“Thủ phủ” thanh long trông chờ thị trường khởi sắc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh Bình Thuận - “thủ phủ” thanh long của Việt Nam vẫn đang chật vật với những khó khăn và nhiều người phá cây thanh long để chuyển đổi giống cây trồng khác. Hiện nay, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đã giảm tới hơn 936ha. Trong lúc khó khăn như vậy, từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức tìm hướng tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và bà con nông dân.
“Thủ phủ” thanh long trông chờ thị trường khởi sắc
Ảnh minh họa

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận chia sẻ, có một thời gian dài, thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì hàng hóa bị tắc lâu ngày tại cửa khẩu.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện nay, diện tích thanh long trên địa bàn toàn tỉnh là 31.103ha, tổng sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Trong đó, có 12.397ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP và 560ha được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP. Đi tìm thị trường mới cho đầu ra của thanh long ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu kết hợp với Công ty TNHH Hòa Lệ có được đơn hàng 120 tấn/tháng xuất sang thị trường Mỹ; Công ty TNHH Giasaka Nhật Bản xuất về thị trường Nhật Bản khoảng 30 tấn/tháng…

Bà Nguyễn Thị Sơn Ca, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Thanh Bình (Thabi Farm), ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, khi nhắc đến xuất khẩu thanh long cũng lắc đầu nói về tình hình vô cùng khó khăn khi xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, hiện nay, doanh nghiệp đang tìm các thị trường tiềm năng, hoặc gần nhất là đưa sang thị trường Campuchia, sau đó đi tiếp sang Thái Lan.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, chủ vựa thanh long Kiên Sinh chia sẻ với báo chí về việc đưa thanh long sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải gánh lỗ bởi các loại chi phí mới phát sinh. Ông Luận thống kê việc đưa 23 container ra biên giới phía Bắc gặp rất nhiều loại chi phí. Ví dụ như đưa xe tới cửa khẩu thì phải làm thủ tục thay đầu kéo container, rồi chi phí kéo container và chi phí đậu bãi cũng khá cao...

Trên những cánh đồng trồng thanh long của bà con nông dân tỉnh Bình Thuận, nhìn bức tranh bề ngoài đã thấy rõ không khí canh tác của người dân đang ở thời kỳ lắng đọng khá sâu, đó là bên cạnh những vườn thanh long đang đến kỳ nở rộ hoa trắng thì có rất nhiều vườn thanh long đang trong tình trạng bỏ hoang, đầy cỏ mọc.

Các doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nằm trên nhiều trục đường, hiện đã đóng cửa. Nhiều hộ nông dân trồng thanh long hy vọng, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu nông sản ấm trở lại và thị trường thanh long tiếp tục khởi sắc.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tại các cửa khẩu phía Bắc như cửa khẩu Tân Thanh, những đoàn xe container chở hàng nông sản ùn ứ thì cách đó 1.700km, tại tỉnh Bình Thuận, người nông dân trên những cánh đồng phải chống cuốc, thở dài, toan tính hướng đi khác. Theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đã giảm tới hơn 936ha. Sau khi bỏ trồng cây thanh long, người nông dân chuyển sang trồng mít, xoài, dừa, hoặc bỏ đất hoang.

Thị trường thanh long gặp khó nên guồng quay chậm lại và nhiều nông dân phải tìm hướng mới. Ông Hồ Anh Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương trồng thanh long nhiều nhất là huyện Hàm Thuận Nam với tổng diện tích là 14.785ha. Những nơi trồng nhiều chừng nào thì vào giờ phút này cũng là nơi bà con nông dân chồng chất nỗi lo.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: “Địa phương đã tìm mọi giải pháp để giải cứu cho nông dân trồng thanh long như: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới tại các nước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam”.

Ấn Độ được nhắc đến là thị trường tiềm năng với dân số 1,4 tỷ người, trái thanh long nằm trong top 10 trái cây tươi được tiêu thụ nhiều ở nước này với mức tăng trưởng hằng năm khoảng 27%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng, thanh long xuất khẩu sang Ấn Độ là không hề đơn giản. Ông Trần Văn Sơn cho biết thêm: “Công ty phải thông qua doanh nghiệp thứ ba để đi hàng hai chiều, nếu đi hàng một chiều thì đôi khi hàng (thanh long) có đi mà tiền không có về”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật