Thêm gói trừng phạt Nga, thêm báo động với châu Âu

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đang làm “lung lay“ sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) về các lệnh trừng phạt đối với Nga, giữa bối cảnh gói trừng phạt thứ 9 của khối áp đặt lên Moscow đã được định hình.
Thêm gói trừng phạt Nga, thêm báo động với châu Âu
Các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: CFP
Các nhà lãnh đạo EU hôm 16/12 đã nhất trí với gói trừng phạt thứ 9 áp đạt lên Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine, dự kiến đưa thêm gần 200 người vào danh sách đen của liên minh, cùng lệnh cấm đầu tư vào ngành khai thác mỏ và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác của Nga.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của EU về vấn đề này vẫn diễn ra trong không khí mâu thuẫn gay gắt, chủ yếu giữa các nước Baltic láng giềng của Nga với các quốc gia xa hơn về phía Tây.

Ba Lan và các quốc gia Baltic gần Nga hơn đã đưa ra một đề xuất về các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn, bao gồm cả khí đốt và ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, đồng thời tranh luận chống lại các lệnh miễn trừ, chẳng hạn như việc nhập khẩu thép và kim cương của Nga.

Một số quốc gia trong nhóm này thậm chí muốn EU nhắm mục tiêu vào Gazprombank - trung tâm thanh toán năng lượng cho Nga, trong khi nhiều nước đặc biệt e ngại, vì vậy vấn đề này đã được hoãn thảo luận cho đến cuộc họp của khối vào năm sau.

Một số nước, chẳng hạn như Bỉ, Hy Lạp hay Hungary vốn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đã phản đối các biện pháp sâu rộng hơn. "Ngày càng khó áp đặt các biện pháp trừng phạt đủ mạnh đối với Nga mà không gây thiệt hại quá mức với EU" - Người phát ngôn của Chính phủ Bỉ cho biết trước thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vừa qua.

Phát biểu trong các cuộc đàm phán tuần qua, nhiều nhà ngoại giao và quan chức châu Âu gia tăng báo động rằng khối này đã gần đạt đến giới hạn của mình khi giá năng lượng tăng cao hơn đang thúc đẩy lạm phát. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ví các biện pháp trừng phạt như "những quả bom hủy diệt nền kinh tế".

Edita Hrda, đại sứ tại EU của Cộng hòa Séc - quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên EU - cho biết: "Lúc này, chúng ta cần cẩn trọng với các biện pháp trừng phạt, để chúng không đi quá xa đến mức gây thiệt hại hoàn toàn cho nền kinh tế châu Âu".

"Nếu chúng ta nhất định thúc đẩy một số bước chống lại Nga, điều đó có thể khiến một số nhà lãnh đạo chính trị mất việc. Chúng ta cần cho các nước thời gian để điều chỉnh" - bà Hrda nói thêm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong tháng này nói rằng EU vẫn sẽ "thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga" chừng nào xung đột còn tiếp diễn, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu "dịu giọng" hơn, để ngỏ cơ hội hợp tác kinh tế trở lại với Moscow khi xung đột chấm dứt.

Về phần mình, Nga cũng đưa ra những cảnh báo về gói trừng phạt mới nhất của EU, nhấn mạnh rằng nó sẽ gây thiệt hại cho chính người dân châu Âu.

"Các nhà lãnh đạo EU không thể thoát khỏi vòng hạn chế luẩn quẩn này và né tránh thừa nhận rằng tất cả các biện pháp trừng phạt và chính sách gây áp lực lên Nga đã thất bại" - Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố hôm 17/12 - "Tương tự như các gói trừng phạt trước đó, nó sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và xã hội ở chính EU".

Theo bà Zakharov, các động thái của EU đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, lạm phát tràn lan trên khắp châu Âu và có nguy cơ phá huỷ tiến bộ công nghiệp của khối. Bà Zakharova cũng cho rằng Mỹ là bên hưởng lợi chính từ các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu, trong khi các nền kinh tế mới nổi ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh phải chịu thiệt hại "một cách bất công".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật