Tin liên quan
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một nhà máy ở York, cựu Tổng thống Donald Trump chủ yếu bám sát vào những phát biểu đã được chuẩn bị trước, khi chỉ trích cách tiếp cận của đối thủ Kamala Harris đối với các vấn đề kinh tế và năng lượng. Theo đó, ông cam kết bãi bỏ quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về hạn chế ô nhiễm nhà máy điện, đồng thời tái khẳng định việc ngăn chặn kế hoạch của Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản) nhằm mua lại Tập đoàn thép U.S. Steel (Mỹ). Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại cam kết hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường nội địa và 100% các mặt hàng thiết yếu đều là của Mỹ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới. Tuy nhiên, ông không nói rõ làm thế nào để thực hiện được các mục tiêu đó ngoài việc ủng hộ các biện pháp rộng rãi, như áp thuế đối với các quốc gia khác.
Tháng 2 vừa qua, ông Trump tuyên bố sẽ ngăn chặn thương vụ sáp nhập Nippon Steel với U.S. Steel, vốn gây quan ngại cho người lao động, vốn sở hữu những lá phiếu quan trọng ở Pennsylvania và một số bang dao động khác, có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử.
Ứng cử viên Donald Trump còn khẳng định loại bỏ các quy định do Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) công bố vào tháng 4 vừa qua nhằm hạn chế ô nhiễm không khí và nước từ các nhà máy điện, nhằm cắt giảm hơn 1 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2047. Thậm chí, nếu thắng cử, chính quyền của ông sẽ đưa thêm các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ, tiên tiến vào hoạt động và tận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để tăng cường sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
Trả lời phỏng vấn với báo giới sau bài phát biểu vận động tranh cử, ông Trump cho biết sẽ xem xét hủy bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD đối với việc mua xe điện, thậm chí sẽ mời tỷ phú Elon Musk tham gia chính quyền.
Trong khi đó, đối thủ của ông, bà Kamala Harris, lại đang thu hút cử tri bằng cam kết tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của bà Harris, ông James Singer, cho biết động thái này sẽ là một phần trong nỗ lực “mang tiền trở lại túi người dân lao động” và đảm bảo các tỷ phú cũng như các tập đoàn lớn phải chia sẻ khoản lợi nhuận khổng lồ.
Trong bài phát biểu về chính sách kinh tế tuần trước, bà Kamala Harris đã phác thảo các đề xuất cắt giảm thuế đối với hầu hết người Mỹ, cấm các cửa hàng tạp hóa đội giá và cam kết xây dựng nhà ở giá rẻ hơn nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, Pennsylvania đã nổi lên như một trong những bang quan trọng nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi mà cả ông Trump và bà Harris đều chưa chiếm được ưu thế. Việc ông Trump vận động tranh cử ở phía Đông Bắc bang Pennsylvania vào cuối tuần qua, trong khi bà Harris tập trung vào khu vực phía Tây đã cho thấy tầm quan trọng của bang này.