GS Ngô Bảo Châu: “Tôi không quá quan trọng kết quả học, điểm số của con mình”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong lần hiếm hoi nói về gia đình và việc giáo dục con, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông không quá quan trọng kết quả học tập, điểm số xuất sắc của con mình mà là những điều quan trọng khác.
GS Ngô Bảo Châu: “Tôi không quá quan trọng kết quả học, điểm số của con mình”
GS Ngô Bảo Châu: “Trẻ cần sống cuộc sống của trẻ con“

Tối ngày 8.10, trong hội nghị trực tuyến "Sáng tạo là kỷ nguyên tiếp theo của trí tuệ" do Embassy Education tổ chức, GS Ngô Bảo Châu đã có lần hiếm hoi chia sẻ về việc giáo dục con cái của gia đình.

Trẻ cần được sống cuộc sống của trẻ con

Chia sẻ về việc giáo dục con cái, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông không rõ là quan niệm của vợ chồng ông về việc dạy dỗ con cái có giống mọi người không. Ông cũng không đảm bảo suy nghĩ, phương pháp dạy dỗ con cái của vợ chồng ông là đúng, tốt nhất hay nhất. Ông cũng nghĩ có nhiều cha mẹ nghiêm khắc với con cái mình hơn, kết quả học tập xuất sắc, vượt trội hơn con cái ông.

Thay vào đó, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Tôi không quá quan trọng kết quả học tập, điểm số xuất sắc của con mình. Có một câu nói về giáo dục của John Dewey (nhà triết học, tâm lý học, cải cách giáo dục nổi tiếng người Mỹ) mà tôi rất tâm đắc. Đó là việc học không phải là việc tập luyện trong cuộc sống. Việc học là "sống". Nhiều người vẫn quan niệm học có điểm cao để sau này có sự thành đạt trong sự nghiệp. Nhưng đấy không phải là tất cả về cuộc sống. Cuộc sống là sống thế nào để chan hoà với mọi người, hạnh phúc với mọi người và đem lại hạnh phúc cho người khác nữa".

GS Ngô Bảo Châu quan niệm không nên mục đích hóa làm việc này để đạt việc kia (như học có điểm cao để thành đạt trong sự nghiệp - PV). Mà trước hết, chúng ta phải sống cuộc sống của chúng ta và để trẻ con sống cuộc sống của trẻ con. Khi trẻ con chưa được độc lập thì chúng ta phải tạo điều kiện để trẻ con được sống với những điều chúng muốn học, hoặc để khơi gợi cho các em để các em thích học. Nếu trẻ không thích gì đó thì không nên bắt chúng học nhiều quá.

Hình ảnh gia đình GS Ngô Bảo Châu mà ông chia sẻ trong chương trình

"Bọn trẻ nhà tôi nói chung học cũng không xuất sắc lắm đâu. Nhưng các cháu có nhiều đam mê khác nhau. Đam mê về nghệ thuật, về âm nhạc, cả về kinh doanh nữa. Tất nhiên tôi cũng có mong muốn một trong các con mình sau này làm toán giống mình. Điều đó đã không thành công. Nhưng tôi không quá buồn về điều đó. Điều tôi thật sự mong muốn là các con trở thành người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ cuộc sống của mình, hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Và các con có khả năng cảm xúc trước cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật, biết vui, sống chan hòa, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác", GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Chuẩn bị cho con đối mặt cuộc sống nhiều thay đổi

GS Ngô Bảo Châu cũng cho biết quan niệm truyền thống của bố mẹ là trẻ con phải học một nghề nào đó. Không có nghề thì không sống được. Nhưng trong thực tế, không ai làm cùng một nghề cả. Học ngành này đi làm nghề khác, 10 năm sau lại đi làm nghề khác nữa. Đúng là mỗi người cần một nghề, làm với thái độ chuyên nghiệp. Nhưng ông không tin là một người sẽ làm mãi cả cuộc đời duy nhất một công việc.

Ông chia sẻ: "Đâu là yếu tố quyết định về thành công trong cuộc sống và sự nghiệp? Rõ ràng là đó là sự mềm dẻo trong tư duy, kỹ năng, sự hiểu biết... và có cả sự sáng tạo trong đó nữa. Mỗi khi đi đến đâu là cần đem kinh nghiệm sống, vốn sáng tạo cho công việc mới của mình. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho con cái mình như thế nào để đối mặt với cuộc sống luôn luôn thay đổi trong tương lai. Tôi nghĩ là các em, các cháu được trang bị, hòa mình vào cuộc sống văn hóa từ khi còn trẻ quan trọng không kém việc trang bị một nghề".

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trong chương trình

Theo GS Ngô Bảo Châu, vốn văn hoá chính là thứ giúp mọi người hội nhập trong cuộc sống, trong mọi điều kiện thay đổi cuộc sống từ trong nước đến nước ngoài. Có vốn văn hóa tốt thì ở đâu cũng có thể hóa nhập, ở đâu cũng có thể hiểu người khác nói gì, nghĩ gì đồng thời đem lại điều gì tốt đẹp của cá nhân mình để chia sẻ với người khác.

"Hơn nữa, phông văn hóa nhân văn nói chung càng ngày càng hữu ích trong việc để cho mỗi người có một cuộc sống dễ chịu. Một người không đón nhận được điều người khác chia sẻ và cũng không biết chia sẻ những suy nghĩ của mình với người khác thì tôi không tin những người đó thật sự hạnh phúc" - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật