Giá phân bón vượt mốc kỷ lục 1 triệu đồng/bao: Nông dân chưa làm đã thấy... lỗ (bài 1)

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo thông tin của PV Báo , giá phân bón urê tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lần đầu tiên vượt đỉnh, tăng lên tới hơn 1 triệu đồng/bao (loại 50kg), tương đương tới 20.000 đồng/kg. Nhiều nông dân chưa làm đã thấy trước cảnh... thua lỗ.
Giá phân bón vượt mốc kỷ lục 1 triệu đồng/bao: Nông dân chưa làm đã thấy... lỗ (bài 1)
Anh Nguyễn Văn Trọng (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) xuống giống vụ đông xuân 2021 – 2022 dù giá phân tăng kỷ lục. Ảnh: Trần Đáng.

Nông dân ĐBSCL đang bước vào những vụ sản xuất cuối năm, cần hàng trăm nghìn tấn phân đạm (u-rê) để sản xuất. Thời điểm này, giá bán phân urê đã vượt mốc 1 triệu đồng/bao. Nông dân đang quay quắt giải bài toán lời - lỗ khi giá phân bón tăng kỷ lục.

Ông Ba Be (Trần Văn Nghị, thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), một nông dân trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười tính, với giá phân bón tăng ngất ngưỡng như hiện nay, vụ lúa đông xuân này, ông phải đầu tư trội thêm hơn 100.000 đồng/công lúa (1.000m2).

Giá lúa chưa tới 5.000 dồng/kg, giá phân bón gấp 4 lần tăng tới... 20.000 đồng/kg

Theo đó, trung bình ông Ba Be bón 10 bao phân/ha/vụ lúa. Trong đó, 4 bao DAP, 4 bao urê và một số phân bón khác. Với giá tăng cao như hiện nay, riêng chi phí mua phân urê đã hết 4 triệu đồng, chưa kể các loại phân bón khác.

Hiện, vụ đông xuân này gia đình ông Ba Be làm 70ha lúa, riêng tiền mua phân urê, ông đã phải bỏ ra tới 280 triệu đồng.

Trong khi đó, vụ hè thu trước, mấy trăm tấn lúa nếp của ông Ba Be vẫn còn chất đầy bồ chưa bán được bởi giá quá thấp chưa tới 5.000 đồng/kg.

Theo ông Ba Be, nông dân trồng lúa bước vô vụ không thể buông được. Nên giá phân, thuốc có tăng ra sao nông dân cũng phải bấm bụng trồng lúa.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất xấu đi với nông dân trồng lúa không chỉ dừng lại ở việc phân bón tăng giá mạnh. Giá lúa thời gian qua cũng khá thấp khiến nông dân trồng lúa không thấy "cửa lời".

Tại Tiền Giang, hiện toàn tỉnh này đã xuống giống lúa đông xuân 2021 - 2022 trên 25.242ha.

Đang hì hục làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân, ông Trần Văn Sơn (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết, vụ này gia đình ông gieo sạ giống lúa Hương Châu 6.

Dù vậy, ông Sơn cũng như các chủ ruộng khác đang rất lo lắng khi giá phân bón tăng quá cao.

"Vài hôm nữa tôi sẽ xuống giống. Tôi đang định gọi đại lý chở phân để rải cho lúa. Tuy nhiên, tôi nghe đại lý báo giá phân urê hơn 1 triệu đồng/bao. Giá phân bón cao kiểu này thì rất lo. Vì chưa làm đã thấy lỗ", ông Sơn tâm tư.

Không chỉ có cây lúa, nhiều loại nông sản khác cũng đang vào vụ tết, nông dân cần phân bón để bón cho cây.

Tại vùng chuyên canh trồng thanh long của huyện Châu Thành (Long An), nông dân đang vào vụ xông đèn cho thanh long ra trái.

Theo ông Nguyễn Minh Nhật, một nông dân trồng thanh long, từ khi thanh long ra hoa đến khi trái chín, nông dân cứ 7 ngày lại bón phân/lần.

"Tính ra, đầu tư một công thanh long mất khoảng 10 triệu đồng. Trong đó, tiền phân là chính", ông Nhật thổ lộ.

Không chỉ có lúa, nông dân trồng thanh long cũng đang chịu áp lực lớn do gái phân tăng cao. Ảnh: Trần Đáng.

Cũng theo ông Nhật, với giá phân bón hiện nay, để kiếm lời nông dân trồng thanh long không chỉ đạt đầu tấn mà giá thanh long phải trên 10.000 đồng/kg.

"Kiểu này thì chưa làm đã biết là lỗ nặng rồi", ông Nhật than thở. Theo thống kê, hiện, tỉnh Long An đang có gần 12.000ha thanh long.

Giá phân bón đã "đụng nóc"?

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, vụ lúa đông xuân 2021-2022, riêng khu vực ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,52 triệu ha.

Căn cứ vào diện tích xuống giống như nêu trên, ông Tùng cho biết, nhu cầu phân bón đơn đối với chủng loại phân đạm trong vụ đông xuân 2021-2022 hơn 297.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu phân đạm trong sản phẩm phân hỗn hợp (NPK) là hơn 185.000 tấn.

Như vậy, tổng nhu cầu của chủng loại phân đạm (bao gồm phân đơn và hỗn hợp) trong vụ đông xuân 2021-2022 khoảng 482.000 tấn.

Ngoài phân đạm, nhu cầu phân đơn đối với chủng loại lân Văn Điển và Kali trong vụ đông xuân 2021-2022 lần lượt hơn 552.000 tấn và 77.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu chủng loại phân DAP và kali trong sản phẩm phân hỗn hợp (NPK) ở vụ đông xuân 2021-2022 lần lượt là 198.000 và 77.000 tấn.

"Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng phân bón phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2021-2022 lớn như nêu trên, việc giá sản phẩm này tăng cao thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung"- ông Tùng nói.

Cuốn theo giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Ảnh: Nông dân xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) xịt thuốc sâu trên đồng ruộng. Ảnh: Trần Đáng.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại Khu công nghiệp Đức Hòa (Đức Hòa, Long An) cho biết, hiện 3 loại phân bón, gồm: Urê, DAP, kali thường được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nước ta chỉ chủ động được nguồn phân urê.

Tuy nhiên, giá phân urê trong nước hiện đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Riêng nguồn phân kali thì phụ thuộc 100% vào nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 3,8 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỷ USD, giá trung bình 301,5 USD/tấn, tăng 20,4% về khối lượng, tăng 46,8% về kim ngạch và tăng 21,9% về giá so với 10 tháng năm 2020.

Riêng tháng 10/2021 tăng 45,3% về lượng, tăng 68,5% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với tháng 9/2021, đạt 376.498 tấn, trị giá 148,13 triệu USD, giá trung bình 393,4 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, trong tháng 10/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng trở lại 30,4% về lượng, tăng 52% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 9/2021, đạt 143.694 tấn, tương đương 55,72 triệu USD, giá 387,8 USD/tấn.

Tính chung, cả 10 tháng năm 2021 nhập khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá 490,31 triệu USD, giá trung bình 288,8 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 28,9%, 63,7% và 26,9%, chiếm 44,6% trong tổng lượng và chiếm 42,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật