Lọt top 20 tranh Việt đắt giá nhất
Sáng 14/6, tại phiên đấu giá Arts d’Asie của nhà đấu giá Sotheby’s Paris, bức tranh “Les Chanteuses de campagne” (Người hát dân ca) của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được đấu giá thành công vượt ngoài mong đợi khi “chốt” giá 1.020.000 Euro (tương đương 1.090.000 USD).
Được biết trước đó, tác phẩm trên là điểm nhấn của chương trình giới thiệu đấu giá gồm nhiều tranh, đồ gốm, tác phẩm điêu khắc nổi tiếng tại châu Á khi được định giá từ 600.000 - 900.000 Euro. Theo đó, bức tranh đã được danh họa khéo léo ứng dụng kỹ thuật vẽ lụa qua chất liệu sơn dầu trên toan vào năm 1930 và sau đó được thầy hiệu trưởng Victor Tardieu (trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ) tuyển lựa gửi đi tham dự Đấu xảo thuộc địa 1931 tại Paris. Một cặp vợ chồng bác sỹ Pháp đã mua sưu tập bức tranh, lưu giữ suốt ba thế hệ tại tư gia của họ ở một vùng quê khiêm tốn, cho đến khi được Sotheby’s Paris giới thiệu ra công chúng sau gần một thế kỷ.
Theo giới sưu tập tranh, với mức giá này, bức “Người hát dân ca” lọt vào top 20 tranh Việt đắt giá nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tác phẩm đứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm của danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân... Đây là bức tranh thứ hai của danh họa Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu USD, sau bức tranh lụa “Les Couturìeres” (Những cô thợ may) có mức giá trúng 1,39 triệu USD vào năm 2020.
Ngoài ra, tại phiên đấu giá, các tác phẩm Việt khác cũng gây chú ý khi có mức giá đấu thành công như: Parfum de fleurs” (Hương hoa), thập niên 1940 của danh họa Lê Phổ đạt 288.000 Euro (giá ước tính trước đó: 120.000–150.000 Euro); “La fenêtre” (Bên cửa sổ), năm 1952, của danh họa Mai Trung Thứ đạt 84.000 Euro (giá ước tính trước đó: 70.000–90.000 Euro); “Buste de jeune indo-chinois” (Chân dung chàng trai Đông Dương), năm 1934, của danh họa Vũ Cao Đàm đạt 60.000 Euro (giá ước tính trước đó: 20.000–30.000 Euro); “Paysage au Nord du Vietnam” (Phong cảnh Bắc Kỳ), năm 1945, của nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đạt 72.000 Euro (giá ước tính trước đó: 60.000–80.000 Euro).
Ông Ace Lê, Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s cho biết, từ 2019 đến nay, năm nào thị trường cũng có ít nhất một giao dịch “gõ búa” triệu USD. Nhà đấu giá Sotheby’s cũng nắm giữ cả 3 kỷ lục triệu USD trong các năm 2023 và 2024.
Giới đầu tư thích “sưu tập” tranh của danh họa Việt
Kỷ lục mới do bức “Người hát dân ca” thiết lập cũng như những tác phẩm của danh họa Việt gần đây được đấu giá thành công tại các nhà đấu giá quốc tế như: Sotheby’s, Christie’s… đã ghi nhận sự quan tâm, tìm cách sưu tầm ngày càng tăng của giới đầu tư trên toàn thế giới.
Theo ông Simon Stock, chuyên gia cao cấp thuộc Trường phái ấn tượng và Nghệ thuật hiện đại, thì tranh của các danh họa thuộc những khóa đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là những tác phẩm quý giá nhất và luôn được các nhà sưu tập quốc tế thèm muốn.
Còn nhà sưu tập Bùi Quốc Chí thì cho rằng, tranh của các danh họa từng học Trường Mỹ thuật Đông Dương rất độc đáo vì họ lĩnh hội sự duy lý của hội họa hiện đại phương Tây để đưa vào nghệ thuật phương Đông. Các tác phẩm mang đậm hồn Việt, không sao chép phong cách hội họa của người Pháp mà tạo ra lối đi riêng đầy biểu cảm, đậm phong cách Việt. Tranh của các bậc thầy hội họa này luôn có chỗ đứng riêng trên thị trường thế giới do tài năng thiên bẩm cộng thêm sự tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi để đưa triết học phương Đông vào các tác phẩm với kỹ thuật phương Tây.
Nói về lý do giới đầu tư yêu thích sưu tập tranh của các danh họa này, ông Ace Lê cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên, các họa sĩ này đã trở thành danh nhân văn hóa - họa sĩ, là chứng nhân lịch sử cho sự phát triển nghệ thuật hiện đại Việt Nam nên tranh của họ có giá rất cao. Các danh họa như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… đều được đặt tên đường là lý giải rõ nhất. Vì thế nhiều người giàu có, các nhà sưu tập, giới buôn bán tranh rất mơ ước sở hữu tác phẩm của họ.
Hai là, những tác phẩm của những bậc thầy hội họa nói trên đã được mua bán qua nhiều thế hệ vì đã xuất hiện gần 100 năm qua nên chuyện tăng giá là dễ hiểu. Mặt khác, rất nhiều tác phẩm do những người nổi tiếng trong và ngoài nước sở hữu cũng khiến tranh càng có giá trị.
Cuối cùng, hiện nay nhiều người sưu tập tranh ngoài đam mê nghệ thuật còn là đầu tư, mà tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương luôn có tính thanh khoản rất cao.
Theo một số chuyên gia tài chính, giới siêu giàu toàn cầu từ lâu đã xem nghệ thuật, trong đó có các tác phẩm hội họa là một dạng đầu tư và trú ẩn tài sản. Một báo cáo thống kê của Art Market Research cho thấy, chỉ số đầu tư xa xỉ (KFLII) của nghệ thuật từ 12 tháng đến 10 năm sẽ tăng từ 13-75% giá trị tài sản. Bởi vậy, tại Hong Kong, nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ của thị trường mỹ thuật Việt Nam cũng như sức hút từ tranh của các danh họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ năm 2018, nhà đấu giá Sotheby’s đã chính thức mở riêng mảng Việt Nam trong các hạng mục đấu giá.
“Sự hiếm có của tác phẩm, kết hợp với chiến lược tiếp thị của các nhà đấu giá tên tuổi đã khuyến khích giới đầu tư trên toàn thế giới nhận ra cơ hội chỉ có một lần trong đời khi sở hữu các tác phẩm này”, bà Michelle Yaw, chuyên gia về Nghệ thuật hiện đại thuộc nhà đấu giá Sotheby’s chia sẻ.
Top 15 tranh Việt đắt giá nhất tính đến thời điểm hiện tại:
1. “Chân dung cô Phương” (sơn dầu - 1930) của danh họa Mai Trung Thứ được nhà đấu giá Sotheby’s bán ngày 17.4.2021, đạt mức giá 3,1 triệu USD.
2. “Gia đình trong vườn” (lụa – 1938) của danh họa Lê Phổ được Sotheby’s bán ngày 5.4.2023 với giá 2,37 triệu USD.
3. “Dáng hình trong vườn” (sơn dầu) của danh họa Lê Phổ được Sotheby’s bán ngày 7.4.2022 với giá 2,29 triệu USD.
4. “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” (sơn dầu – 1937) của danh họa Mai Trung Thứ được bán hơn 1,57 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s.
5. “Những cô thợ may” (lụa – 1930) của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 1,39 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s vào tháng 12.2020.
6. “khỏּa thâּn” (sơn dầu – 1931) của danh họa Lê Phổ được bán ngày 26.5.2019 tại nhà đấu giá Christie’s với giá 1,39 triệu USD.
7. “Trà và đồng điệu” (sơn dầu) của danh họa Lê Phổ được bán ở mức 1,36 triệu USD vào 10.2022 tại nhà đấu giá Sotheby’s.
8. "Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn" (lụa – 1945) của danh họa Lê Phổ với giá ấn định 1,36 triệu USD, bán trong phiên của nhà đấu giá Aguttes tháng 10.2020.
9 “Phong cảnh Phnom Penh” (sơn mài – 1943) của danh họa Lê Quốc Lộc được bán giá 1,2 triệu Euro (1,35 triệu USD) trong phiên đấu 21.10.2021 của Asium.
10. “Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long” (sơn mài) của danh họa Phạm Hậu với giá 1,24 triệu USD trong phiên đấu 11.2021 của Bonhams.
11. “Uyên ương hý liên” (lụa) của danh họa Lê Phổ với giá ấn định 1,2 triệu Euro (1,35 triệu USD), bán trong phiên của nhà đấu giá Sotheby’s tháng 11.2023.
12. "Vỡ mộng" (lụa – 1932) của danh họa Tô Ngọc Vân với giá trúng 1,16 triệu USD, trong phiên của Christie’s tháng 9.2019.
12. “Đời sống gia đình” (lụa – 1937) của danh họa Lê Phổ được đấu giá tại Sotheby’s ngày 2.4.2017 với giá trúng 1,16 triệu USD.
13. "Thiếu nữ choàng khăn" (lụa – 1938) của danh họa Lê Phổ với giá 1,1 triệu USD, được ấn định trong phiên của Christie’s tháng 5.2021.
14. “Chín con cá chép trong hồ nước” (sơn mài) của danh họa Phạm Hậu được bán với giá hơn 1,1 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s tháng 2.2019.
15. “Người hát dân ca” (lụa – 1930) của danh họa Nguyễn Phan Chánh với giá trúng 1,02 triệu Euro (1,09 triệu USD) tại Sotheby’s ngày 14.6.2024.