Bác sĩ Phạm Đức Tài, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu nóng ẩm, bệnh có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, bệnh tay chân miệng thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra, lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. bệnh tay chân miệng có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng, chống.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. bệnh thường diễn biến lành tính và hồi phục sau 5 - 10 ngày. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, có tổn thương viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng; đồng thời phối hợp với các trường học, đặc biệt là trường mầm non hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Với mục tiêu kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xảy ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở y tế công và tư, cộng đồng. cách ly, xử lý tốt môi trường tại bệnh viện để hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Triển khai tập huấn cho các tuyến cơ sở, y tế trường học tại các trường mầm non, mẫu giáo; kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; củng cố đội cơ động chống dịch các tuyến. Về công tác điều trị, sẽ bố trí khu cách ly tại các bệnh viện để chủ động điều trị bệnh nhân; phát hiện sớm ca bệnh, phân độ lâm sàng, theo dõi sát diễn biến để có biện pháp điều trị kịp thời… Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng tới người dân, tổ chức chiến dịch truyền thông vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng tại các địa phương, trường học.
Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, bác sĩ Phạm Đức Tài khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày; vệ sinh ăn uống, đảm bảo bữa ăn đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ. Cùng với đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ em để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.