Tôi nhớ hương bồ kết vương trên mái tóc bạc trắng của bà, nhớ mùi nồng nồng, cay cay tỏa ra từ những miếng trầu bà vẫn thường móm mém nhai, nhớ cả mùi cỏ hoa vương trên áo bà những khi từ khu vườn bước vào. Trong khu vườn nhỏ mà mênh mang ký ức đó, ông tôi trồng một cây thị vào ngày bác cả cất tiếng khóc lọt lòng. Ông ra trận khi cây thị trong nhà mới quá đầu bác. Ngày đi ông hẹn cây thị đơm hoa kết trái mùa đầu tiên ông sẽ trở về với bà. Vậy mà lần đó ông đi mãi để lại bao mùa thị chín vàng cùng với nỗi ngóng trông mỏi mòn của bà. Bà gói lại những đau thương và giấu thật sâu nơi đáy lòng, sớm hôm với ruộng đồng và khu vườn nuôi mấy đứa con. Mùa thu về cây thị thay ông sớt chia nhọc nhằn mưu sinh cùng bà. Thị chín vàng quả lúc lỉu bà hái xuống gom cùng bưởi, na, ổi và mớ rau trong vườn gánh gồng đi những phiên chợ xa. Chiếc gánh chòng chành, bà gánh cả thế giới trên đôi vai gầy, gánh cả những yêu thương một đời cho các con. Cô út lần nào kể về thời trẻ của bà cho tôi nghe cũng ngắn dài những giọt nước mắt thương mẹ.
Khu vườn chứng kiến bà từ hồi tuổi thanh tân với nước da trắng ngần đến khi tóc trắng như mây trời, đôi tay chai sạn nhăn nheo như những cây nấm mộc nhĩ khô héo. Những bữa cơm no, những buổi đến trường của các bác, bố tôi và các cô được đánh đổi bằng cái lưng cong dáng hình con tôm của bà. Tôi sinh ra, bà đã thôi không phải nhọc nhằn những gánh hàng rong sớm hôm bán buôn nơi chợ quê nhưng khu vườn vẫn được bà chăm chút kỹ lưỡng. Đôi tay gầy gò đầy những vết gai cào của bà vun vén từng gốc cây, nhổ từng bụi cỏ. Góc này cây na trĩu trịt quả, góc kia cây bưởi lúc lỉu những mảnh trăng rằm, còn cây thị thì mỗi độ thu về quả cũng đưa hương ngào ngạt.
Mùa thu của mấy đứa cháu chúng tôi gói gọn trong khu vườn nhỏ của bà. Chúng tôi canh từng quả na mở mắt, tranh từng quả ổi chín đến từng múi bưởi chua trong khu vườn nhỏ. Bà luôn dành phần cho mấy đứa cháu những quả chín đầu tiên vì lũ trẻ con chúng tôi chỉ ham thích lúc đầu mùa, chứ khi vào đúng vụ quả chín hàng loạt có nài nỉ cũng chẳng ăn. Chỉ riêng cây thị già nơi góc vườn những quả chín đầu tiên bao giờ cũng được đặt lên bàn thờ của ông. Hương thị quyện với mùi khói hương lần nào cũng làm cay nồng mắt bà. Những nỗi đau bà đã chôn giấu mấy chục năm tưởng chừng đã rơi vào lãng quên, nhưng nó vẫn còn nằm đó vẹn nguyên như nghĩa vợ tình chồng của bà bấy nhiêu năm. Nó là một vết thương dù lành sẹo nhưng trái gió trở trời vẫn nhói lên buốt giá trong lòng bà. Cây thị cũng là cây duy nhất dù quả chín lúc lỉu đầy cây lũ chúng tôi vẫn giành nhau từng trái. Một phần do hương thị có sức mê hoặc đến lạ kỳ với lũ trẻ con. Chúng tôi từng hít hà hàng giờ dưới gốc cây thị cho căng tràn một ngực hương thị mà mãi không chán. Chúng tôi ra sức gom từng quả thị một còn bởi mấy đứa trẻ ngây thơ tin rằng khi xé lớp vỏ thị sẽ có Cô Tấm từ truyện cổ tích bước ra. Mãi sau này khi lớn lên chúng tôi mới biết cổ tích không có thật, Cô Tấm cũng chẳng có thật nhưng cả lũ vẫn quả quyết người đàn bà tảo tần và phúc hậu trong truyện chính là bà tôi.
Năm đó bà tôi ốm nặng, cây thị hình như ra nhiều quả hơn, những quả tròn to và chín vàng óng ả trong những cơn gió thu. Một chiều nằm trên giường qua ô cửa sổ nhìn về cây thị bà gật đầu khẽ bảo: Bây giờ ông mới chịu về sao?. Rồi mỉm cười về miền mây trắng cùng ông. Bà đi đúng năm tôi thi đại học, ngày nhận giấy báo trúng tuyển tôi chạy ra cây thị khóc rưng rức gọi bà ơi. Người ta nói vạn vật đều có linh, có lẽ khu vườn nhỏ cảm nhận được sự ra đi của chủ. Đầu tiên là cây thị, sau cái mùa quả lúc lỉu như trút hết mọi dưỡng chất trong mình lần cuối, cây rũ dần rồi chết dù cả nhà tôi đã tìm đủ cách cứu chữa. Tiếp theo là na, ổi, bưởi và những luống rau xanh dần biến mất trong khu vườn của bà. Tất cả giờ đây chỉ còn lại trong khoảng trời ký ức của những đứa con, đứa cháu trong những mùa thu chảy tràn những nỗi nhớ mong.