Cơn địa chấn ở Italia

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, sự kiện Liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italia (FdI) của bà Giorgia Meloni lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử vào cuối tháng 9 vừa qua được xem là ’cơn địa chấn’ ở Italia nói riêng và toàn châu Âu nói chung.
Cơn địa chấn ở Italia
Bà Giorgia Meloni - lãnh đạo đảng Anh em Italia (FdI) phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Thủ đô Rome, ngày 26/9/2022. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử vào ngày 25/9 vừa qua, liên minh cánh hữu do đảng FdI của bà Giorgia Meloni đã giành được khoảng 44% số phiếu ủng hộ và chiếm đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện khóa mới. Kết quả này đã “mở đường” cho bà Giorgia Meloni (sinh năm 1977) trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italia. Truyền thông quốc tế những ngày qua liên tục đăng tải các bài viết phản ánh rằng, chính trường châu Âu đang gia tăng lo ngại về sự trỗi dậy của phe cực hữu, trong bối cảnh “lục địa già” đang đối diện với các cuộc khủng hoảng đan xen.

Cùng chung quan ngại với châu Âu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho thấy nhiều phần lo ngại về sự thay đổi chính trị ở Italia. Dẫu vậy, trong một tuyên bố mới đây, Nhà Trắng (Mỹ) bày tỏ, thắng lợi của bà Giorgia Meloni phản ánh ý chí của người dân Italia. Mỹ tin tưởng rằng, nước này vẫn sẽ là một đối tác kiên định với phương Tây.

Giới phân tích chính trị phương Tây nhìn nhận, kể từ Thế chiến thứ hai, đây là lần đầu tiên phe cực hữu của Italia giành được chiến thắng để trực tiếp dẫn dắt đất nước. Điều này được coi là một “cơn địa chấn” chính trị ở Italia và kéo theo xu hướng lo ngại bao trùm phương Tây. Ở một diễn biến liên quan, các phe cực hữu ở Hungary và Thủy Điển mới đây cũng đã giành chiến thắng trong bầu cử, cộng hưởng với chiến thắng của phe cực hữu Italia khiến mối lo ngại của châu Âu và Mỹ ngày càng lớn.

Các học giả chính trị chỉ ra rằng, hiện nay, sự đoàn kết của phương Tây vẫn đang được duy trì. Song, hàng loạt biến động chính trị ở các cường quốc thời gian gần đây tiềm ẩn nguy cơ rạn nứt sự đoàn kết, bởi các chính quyền mới đều cho thấy những đường hướng lãnh đạo có phần đối lập với các chính quyền tiền nhiệm.

Điển hình trong đó, các hãng thông tấn lớn của thế giới gần đây đăng tải nhiều bài viết dẫn lời giới chức và chuyên gia Mỹ cho thấy những lo ngại về việc bà Meloni khi đảm nhiệm chức Thủ tướng Italia có thể phá vỡ cam kết của nước này với lập luận rằng, nguồn lực của quốc gia nên được sử dụng phục vụ cho người dân trong nước. Điều này sẽ khiến châu Âu “nóng ruột”, bởi thời gian tới, châu lục nhiều khả năng rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Trong khi đó, một nước xa rời tập thể thì sẽ có những nước khác làm theo, khiến mối liên kết của châu lục suy yếu.

Giới phân tích cho rằng, Italia vốn có một lịch sử chính trị tương đối bất ổn. Cụ thể, từ năm 1946 đến nay, tức 76 năm đã có tới 68 lần thay đổi chính phủ. Trước mắt, chính phủ mới của Italia được dự báo vẫn sẽ duy trì các cam kết với quốc tế, tiếp tục một số chính sách, chiến lược của chính quyền tiền nhiệm, nhưng nhiều khả năng sẽ không quá “mặn mà”. Bà Meloni - người đang có nhiều khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italia kể từ năm 1861 đã thẳng thắn thừa nhận rằng, đất nước đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Đòi hỏi Italia phải gây sức ép với châu Âu để áp giá trần khí đốt nhập khẩu; cắt giảm thuế; thận trọng đối với tài chính công; cải cách chính sách tài chính mới…

Đặc biệt, giới quan sát chỉ ra rằng, bà Meloni là người có quan điểm phản đối khá gay gắt các chính sách nhập cư của Italia (nước cửa ngõ của châu Âu) trong nhiều năm qua. Bà Meloni từng chỉ trích rằng, các chính sách của những chính quyền tiền nhiệm biến Italia thành trại tị nạn của châu Âu. Vì vậy, dự báo tới đây, khi bà Meloni làm thủ tướng, nhập cư sẽ là một trong những lĩnh vực được thay đổi nhiều nhất, từ đó tạo ra những thay đổi có thể mang tính căn bản trong hàng loạt vấn đề đối với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Điều này được nhận định là một trong những yếu tố tạo nên hoài nghi về việc phương Tây có thể đối diện với một giai đoạn rạn nứt liên quan tới ý chí chung trong hàng loạt vấn đề quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật