Nỗ lực chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, trong tháng 10 này, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam tiếp tục kiểm tra kết quả thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Nỗ lực chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp
Ngư dân tỉnh Bình Định kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, theo dõi nhật ký đánh bắt trước lúc ra khơi. Ảnh: NGỌC OAI

Đây là động thái nhằm gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam mà EC đã cảnh báo cách nay 5 năm. Các địa phương cũng đã và đang tiếp tục nỗ lực để kiểm soát IUU.

Đau đầu với tàu cá “lưu vong”

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… là những địa phương có đội tàu cá đánh bắt xa bờ thường trực với số lượng lớn nhất ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở vào phía Nam. Những năm qua, khi quy định IUU được kích hoạt, hoạt động đánh bắt của ngư dân dần được kiểm soát, nhưng vẫn tồn tại những tàu cá vượt biên bị lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ.

Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Bình Định ban hành đến 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 23,4 tỷ đồng và quyết định tịch thu, bán sung công quỹ nhà nước 2 tàu cá bị nước ngoài bắt và được thả về. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bình Định vẫn còn một số tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, đánh bắt trên vùng biển chồng lấn…

Tương tự, Bình Thuận là một trong 3 ngư trường trọng điểm cả nước, với 7.500 tàu cá, gần 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ nỗ lực ngăn chặn vi phạm IUU nên từ giữa năm 2021 đến nay cũng chỉ tái diễn một số ít tàu cá vượt biên đánh bắt bị nước ngoài bắt giữ…

Qua ghi nhận, những tàu cá vi phạm đều neo trú ở các vùng biển phía Nam, nhiều năm không về lại địa phương để khai báo, thực hiện các quy định IUU; có tàu không lắp đặt giám sát hành trình; nhiều tàu cá chuyển nhượng cho người ngoài địa phương nhưng không báo để thay đổi số đăng ký, ký hiệu quy ước... Theo điều tra của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, số tàu cá “lưu vong” của tỉnh là gần 1.500 tàu, trong đó 1.000 tàu chủ yếu ở biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Đối tượng nguy cơ cao vượt biên đánh bắt trái phép là các tàu cá dưới 15m đánh bắt vùng lộng, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.

Còn theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, số tàu cá của tỉnh vi phạm được phát hiện đều ở ngoài địa phương. Hiện tỉnh đã lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là tàu cá thường xuyên lưu trú, hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá không đăng ký... để đưa vào diện giám sát đặc biệt. Trong đó, ngoài việc xử phạt hành chính theo khung Pháp Luật quy định còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Kiểm soát đồng bộ từ bờ ra biển

Trước nhiệm vụ cấp bách khắc phục “thẻ vàng”, từ nhiều năm qua, các địa phương đã triển khai rất quyết liệt quy định IUU, trong đó tập trung các chính sách, hướng dẫn, tuyên truyền để thay đổi ý thức, đảm bảo quyền lợi cho ngư dân.

Ngư dân Trần Văn Thời (ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: “Khi đánh bắt theo quy định thì thủ tục đăng ký ra vào cảng rất nhanh. Ngoài ra, hải sản được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bán ra đảm bảo minh bạch. Việc đánh bắt có nghĩa vụ, trách nhiệm còn tạo điều kiện để ngư dân thuận lợi hưởng được các chính sách, ưu đãi của Nhà nước”.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, thời gian qua, trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng tàu cá bị mất tín hiệu khi khai thác trên biển. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác IUU của địa phương. Qua đó, ngành thủy sản Bình Thuận đề nghị các nhà cung cấp, nhà mạng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc khắc phục lỗi kỹ thuật các thiết bị giám sát hành trình.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu hải sản đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ tiêu này muốn thực hiện bền vững phụ thuộc rất lớn vào quá trình khắc phục “thẻ vàng” của EC.

“Hiện các mặt hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ đều bị làm khó bởi vướng quy định IUU, bị kiểm soát rất chặt. Vì vậy, việc gỡ “thẻ vàng” EC, chống đánh bắt IUU không chỉ giúp ngành thủy sản, giúp các doanh nghiệp thủy sản, mà chính yếu giúp cho các ngư dân có thu nhập tốt hơn”, bà Sắc nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, công tác IUU cần phải được thực hiện đồng bộ, linh hoạt để tạo ra sức mạnh tổng thể. Trong đó, cần chú trọng vận động, tuyên truyền đến chính các chủ tàu, thuyền trưởng, những người trực tiếp điều khiển con tàu, chỉ huy đội thuyền viên đánh bắt.

Vấn đề cốt yếu nằm ở chính ngư dân nên cần phải được tuyên truyền nhiều hơn nữa, bằng nhiều hình thức để họ thấm thía và hiểu vì sao chính quyền, Nhà nước phải ra sức để thực hiện quy định IUU, khắc phục “thẻ vàng”; làm sao để họ thay đổi được nhận thức, khi đó mới giải quyết dứt điểm được căn cơ các tồn tại, bất cập.

Xác minh đường dây môi giới đánh cá trái phép

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh phía Nam tăng cường công tác nắm bắt tình hình, điều tra, xác minh và lập chuyên án đấu tranh với các đường dây tổ chức môi giới tàu cá ra nước ngoài đánh bắt trái phép.

Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phối hợp các đơn vị liên quan để điều tra, xác minh một số đối tượng nghi vấn hoạt động móc nối, môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân vượt biên đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật