Theo Bloomberg, công cụ tìm kiếm của OpenAI dự kiến là phần mở rộng của chatbot AI ChatGPT để truy cập thông tin trực tiếp từ trang web và trích dẫn nguồn. Tính năng tìm kiếm này sẽ cho phép người dùng đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời từ ChatGPT sử dụng chi tiết từ web cùng với trích dẫn nguồn như Wikipedia và các trang blog.
Dự kiến, OpenAI sẽ công bố công cụ tìm kiếm này vào ngày 13/5 - một ngày trước khi Hội nghị nhà phát triển thường niên Google I/O 2024 diễn ra, nơi Google sẽ ra mắt loạt sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
OpenAI từ chối bình luận về thông tin này.
Giới quan sát cho rằng, kể từ khi ra mắt cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Chatbot AI của OpenAI được xem là ứng dụng phát triển nhanh nhất, với 100 triệu người dùng/tháng sau 2 tháng ra mắt. Công cụ này được nhiều người dùng như một giải pháp thay thế cho việc thu thập thông tin trực tuyến ngay cả khi công cụ liên tiếp gặp khó trong việc cung cấp tin tức chính xác và theo thời gian thực từ web.
Tuy nhiên, sự ra đời của ChatGPT đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty công nghệ để tung ra những công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo tạo sinh tương tự.
Một minh chứng rõ nét, startup AI Perplexity đang ngày càng phổ biến và đạt được định giá 1 tỷ USD, nhờ việc cung cấp một công cụ tìm kiếm tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, tập trung vào tính chính xác và trích dẫn nguồn.
Hay như Google, công cụ tìm kiếm của hãng đã thay đổi rất ít trong hơn 20 năm qua, nhưng sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo buộc hãng này phải cử động. Năm 2023, Google đã tăng tốc và cải thiện trải nghiệm tìm kiếm của người dùng bằng một phiên bản hỗ trợ trí tuệ nhân tạo có tên Search Generative Experience (SGE).
Mặc dù, SGE đang còn ở giai đoạn sơ khai nhưng mới đây Google đã bắt đầu thử nghiệm tổng quan về trí tuệ nhân tạo bằng cách cung cấp cho một số người dùng ở Mỹ và Anh bản tóm tắt kết quả tìm kiếm do trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Điều này dẫn đến OpenAI đang phải chịu áp lực ngày càng lớn để mở rộng khả năng của ChatGPT trong bối cảnh danh sách đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều khi đua nhau tung ra các chatbot và phát triển công cụ tìm kiếm. Số lượng từ Similarweb cho thấy, lưu lượng truy cập trang web của ChatGPT trong năm qua có nhiều biến động và hiện chỉ quay trở lại mốc đỉnh của tháng 5/2023.
Song, chính sự phổ biến chóng mặt của các công cụ như vậy đã khiến các nhà lập pháp tại Mỹ và hàng loạt chuyên gia công nghệ kêu gọi cần có những điều chỉnh kịp thời để kiểm soát trí tuệ nhân tạo.
Để tối ưu hóa những lợi ích của trí tuệ nhân tạo, điều quan trọng là phải khiến công chúng tin tưởng rằng công nghệ này đang được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm. Để đạt được điều này, các hệ thống tích hợp trí tuệ nhân tạo phải được thiết kế và phát triển minh bạch dựa trên khung pháp lý để đảm bảo không đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.