu 427 tỷ đồng) và “Nhà bà Nữ” (2023, doanh thu 475 tỷ đồng). Đặc biệt, chỉ sau hơn một tuần công chiếu, “Mai” đã vào top 15 phim ăn khách nhất thế giới, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2024.

Một cảnh trong phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của Lý Hải.

Xen giữa màn solo của Trấn Thành, bộ phim “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải rời rạp sau gần 7 tuần ra mắt (khởi chiếu từ 26/4) cũng đem lại doanh thu 482 tỷ đồng. Thành tích này giúp “Lật mặt 7” vượt mặt nhiều phim khác để trở thành phim Việt ăn khách thứ hai trong lịch sử, chỉ sau “Mai”. Một dự án khác cũng khá thành công đó là “Gặp lại chị bầu” của đạo diễn Nhất Trung. Phát hành vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, phim thu về 92,7 tỷ đồng; sau đó phim tiếp tục được công chiếu trên nền tảng VOD và phát hành ở Úc vào giữa tháng 5/2024.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, rạp chiếu trong nước chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phim Việt. Với ba phim doanh thu tổng cộng hơn 1.000 tỷ của Trấn Thành và các phim ăn khách khác, trang tin Deadline (Mỹ) nhận định Việt Nam đang là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á. Trang tin Deadline cũng dẫn số liệu cho thấy, doanh thu phòng vé Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ổn định 10%/năm, vượt cả quốc gia có ngành điện ảnh phát triển hơn là Thái Lan.

Đáng mừng hơn là trong suốt nhiều năm, thị trường phim Việt hầu như bị “phủ bóng” bởi các dòng phim ngoại nhập, phim Việt chỉ được coi là phần “thêm nếm” với các suất chiếu vừa ít ỏi, vừa bị xếp vào những giờ xấu, dẫn đến doanh thu không khả quan thì gần đây, phim Việt đã có lúc “chiếm sóng” tại các rạp, lấn át phim nước ngoài, kể cả những phim “bom tấn” ăn khách từ Hollywood. Phim Việt cũng không còn “khiêm tốn” ém mình, chờ mỗi mùa Tết để bung ra, với công thức chủ yếu là phim hài, mà giờ đây phim Việt ra rạp quanh năm, chủ đề cũng phong phú hơn rất nhiều: từ hài, tâm lý, gia đình cho đến phim kinh dị, phim nghệ thuật…

Sự “bùng nổ” nói trên minh chứng rằng, khi đã đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của khán giả, phim Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các phim nước ngoài. TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, đây là điều rất đáng mừng, vì phim Việt Nam hiện nay đã được khán giả rất quan tâm. Theo bà Lan, thống kê cho thấy thị phần phim Việt Nam năm 2022 chiếm khoảng 30%, thì năm 2023 đã lên tới hơn 40%. Nhìn vào doanh thu phim là chưa đủ để đánh giá một nền điện ảnh, nhưng để có những bộ phim vượt qua doanh thu trăm tỷ cũng là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó thì thị trường phim Việt vẫn là một bức tranh khá ảm đạm. Số dự án có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngược lại, số lượng phim thua lỗ, doanh thu thấp chiếm phần lớn trong danh sách.

Một phân cảnh trong phim “Sao Kim bắn tim Sao Hỏa” của đạo diễn Bùi Quốc Việt.

Khi “Mùa hè đẹp nhất” ra rạp (ngày 28/6), bộ phim đã nhận được nhiều kỳ vọng bởi phim lấy đề tài thanh xuân học đường vốn được cho là đang thiếu trên màn ảnh. Trước đó, cùng đề tài này, bộ phim “Tháng năm rực rỡ” (tháng 4/2018) từng có doanh thu rất khả quan. “Mùa hè đẹp nhất” tái hiện những năm tháng tươi đẹp nhất, đáng nhớ nhất của tuổi học trò và cả những nuối tiếc vĩnh viễn ở tuổi trưởng thành, mà ai cũng có thể bắt gặp. Phim quy tụ dàn diễn viên có tiếng như NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Công Dương, Trần Nghĩa, Khánh Vân... Thế nhưng, dự án này chỉ đạt doanh thu ảm đạm hơn 4 tỷ đồng.

Trước “Mùa hè đẹp nhất”, loạt phim Việt thua lỗ có thể kể đến “Móng vuốt” (khởi chiếu ngày 7/6, doanh thu 3,8 tỷ đồng); “Án mạng lầu 4” (khởi chiếu ngày 17/5, doanh thu 1,9 tỷ đồng); “Cái giá của hạnh phúc” (khởi chiếu ngày 19/4, doanh thu 26 tỷ đồng)... Đỉnh điểm là “Đóa hoa mong manh” chỉ thu được vỏn vẹn 430 triệu đồng sau 3 tuần công chiếu. Một thống kê cho thấy sự “bết bát” của phim, đó là trong ngày cuối cùng chiếu rạp, doanh số chỉ là 19 vé trên tổng số 4 suất chiếu, thu về 2,5 triệu đồng. Ngay cả dịp cao điểm nghỉ lễ 1/5, phim cũng chỉ bán được 102 vé với gần 12 triệu đồng. Với những con số “thảm” như vậy, “Đóa hoa mong manh” trở thành một trong những phim Việt có doanh thu thấp nhất lịch sử phòng vé.

Một thống kê khác từ website cộng đồng về phim moveek.com cũng cho thấy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 11 phim thương mại được công chiếu thì trong đó 8 phim ghi nhận thua lỗ, 7 trong số 8 phim chỉ thu được từ khoảng 6 tỷ đồng trở xuống.

Còn đó những bấp bênh

Rõ ràng, thị trường phim Việt đang cho thấy nhiều tiềm năng và cả những thách thức. Bên cạnh những phim thành công vì có sự đầu tư, chăm chút thì nhiều phim vẫn “thua thảm”, cho dù nhà sản xuất hay đạo diễn không thiếu tâm huyết. Đạo diễn Lê Thanh Sơn khi đưa “Móng vuốt” ra rạp đã từng rất kỳ vọng, anh gọi đây là dự án tiềm năng bởi khai thác đề tài sinh tồn, vốn rất hiếm trên màn ảnh Việt. Đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng từng thắng lớn với bộ phim “Em chưa 18”. Thời điểm ra rạp, “Em chưa 18” từng lập kỷ lục doanh thu, gây kinh ngạc với giới làm phim. Với “Móng vuốt”, Lê Thanh Sơn dành 7 năm ấp ủ kịch bản với một đề tài mới lạ, bởi vậy thất bại của phim khiến đạo diễn khá bất ngờ.

Còn Mai Thu Huyền khi đưa “Đóa hoa mong manh” ra rạp còn kỳ vọng sẽ cán mốc doanh thu trăm tỷ, thế nên khi phim bết bát không bán được vé đã trở thành “cú sốc” lớn với nhà sản xuất. Ngô Thanh Vân cũng từng thắng lớn với “Hai Phượng”, khi phim đoạt doanh thu 200 tỷ đồng. Thế nhưng, cùng thể loại hành động, thậm chí đề tài, nội dung còn được đánh giá tốt hơn, hình ảnh được đầu tư kỹ hơn “Hai Phượng”, phim “Thanh Sói - Cúc dại trong đêm” lại là cú thất bại mà chính Ngô Thanh Vân cũng không lường trước được.

Khi nhận định về nguyên nhân thua lỗ, các ý kiến đều cho rằng, phim Việt có doanh thu thấp thường có kịch bản yếu, thiếu đầu tư chăm chút, không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả. Nói như đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa thì điểm yếu lớn của phim Việt là tình trạng “thắ‌t c‌ổ chai” ở những vị trí quan trọng như đạo diễn, biên kịch, diễn viên…

“Làm phim là công việc không dễ và đòi hỏi sự góp sức của một tập thể giỏi. Để mặt bằng chung phim Việt có chất lượng cao đều hơn, chứ không chỉ có vài phim ăn khách và chất lượng phim luôn trồi sụt, vẫn là phải đầu tư phát triển nhân lực, nguồn vốn và trang thiết bị, bởi lượng người làm nghề giỏi trong các khâu hiện vẫn rất ít ỏi” - ông Hòa nói.

Còn theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD - đơn vị sản xuất một loạt các bộ phim gây được tiếng vang - cũng cho rằng rất lâu thị trường mới xuất hiện một phim ăn khách trong khi những dự án thất bại chiếm đa số, do đó, sự phát triển của phim Việt vẫn khá bấp bênh.

Chia sẻ về những khó khăn, đạo diễn Hằng Trịnh cho biết, các nhà làm phim không có nhiều lựa chọn trong việc tuyển diễn viên và các thành phần trong đoàn. Vấn đề cần thiết là phải đào tạo để có nhiều nhân tài hơn trong lĩnh vực làm phim, như vậy thì thị trường mới có thể thực sự phát triển bền vững. Chưa kể, thời điểm phát hành và cả sự may mắn cũng góp công rất lớn vào doanh thu trăm tỷ của các bộ phim trong năm nay. Điều này đặt ra vấn đề thị trường phim Việt cần sự phát triển mang tính bền vững.

“Công thức” nào cho sự thành công?

Phim Việt đang đứng trước thách thức lớn trên hành trình đưa khán giả đến rạp. Thực tế cho thấy, đứng sau những bộ phim trăm tỷ là những ê kíp lâu năm, có nhiều kinh nghiệm làm phim thương mại, thậm chí có những người được mệnh danh là “đạo diễn trăm tỷ”. Và đương nhiên, cũng giống như những thị trường phim lớn trên thế giới, các phim ra đời sau của họ sẽ được hưởng lợi từ thương hiệu có sẵn của nhà làm phim hay những loạt phim nhiều phần trước đó. Hiện nay, những cái tên nổi bật, “bảo chứng phòng vé” phim Việt còn khá ít ỏi, loanh quanh chỉ là những cái tên như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng...

Đạo diễn Lý Hải - gương mặt “đắt giá” của điện ảnh Việt.

Đặc biệt, với những thành công liên tiếp, Trấn Thành và phim của anh còn được đưa ra phân tích, mổ xẻ, ngõ hầu tìm ra công thức cho một bộ phim ăn khách. Nhiều người cho rằng, câu chuyện mà Trấn Thành kể trong phim không mới, thậm chí nội dung còn quá bình thường, nhạt nhòa nhưng lại giàu tính hiện thực, mang đậm hơi thở đời sống, dễ xem, dễ cảm nhận. Những câu chuyện gia đình trong phim mang tính điển hình, ai xem cũng bắt gặp một phần của mình trong đó. Khi nhân vật trong phim nói được tiếng nói của số đông, khóc cười cho số phận của nhiều người, thì việc có nhiều người quan tâm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cho dù có thành công, đường đi của Trấn Thành cũng chỉ là một trong số rất nhiều cách để kéo khán giả đến rạp. Suy cho cùng, yếu tố then chốt để một tác phẩm điện ảnh ăn khách là phải chạm được vào cảm xúc của khán giả. Phim hài thì phải khiến người xem có những giây phút thư giãn, phim kinh dị phải làm khán giả sợ, phim về gia đình thì phải… đời như cuộc sống vậy. Khán giả là những người xem khắt khe, họ sẵn sàng đến rạp để thưởng thức những bộ phim chất lượng và rời đi khi phim không đáp ứng được nhu cầu của họ. Và để làm được điều này, sẽ có rất nhiều con đường, rất nhiều cách làm khác nhau, không ai giống ai và cũng không thể có một công thức chung cho sự thành công. Tất cả phải cần sự nỗ lực tự thân của các nhà sản xuất, các đạo diễn.

Ngoài ra, để thị trường phim Việt phát triển thực sự bền vững không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, hiệp hội - những yếu tố vượt ra ngoài khả năng của các đạo diễn và cả các đơn vị làm phim. Điện ảnh trong nước đang rất cần một hệ sinh thái để làm bệ đỡ cho các bộ phim vươn cao, vươn xa. Ở đó, các nhà làm phim được hỗ trợ từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, để từ một dự án phim nhiều triển vọng trở thành bộ phim ăn khách. Ngay cả với phim Nhà nước đặt hàng, cũng cần tính đến là cơ chế liên danh sản xuất và phát hành trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Một nền điện ảnh lớn cần phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, nghệ thuật, tư tưởng. Vẫn biết doanh thu không tỷ lệ thuận với chất lượng phim, nhưng những bộ phim đạt doanh thu cao vẫn tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, một bộ phim doanh thu trăm tỷ chưa chắc sẽ dẫn hướng phát triển cho điện ảnh, nhưng khi nhà sản xuất có tiềm lực, họ sẽ làm những bộ phim lớn hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn. Giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở con số doanh thu, họ muốn không chỉ có “sản phẩm điện ảnh” ăn khách mà còn có “tác phẩm điện ảnh”. Chỉ khi đó, thế giới mới biết nhiều hơn về điện ảnh Việt Nam…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật