Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên có phù hợp?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng phù hợp với đặc thù lao động.
Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên có phù hợp?
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Ba Đình, Hà Nội).

Không phù hợp với đặc thù lao động

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Tuy nhiên mới đây, trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến THCS như trước.

Cụ thể, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây (nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55) do sự phù hợp của học sinh các cấp học này với giáo viên lớn tuổi là không cao.

Báo cáo nêu: “Nếu theo lộ trình quy định, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”.

Trước đó, Bộ GDĐT cũng đã có đề xuất giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi. Theo thống kê của Bộ GDĐT tính tới tháng 11/2022, cả nước thiếu gần 107.000 giáo viên các cấp, trong đó cấp mầm non thiếu trên 44.000 giáo viên, chiếm trên 40%.

Thống kê của Bộ GDĐT cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.

Trước những thực trạng này, để thu hút nhân lực, nâng cao cả về chất lượng và số lượng giáo viên mầm non, ông Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến giáo viên mầm non.

Đáng chú ý, ông Tuấn Anh cho rằng, hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 60 tuổi là không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ GDĐT phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với GV mầm non là 55 tuổi.

Giáo viên mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu

Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình, cho rằng phù hợp với đặc thù lao động.

Năm nay 48 tuổi nhưng mỗi lúc xem sách giáo khoa và máy tính để dạy học, thầy Lê Văn Tích – giáo viên Trường THCS Diễn Bích (Nghệ An) cảm thấy mệt mỏi vì đôi mắt không còn tinh tường nữa.

Thầy Tích cho rằng, dạy học thuộc lao động đặc thù mà có chung tuổi nghỉ hưu với các ngành nghề khác sẽ không công bằng.

Nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như trước đây.

“Chưa đến 50 tuổi nhưng ngày nào cũng đứng lớp dạy học, đối mặt với học trò, tôi thấy sức khỏe không được như trước nữa. Với sĩ số lớp học hơn 45 học sinh/lớp như hiện này mà giao cho thầy cô giáo già 60-62 tuổi vừa quản lý nền nếp vừa dạy học thì đúng là quá sức”, thầy Tích nói.

Hơn nữa, theo thầy Tích, học sinh thích thầy cô trẻ tuổi hơn những thầy cô giáo già. Đó là một thực tế.

Cô Phạm Thị Minh Phương – giáo viên Trường THCS số 1 Bảo Yên (Lào Cai) cũng cho rằng, với nghề giáo, 60 tuổi mà vẫn dạy học thì không phù hợp với học sinh.

Cho rằng giáo viên là công việc chịu nhiều áp lực nên theo cô Phương, tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm nên rất có thể các cô không bảo đảm được chất lượng giáo dục. Vì vậy, cô Phương bày tỏ mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như trước đây.

Dù sức khỏe vẫn tốt, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ không thua kém các giáo viên trẻ nhưng cô Lê Thị Thu Hằng – giáo viên chủ nhiệm lớp B4 (mẫu giáo 4 tuổi), Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) thừa nhận, ở tuổi ngoài 50 không thể tinh nhanh bằng thế hệ sau, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục.

Từ thực tế của bản thân, cô Hằng cho rằng, với giáo viên mầm non nên nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Dạy trẻ mầm non, ngoài yếu tố kinh nghiệm cần cả sự tinh nhanh và phản xạ tốt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Mà yếu tố này sẽ ngày càng kém khi qua tuổi 50.

“Hơn nữa, về mặt tâm lý cả trẻ và phụ huynh đều thích cô giáo trẻ hơn”, cô Hằng nói.

Sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, cử tri các tỉnh Bình Định và Lào Cai có kiến nghị tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc mọi lĩnh vực thì tuổi nghỉ hưu được giảm đến 5 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019.

Theo các nghiên cứu, đánh giá điều kiện lao động, cho đến nay nghề giáo viên mầm non chưa đủ các yếu tố điều kiện lao động để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Vì vậy, tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTBĐT không có nghề, công việc "giáo viên mầm non".

Ngoài ra, do nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn của nghề này (không phải là hết tuổi lao động, đủ điều kiện tuổi hưởng chế độ hưu trí) thì giáo viên có thể được hỗ trợ đào tạo chuyển sang nghề khác, nếu có nhu cầu làm việc.

Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung theo nguyện vọng của cử tri.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật