Những cuộc đàm phán bí mật bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên 20 năm trước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
20 năm trước, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Triều Tiên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với hy vọng tìm ra giải pháp “phá băng” quan hệ giữa 2 nước. Một cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản đã bí mật tham gia các cuộc đàm phán xung quanh hội nghị và tiết lộ những câu chuyện ở hậu trường.
Những cuộc đàm phán bí mật bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên 20 năm trước
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Junichiro gặp nhau tại Bình Nhưỡng tháng 9-2002

Một năm trước hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên, ông Tanaka Hitoshi được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2001). Ông là quan chức ngoại giao phụ trách công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Bình Nhưỡng của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi Junichiro. Thời gian đó, ông Tanaka đã có nhiều cuộc thảo luận với Thủ tướng Koizumi về những mối quan tâm ngoại giao hàng đầu liên quan đến Triều Tiên. “Tôi đã nói với Thủ tướng về mong muốn tạo ra một bước đột phá trên bán đảo Triều Tiên và hỏi liệu có thể xúc tiến vấn đề liên quan đến các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản hay không?”. Thủ tướng trả lời là “Có” và chỉ thị cần giữ bí mật an toàn, vì tính mạng có thể bị đe dọa” - quan chức này nhớ lại.

Các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản là một nút thắt ngoại giao kéo dài giữa 2 nước. Chính phủ Nhật Bản cho biết, ít nhất 17 công dân nước này đã bị các điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 - 1980. Gia đình các con tin đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ đưa người thân của họ trở về. Vào cuối những năm 1990, thông tin mới cho thấy việc bắt cóc mang tính hệ thống, khiến dư luận càng đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, ông Tanaka bí mật gần như mỗi tuần một lần đến một nước thứ ba để gặp các quan chức Triều Tiên. Các cuộc đàm phán chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc, trong các khách sạn ở thành phố Đại Liên hoặc Thủ đô Bắc Kinh. Vào tháng 10-2001, ông đã gặp một người đàn ông tại khách sạn Shangri-la ở thành phố Đại Liên, người đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường cho hội nghị thượng đỉnh.

Nhà đàm phán bí ẩn

Người đàn ông tự giới thiệu tên là Kim Chol, đến từ Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Đại diện ngoại giao Nhật Bản nhận ra đối tác đã che giấu danh tính thực của mình, bởi ông ta có lần mặc một chiếc áo khoác đen dày nhưng để lộ bên trong là bộ quân phục có nhiều huân chương. “Tôi nghĩ ông ấy đặt cả tính mạng của mình trong cuộc đàm phán này. Ông ấy nói rằng mình là một quân nhân, vì vậy phải chịu trách nhiệm nếu những cuộc đàm phán này không thành công. Mà đàm phán thất bại đôi khi đồng nghĩa với những hậu quả vô cùng tồi tệ” - ông Tanaka Hitoshi kể.

Yêu cầu đầu tiên của đoàn đàm phán Nhật Bản khi đó là trả tự do cho 1 công dân Nhật Bản đang bị giam giữ ở Triều Tiên vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Yêu cầu này có độ khó vừa đủ, là cách để đánh giá xem đối tác có đáng để thương lượng hay không. Ngay sau khi ông Tanaka đưa ra yêu cầu đó, công dân Nhật Bản đã được thả sau hơn 2 năm bị giam giữ. Điều này khiến ông Tanaka tin rằng người đồng cấp của mình đủ thân thiết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Cho đến ngày nay, danh tính thực sự của nhà đàm phán Triều Tiên (sau đây được gọi là ông X) vẫn chưa được biết. Cựu quan chức Triều Tiên Tae Yong-ho - người đã đào tẩu và hiện là chính trị gia Hàn Quốc - nói rằng, ông X có khả năng làm việc cho Cục An ninh quốc gia Triều Tiên. Ông Tae phân tích: “Tôi tin rằng, nhà đàm phán có mối quan hệ rất thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Ở Triều Tiên, nơi ở của những người Nhật Bản bị bắt cóc không được chia sẻ với các nhân viên của Bộ Ngoại giao. Chỉ có Cục An ninh quốc gia mới có thông tin đó”.

Ông Isozaki Atsuhito - một chuyên gia về quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên tại Đại học Keio lại phán đoán rằng, người đàm phán bí ẩn có thể là ông Ryu Gyong. Đó là một quan chức lãnh đạo lực lượng cảnh sát mật của Triều Tiên, dù rằng không có bằng chứng cụ thể để chứng minh điều đó. Trong cuộc phỏng vấn riêng với đài truyền hình NHK, ông Tanaka được hỏi rằng, liệu ông có tin nhân vật X thực sự là ông Ryu Gyong hay không? Nhà ngoại giao kỳ cựu tiết lộ, ông biết đến giả thuyết này nhưng không thể xác nhận tính xác thực của nó. “Ông X không bao giờ tiết lộ tên thật của mình. Sau này, khi nghe tin người đó bị hành quyết, tôi vô cùng xúc động”.

Thủ tướng Koizumi Junichiro (bên trái) cùng quan chức ngoại giao Tanaka Hitoshi (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Nhật Bản năm 2002

Thủ tướng Koizumi “bật đèn xanh”

Ông Tanaka cuối cùng đã bắt tay thực hiện nhiệm vụ quan trọng vào năm 2002. Phía Triều Tiên dường như chỉ tập trung vào viện trợ kinh tế từ Nhật Bản, còn đại diện Nhật Bản nhấn mạnh vào “bức tranh lớn” là đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Tôi nói với ông ấy rằng, điều chúng tôi muốn là hòa bình và sẵn sàng đàm phán vì mục tiêu đó. Nhưng bên cạnh cung cấp hỗ trợ kinh tế thì Nhật Bản không thể không giải quyết các vấn đề về các vụ bắt cóc và vũ khí hạt nhân” - ông Tanaka kể.

Thực tế, nhà đàm phán Tanaka và người đồng cấp đã tổ chức khoảng 30 cuộc họp bí mật, nhưng họ thường bị đình trệ ở những điểm nhạ‌y cả‌m. Ví như khi ông hỏi thông tin về tình trạng sức khỏe của những người bị bắt cóc trước chuyến thăm của Thủ tướng Koizumi, phía Triều Tiên đã bác bỏ ý kiến này và đe dọa sẽ không đàm phán. “Họ nghi ngờ rằng Nhật Bản chỉ muốn phơi bày vấn đề những người bị bắt cóc trên toàn cầu và Thủ tướng Nhật Bản không có ý định thực sự đến thăm Triều Tiên. Lúc đó, tôi cảm tưởng như tất cả đã kết thúc” - ông Tanaka nói. Nhưng Thủ tướng Koizumi đã nhanh chóng hành động. Khi báo cáo tình hình bế tắc với Thủ tướng, ông Tanaka đã nhận được phản hồi bất ngờ. Thủ tướng hỏi: “Này ông Tanaka, khi nào thì tôi đi?”. Ông ấy nói như thể chuyến thăm Bình Nhưỡng đã được quyết định. Tôi tin rằng, ông ấy biết toàn bộ câu chuyện về bắt cóc công dân sẽ bị chôn vùi trong bóng tối nếu không đi lần này. Nếu ông ấy nói, hãy để tôi suy nghĩ kỹ thêm về điều này thì có lẽ mọi việc sẽ kết thúc theo cách khác.

Tháng 8-2002, Thủ tướng Koizumi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ George W. Bush và có ông Tanaka ở bên. “Tổng thống Bush nói với ông Koizumi rằng không phản đối những điều Nhật Bản nêu. Như đã bàn từ trước, Thủ tướng nói không bao giờ làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Chúng ta là đồng minh, nhưng chúng ta có những lợi ích khác nhau. Nhật Bản có chương trình nghị sự riêng và vấn đề bắt cóc là chương trình nghị sự mà chúng tôi phải tự giải quyết”.

Năm công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trở lại Nhật Bản tháng 10-2002

Bước đột phá lớn

Vào ngày 17-9-2002, ông Tanaka tháp tùng Thủ tướng Koizumi tới Bình Nhưỡng. Phiên họp buổi chiều hôm đó đã có một bước đột phá lớn. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il lần đầu tiên thừa nhận rằng, Triều Tiên đứng sau các vụ bắt cóc và xin lỗi về vấn đề này. Trong một tuyên bố chung, Nhật Bản bày tỏ “hối hận và xin lỗi” về những thiệt hại và đau khổ đã gây ra trong quá khứ trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Triều Tiên hứa sẽ không còn vụ bắt cóc nào nữa. Họ cũng nhất trí giải quyết các vấn đề hạt nhân, tên lửa, cũng như hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao càng sớm càng tốt. Cùng ngày hôm đó, một thông tin chấn động được tiết lộ, đó là 5 người Nhật Bản bị bắt cóc còn sống và 8 người đã chết. 5 người sau đó được phép tạm thời trở lại thăm Nhật Bản rồi quay lại Triều Tiên nếu họ muốn. Những tranh luận gay gắt đã diễn ra, rằng Nhật Bản sẽ giữ những người này mãi mãi hay đưa họ trở lại Triều Tiên như đã hứa? Nếu không giải quyết tốt, cả quá trình đàm phán sẽ sụp đổ.

Thời gian sau, thông tin về cái chết của một số người bị bắt cóc được truyền thông Nhật Bản đưa tin rầm rộ, làm dấy lên sự giận dữ của công chúng đối với Triều Tiên. Sự phẫn uất đó cũng đè nặng lên Tanaka và những cuộc thương lượng bí mật của ông. Ông Isozaki - chuyên gia về quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên tin rằng, các cuộc đàm phán bí mật là rất cần thiết nếu đạt được kết quả. Ông nói: “Ít nhất, đây là thành tựu duy nhất về vấn đề bắt cóc con tin trong vòng 20 năm qua. Kể từ đó, không có người bị bắt cóc nào khác được trao trả”.

Ông Tanaka cuối cùng bị ám ảnh bởi những lời chỉ trích và thôi chức, không còn làm ở Bộ Ngoại giao từ năm 2005. Rút ra bài học từ sự nghiệp của chính mình, ông nói: “Dù là nhà ngoại giao hay chính trị gia, chúng ta phải luôn đòi hỏi thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp nhất. Tôi tin rằng, các quan chức chính phủ không nên bị ảnh hưởng bởi dư luận”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật