Bình Phước: “Giấy đặt cọc” bị Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 10/4, Báo Pháp Luật Việt Nam nhận được đơn cầu cứu của bà Trịnh Thị Nghiên ngụ ấp 4, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước phản ánh về việc Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc nhưng lại tuyên công nhận là hợp đồng chuyển nhượng hoàn thành.
Bình Phước: “Giấy đặt cọc” bị Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng
Ảnh minh họa

Theo đơn bà Nghiên trình bày, ngày 04/02/2021 bà và ông Hồ Đăng Tiến ngụ tại số 35 Hà Huy Tập, khu phố Phủ Tân, phường Tân Phú, Tp Đồng Xoài, Bình Phước có ký hợp đồng đặt cọc nhằm mục đích chuyển nhượng thửa đất số 15, tờ bản đồ số 27, diện tích 5685m2, địa chỉ thửa đất tại ấp 4, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (thị xã Chơn Thành), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cấp cho bà Nghiên ngày 08/02/2021.

Ngày 25/02/2021, bà Nghiên có yêu cầu trích lục bản đồ địa chính  tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành đối với thửa đất số 15 nêu trên, nhưng do thửa đất số 15 có thông báo thu hồi làm khu du lịch sinh thái. Do đó không thực hiện việc trích lục bản đồ địa chính đối với thửa đất số 15.

Bà Trịnh Thị Nghiên ngụ ấp 4, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành trình bày toàn bộ sự việc với PV Báo Pháp Luật Việt Nam.

Sau đó hai bên đã chấm dứt việc đặt cọc chuyển nhượng thửa đất trên, bà Nghiên có yêu cầu trả lại số tiền đã nhận cọc của ông Tiến cùng tiền lãi nhưng ông Tiến không đồng ý nhận lại tiền mà khởi kiện bà Nghiên tại Toà án nhân dân huyện Chơn Thành yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng.

Ngày 26/9/2022 Toà án nhân dân huyện Chơn Thành đã xét xử sơ thẩm và tuyên án: Công nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa giữa anh Tiến và bà Nghiên theo “Giấy đặt cọc” ngày 04/02/2021 đối với thửa đất số 15, tờ bản đồ 27 và giao cho anh Hồ Đăng Tiến được quyền quản lý, sử dụng thửa đất này.

Đồng thời, thống nhất giá trị chuyển nhượng là 2,7 tỷ đồng, đã thực hiện giao nhận 2,6 tỷ  đồng. Số tiền còn lại 100 triệu đồng cần buộc anh Tiến phải thanh toán cho bà Nghiên tương ứng với giá trị tài sản tại thời điểm xét xử. Theo biên bản định giá ngày 17 tháng 8 năm 2022 thừa đất có giá trị: 4.831 triệu đồng (đất 4,7 tỷ đồng cao su trên đất: 131 triệu đồng), anh Tiến đã thực hiện tương ứng 06.3%, còn 3,7%, tương ứng với số tiền 178.747.000 đồng. Như vậy, anh Tiến có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nghiên số tiền 178.747.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân huyện Chơn Thành phát biểu ý kiến về nội dung đơn khởi kiện của ông Tiến tại phiên tòa: “Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 117, Điều 129, khoản 2 Điều 131, 157 và Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử tuyên: Không chấp nhận yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Hồ Đăng Tiến và bà Trịnh Thị Nghiên. Tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Hồ Đăng Tiến và bà Trịnh Thị Nghiên vô hiệu.

Diện tích đất của bà Nghiên nơi xảy ra tranh chấp hợp hợp đồng đặt cọc với ông Tiến.

Ông Hồ Đăng Tiến có trách nhiệm trả cho bà Trịnh Thị Nghiên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gốc của thửa đất. Bà Trịnh Thị Nghiên có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 2.600.000.000 đồng đã nhận của anh Tiến kèm lãi suất chậm trả tiền tương ứng ngày 04/6/2021 ”

Đồng quan điểm với đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa, luật sư Trần Hữu Thắm, Phó giám đốc Công ty Luật Thành Sen cho biết: “Căn cứ theo quy định của Pháp Luật tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 117, Điều 502 Bộ Luật dân sự năm 2015, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải lập thành văn bản, có công chứng và đăng ký tại cơ quan nhà nước về quản lý đất đai. Do đó, thỏa thuận chuyển nhượng trên của nguyên đơn Hồ Đăng Tiến và bị đơn Trịnh Thị Nghiên không đảm bảo quy định có hiệu lực về hình thức của hợp đồng.

Do đó, yêu cầu khởi kiện về việc tuyên công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận. Căn cứ Điều 129 Bộ luật dân sự, cần xác định hợp đồng này vô hiệu do không tuân thủ về hình thức.

Căn cứ Khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự, sau khi xác định giao dịch dân sự vô hiệu, ông Hồ Đăng Tiến có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Trịnh Thị Nghiên giấy CNQSDĐ gốc của thửa đất; bà Trịnh Thị Nghiên có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 2 tỷ 600 triệu đồng đã nhận của ông Tiến.”

Bản án của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành  không xem xét đánh giá đầy đủ chứng cứ liên quan đến vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nghiên.

Ngày 25/4/2022 bà Trịnh Thị Nghiên làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành, yêu cầu tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử Phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu theo quy định của Pháp Luật.

Vụ án đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước thụ lý và xét xử Phúc thẩm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật