Quốc hội họp bất thường lần thứ 2: Không tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại kỳ họp bất thường thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 1/2023., Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc hội họp bất thường lần thứ 2: Không tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp
Ảnh minh họa

Ngày 23/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do kỳ họp bất thường sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, nên ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung và chương trình kỳ họp phải được truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội có hình thức phù hợp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề thuộc nội dung kỳ họp; các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện và gửi đến đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ngoài ra, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian từ nay đến khi tiến hành kỳ họp còn rất ngắn, công việc cuối năm rất nhiều, vì vậy, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần đề cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất nhằm bảo đảm tổ chức thành công kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội. 

Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, căn cứ vào quy định của Pháp Luật, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV từ ngày 5/1/2023 đến ngày 9/1/2023. Quốc hội họp trù bị vào chiều 4/1/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc là 4 ngày, Quốc hội họp tập trung cả kỳ. 

Tại kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định các nội dung gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; một số vấn đề về tài chính, ngân sách.

Dự kiến chương trình kỳ họp đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị, gửi các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội cùng văn bản triệu tập kỳ họp.

Được biết, tại kỳ họp này, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là nội dung quan trọng nhất được trình Quốc hội.

Trước đó, trình bày tờ trình về nội dung này của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch là phải hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai...

Cũng theo ông Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia đến 2030 cũng hướng đến đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về phát triển các vùng động lực, ông Dũng khẳng định cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia hướng đến lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Liên quan định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, ông Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Đó là: vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP. HCM - Vũng Tàu…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật