Nguy cơ khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt cho vay

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang cảnh giác cao độ sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu do điều này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tín dụng.
Nguy cơ khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt cho vay
Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức kinh tế Mỹ và châu Âu cho biết đang theo dõi chặt chẽ căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây do điều này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay.

Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang cảnh giác cao độ sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu, trong đó có sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ cùng vụ giải cứu Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ.

Tuần trước, thị trường tài chính đã phát đi tín hiệu căng thẳng. Đồng euro giảm so với đồng USD, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Khu vực đồng tiền chung euro (Erozone) giảm và chi phí bảo hiểm đối với các vụ vỡ nợ ngân hàng tăng, bất chấp sự đảm bảo từ các nhà hoạch định chính sách.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu các nhà đầu tư, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/3 cho biết Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) đánh giá hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn đang hoạt động "mạnh mẽ và có khả năng chống chịu tốt."

Phát biểu trên chương trình "Face the Nation" của đài CBS, Chủ tịch chi nhánh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Minneapolis, ông Neel Kashkari, cho rằng hiện chưa thể biết rõ căng thẳng ngân hàng lên đến mức độ nào thì có thể dẫn tới tín dụng bị thắt chặt trên diện rộng khiến nền kinh tế Mỹ trì trệ.

Ông Kashkari cũng nhận định còn quá sớm để đánh giá những tác động của căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đối với nền kinh tế cũng như đối với quyết định lãi suất tiếp theo Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Do đó, nhà chức trách Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos nhận định những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây sẽ khiến tăng trưởng và lạm phát thấp hơn. Điều này có thể kéo theo việc thắt chặt thêm các tiêu chuẩn tín dụng trong Eurozone, ảnh hưởng đến nền kinh tế, kéo tăng trưởng chậm lại và lạm phát thấp hơn.

Căng thẳng gia tăng đột ngột đối với các ngân hàng đã đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương lớn có tiếp tục theo đuổi việc tăng lãi suất mạnh mẽ để "ghìm cương" lạm phát hay không, cùng suy đoán về thời điểm lãi suất bắt đầu giảm.

Ông Erik Nielse, trưởng nhóm cố vấn kinh tế tại UniCredit ở London (Anh), cho rằng trong bối cảnh quan ngại ngày một gia tăng về việc căng thẳng ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng, các ngân hàng trung ương cần gắn chính sách tiền tệ với sự ổn định tài chính.

Các ngân hàng lớn, trong đó có Fed và ECB, cần đưa ra một tuyên bố chung về việc sẽ không tính tới bất kỳ đợt tăng lãi suất nào, ít nhất là cho đến khi thị trường tài chính ổn định trở lại.

Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tuần qua, song để ngỏ khả năng sẽ cân nhắc tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo cho đến khi có thông tin rõ ràng về thay đổi hoạt động cho vay của các ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB và Signature.

Ông Kashkari cho biết mặc dù có những mặt tích cực như làn sóng rút tiền gửi ở ngân hàng dường như đã chậm lại, hay niềm tin đang dần được khôi phục ở các ngân hàng nhỏ hơn và quy mô khu vực, song vẫn có một số dấu hiệu đáng lo ngại. Phần lớn thị trường vốn đã đóng cửa trong 2 tuần qua và nếu tình trạng này tiếp diễn có thể sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế.

Fed đã triển khai một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng khu vực rơi vào bất ổn.

Dữ liệu gần đây cho thấy đã có lượng tiền gửi được chuyển từ các ngân hàng nhỏ hơn sang các ngân hàng lớn hơn trong những ngày sau khi SVB sụp đổ vào ngày 10/3. Dù vậy, tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định tình hình ở các ngân hàng đã "ổn định".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật