Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Tấm bia nào cổ nhất ?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao đời qua, danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) luôn chất chứa nhiều điều bí ẩn về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng...
Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Tấm bia nào cổ nhất ?
Bia Phổ Đà sơn linh trung Phật tại động Hoa Nghiêm - Ngũ Hành Sơn

Tự thân mỗi ngọn núi đá mang trong mình nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử mở cõi, lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Việt - Trung... Báo xin giới thiệu đến độc giả loạt bài kể những câu chuyện thú vị xung quanh danh thắng đặc biệt này.

Ở ngọn Thủy Sơn (Ngũ Hành Sơn) có 2 tấm bia ký cổ được tạc lên vách đá cách nay khoảng 400 năm, đó là Phổ Đà sơn linh trung Phật (động Hoa Nghiêm) và Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (động Vân Thông). Vậy trong 2 tấm bia ký này, đâu là “anh”, đâu là “em”?

Nhiều ý kiến trái chiều

Các tài liệu đề cập đến 2 tấm bia ký này không thể không nhắc đến vai trò của bác sĩ A.Sallet, bởi ông là người đã có công đầu dịch 2 tấm bia này ra tiếng Pháp trong biên khảo Les Montagnes de Marbre (Ngũ Hành Sơn) đăng trên Những người bạn cố đô Huế (năm 1924). Cả 2 bia đều do nhà sư Huệ Đạo Minh lập. Theo đó, A.Sallet còn ước định bia Ngũ Uẩn sơn lập tháng 10 năm Tân Vị (năm 1691), bia Phổ Đà sơn lập mùa đông năm Canh Thìn (năm 1700).

Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau đã khẳng định lại thời điểm lập bia Phổ Đà sơn là vào năm Canh Thìn (1640). Nội dung bia ghi lại danh sách 53 tín hữu đã cúng hàng ngàn quan tiền, hàng chục lạng bạc nén và hàng trăm cân đồng để xây dựng chùa Bình An (ngọn Thủy Sơn). Còn tấm bia Ngũ Uẩn sơn được cho là lập vào tháng 10 năm Tân Tỵ (1641), sau bia Phổ Đà Sơn 1 năm. Dù vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn tiếp tục có những ý kiến trái chiều và cho rằng Ngũ Uẩn Sơn mới là tấm bia “lớn tuổi” hơn và trở thành cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn.

“Đúng là đang có ý kiến khác nhau về niên đại dựng 2 tấm bia. Thực ra, đây cũng là chuyện thường tình trong nghiên cứu khoa học lịch sử. Vấn đề mấu chốt là xác định cho đúng niên đại khởi dựng từng tấm bia để kết luận đâu là tấm bia xưa nhất, cổ hơn”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nói. Ông cho rằng A.Sallet đã căn cứ vào niên đại Canh Thìn và niên đại Tân Vị (Tân Mùi) khắc trên 2 tấm bia đá để ước đoán rằng bia Phổ Đà sơn được khởi dựng vào năm 1700 và tấm bia Ngũ Uẩn sơn được khởi dựng vào năm 1691.

“Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ nhiều thông tin khác có liên quan khắc trên 2 tấm bia, có thể thấy giả định của A.Sallet không chính xác, từ đó nhiều nhà nghiên cứu thống nhất khẳng định tấm bia Phổ Đà sơn được khởi dựng vào năm Canh Thìn 1640 và tấm bia Ngũ Uẩn sơn được khởi dựng vào năm Tân Vị/Tân Mùi 1631”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Trả lại “năm sinh” cho bia cổ

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho biết thời điểm khởi dựng tấm bia Phổ Đà sơn hầu như đã được thống nhất cao. Riêng thời điểm khởi dựng tấm bia Ngũ Uẩn sơn thì còn một số người chưa đồng tình và cho rằng tấm bia này được khởi dựng vào năm Tân Tỵ 1641. Từ đó, suy ra tấm bia Phổ Đà sơn có trước tấm bia Ngũ Uẩn sơn 1 năm. “Thực ra, mặc dầu tấm bia Ngũ Uẩn sơn không còn nguyên vẹn nhưng vẫn có thể đọc rõ niên đại khởi dựng được khắc ngay trên hiện vật là Tân Vị. Niên đại Tân Tỵ chủ yếu do suy luận từ niên đại Canh Thìn 1640 chứ không phải do được thể hiện trên bia. Tóm lại tấm bia Ngũ Uẩn sơn mới là tấm bia xưa nhất, cổ hơn, được khởi dựng trước tấm bia Phổ Đà sơn 9 năm”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Đà Nẵng, cho biết thêm Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc là một trong những văn bia có niên đại sớm ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng còn lại đến nay trên thực địa. Đây cũng là văn bia ma nhai có đồ họa trang trí cổ - dị với mái chùa biểu trưng của Phật giáo đang hoằng dương ở vùng đất xứ Quảng đương thời. Hiện có 2 trường hợp khác nhau về niên đại của văn bia này, trong đó có nhiều hồ sơ di tích, bài viết ghi theo niên đại năm Tân Tỵ 1641.

Tuy nhiên, từ những nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Hoàng Thân khẳng định văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc được nhà sư Huệ Đạo Minh dựng từ năm Mùi chứ không phải là năm Tỵ và có niên đại là năm 1631. “Có lẽ những người theo quan điểm niên đại 1641 là do có sự nhầm lẫn từ “tân-vị” (1631) thành “tân-tỵ” (1641) chăng?”, ông Thân đặt nghi vấn. Ông cũng khẳng định bia Ngũ Uẩn sơn có niên đại 1631 là kết quả nghiên cứu khách quan và khả tín, kiến nghị mọi người sử dụng. “Cần phải trả lại và sử dụng chính xác “năm sinh” thực tại của nó là 1631 chứ không phải là cái năm 1641 mà lâu nay chúng ta nhầm tưởng”, ông Thân nói thêm.

Về vai trò tấm bia Ngũ Uẩn sơn cùng với “người em ruột” là tấm bia Phổ Đà sơn đối với Ngũ Hành Sơn, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận định đây là nguồn thông tin rất quý giá để góp phần phục dựng một cách chân thật nhất tấm “căn cước lịch sử - văn hóa” của di tích quốc gia đặc biệt này. Những thông tin còn lưu giữ trên 2 tấm có thể giúp hậu thế hình dung quá trình hình thành và phát triển các cổ tự ở Ngũ Hành Sơn với tư cách một trung tâm Phật giáo Đàng Trong đương thời.

“Đồng thời, có thể giúp hậu thế hình dung quá trình hình thành và phát triển đất và người Ngũ Hành Sơn qua các tên đất, tên người; sự hiện diện và đóng góp công đức hoằng dương Phật pháp của các thương nhân người Nhật và người Hoa ở Hội An nói riêng và ở đất Quảng nói chung”, ông Tiếng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật