5 họa sĩ Tây Nguyên “Gọi bình yên về”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những tác phẩm trưng bày trong triển lãm ’Gọi bình yên về’ cho thấy nỗ lực của 5 họa sĩ Tây Nguyên trên con đường tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật đương đại nhưng vẫn rất truyền thống
5 họa sĩ Tây Nguyên “Gọi bình yên về”
“Mùa thu hoạch“ - tranh sơn dầu của Bùi Văn Quang

Triển lãm mỹ thuật "Gọi bình yên về" với sự đa dạng phong cách của nhóm họa sĩ cùng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam Lê Vấn, Bùi Văn Quang, Hồ Thị Xuân Thu, Nguyễn Vinh và Mai Thị Kim Uyên đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Đến với triển lãm, họa sĩ Bùi Văn Quang mang đến các tác phẩm sơn dầu khai thác các nét đẹp con người và những sinh hoạt đời thường thấm đẫm sự tinh tế, chất thơ. Tranh đạt độ chín mùi về cảm xúc và duyên dáng trong cách tạo hình.

Họa sĩ Bùi Văn Quang sinh năm 1964 tại Nha Trang, tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế, là Chi Hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa. Ông đã tham gia rất nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Khánh Hòa, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bộ sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam...

"Xóm lưng đồi" - tranh lụa của Lê Vấn

Họa sĩ Lê Vấn giới thiệu 27 tác phẩm lụa đặc sắc. Vẫn là đề tài quen thuộc như "Xóm lưng đồi", "Thảo nguyên", "Xóm trên đồi hồng", "Xóm trên đồi xanh", "Nhà cũ trên đồi" … nhưng trên nền lụa truyền thống của vùng đất Quảng Nam, ngôn ngữ tạo hình hiện đại của họa sĩ Lê Vấn khi trầm lắng, lúc rực rỡ làm nổi bật cá tính riêng biệt. Họa sĩ xử lý không gian hội họa bằng cách kết hợp các chi tiết nhỏ với khoảng không lớn, tạo nhịp nghỉ hợp lý trong bố cục, miêu tả tốt không gian vật lý nhưng đồng thời tạo được ấn tượng đa chiều tâm lý cho tranh.

Họa sĩ Lê Vấn sinh năm 1963 ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 1987, đã tham gia rất nhiều triển lãm chung và riêng ở cả trong và ngoài nước, trong đó có thể kể đến các triển lãm "Hình bóng Ban Mê", "Sắc nắng màu mưa"…

"Sợi nắng cuối ngày", tranh sơn mài của Hồ Thị Xuân Thu

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu được coi là người đầu tiên mang sơn mài về với vùng đất Tây Nguyên. Xuất hiện ở triển lãm lần này, rất nhiều tranh sơn mài của nữ họa sĩ có kích thước lớn, lên tới 1,2mx3m như bức "Mùa gió hát" hay "Gọi bình yên về", "Men rừng"...

Các chi tiết trong tranh Hồ Thị Xuân Thu được sắp xếp khi thì buông lơi, lúc lại rất có chủ ý, tạo nên sự hài hòa giữa chặt chẽ và ngẫu nhiên, truyền thống và hiện đại. Công chúng yêu nghệ thuật bất ngờ với tay nghề sơn mài của người nữ họa sĩ được mệnh danh là suốt đời vì yêu mà hát những khúc ca từ núi rừng Tây Nguyên, sẵn sàng vượt qua muôn vàn thách thức của "Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài" để đưa vào tác phẩm những nét đẹp dung dị, đời thường nhưng cũng đẹp lung linh, lộng lẫy của đại ngàn.

Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại TP Huế, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2000. Bà tham dự rất nhiều triển lãm mỹ thuật Việt Nam và quốc tế. Bà đã tổ chức 2 triển lãm cá nhân đều mang chủ đề "Sắc màu Cao nguyên" tại Hà Nội và TP HCM.

"Phố mây" - điêu khắc của Nguyễn Vinh

Họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Vinh được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật biết đến bởi rất nhiều tác phẩm đoạt giải trong các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Vinh được bạn bè trong giới ví von tựa như những bước chân rong chơi không bao giờ mỏi mệt, với cách nhìn phóng khoáng, nội tâm sâu sắc, giàu cảm xúc. Cách tạo hình với các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Vinh mạnh mẽ, khúc chiết, đường nét bố cục gọn, đẹp, chặt. Ngoài việc khẳng định ngôn ngữ hiện đại, Nguyễn Vinh còn độc đáo với sơn ta trên một số tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa giữ gìn truyền thống văn hóa.

Nguyễn Vinh sinh năm 1983 tại Hoài Nhơn, Bình Định, hiện sống tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, là Phó Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai.

Họa sĩ Uyên Mai sinh năm 1986 tại Núi Thành, Quảng Nam, hiện cư trú tại TP Pleiku, Gia Lai. Chị tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế, được họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu dìu dắt tận tình trên con đường đi tìm ngôn ngữ thể hiện cái đẹp.

"Nhịp điệu Tây Nguyên" - tranh sơn mài của Uyên Mai

Uyên Mai giới thiệu tới công chúng những nét đẹp thanh thoát, yêu kiều, nhẹ nhàng, quyến rũ, trau chuốt, tỉ mỉ, tạo hình dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng, kết hợp với góc nhìn cá nhân pha chút đương đại, giao thoa văn hóa Đông – Tây trong nhiều tác phẩm như "Khúc giao thừa", "Món quà từ trần gian", "Men đời"...

"Gọi bình yên về" đã cho thấy nỗ lực của 5 họa sĩ trên con đường tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật biểu đạt những nét đẹp đương đại, đồng thời mỗi cá nhân đều hướng tới giữ gìn giá trị truyền thống. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 14/12.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật