Động làng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vừa sớm tinh mơ hôm sau, cán bộ từ trên tỉnh, trung ương đã đổ về nườm nượp. Ôtô đi lại như mắc cửi. Làng Thượng chưa có thế bao giờ. Công việc khai quật tiến hành ngay trong ngày. Số tang vật đựng trong chiếc thuyền bằng sành kia được xác định là vàng. Người xưa đã chế ra tất cả mọi thứ có ở trên đời để chôn xuống đấy. Người ta đem cân trước khi niêm phong. Nghe nói, có tới gần tạ mới khiếp chứ.
Động làng
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Người ta đồn rằng, cái đình làng Thượng thiêng lắm. Hồi Pháp về càn, đình bị đốt tới hai lần. Mà cứ như quả báo thật, lần nào chúng cũng bị du kích đánh cho tơi bời. Hai đời trưởng đồn Tây kéo quân về càn đều bị bắn vỡ sọ.

Khi đình bị đốt tới lần thứ hai thì không được khôi phục nữa, đành bỏ hoang. Cỏ mọc um tùm. Chỉ còn cây duối và cái giếng nước là chứng tích của ngôi đình thì vẫn còn nguyên vẹn. Cây duối đã sống hàng trăm năm rồi. Người già nhất trong làng bảo rằng: “Sinh ra, đã thấy nó lớn như thế!”. Từ lâu, ch‌ỗ ấ‌y trở thành nơi buôn chuyện của cánh đàn bà con gái trong làng. Còn cái giếng thì không rộng lắm, nhưng rất sâu, không biết tự nhiên mà có, hay ai đào? Bốn mùa nước trong leo lẻo. Bao nhiêu chuyện đồn thổi về cây duối và cái giếng này, nghe mà rợn cả tóc gáy.

Bỗng nhiên, ông Lợi trưởng thôn, ra quyết định chặt cây duối đế xây dựng nhà kho của hợp tác xã. Không ai dám ra tay. Thằng San báng bổ nhất làng, rủ ông Tảo đứng ra chặt để hưởng tiền công rất cao.

Hạ được cây duối cũng khá vất vả. Lúc cây đổ, thằng San suýt bị đè chết, may mà thoát được. Nó đắc ý, huơ chân múa tay: “Chẳng ma quỷ, thần thánh nào làm đếch gì được tớ!” Về nhà, nó bảo vợ thịt gà, mời ông Tảo sang nhậu nhẹt mừng công.

Uống rượu say sưa, nó lăn kềnh ra nền nhà ngủ. Ông Tảo loạng choạng ra về. Gần tới cổng nhà ông thì bị trúng gió, ngã dúi vào hàng ô rô. May có người nhìn thấy, hô hoán, con cái ông ra khiêng về…

Sáng sớm hôm sau, làng Thượng loạn lên cái tin thằng San đêm ngủ bị cảm mà chết. Đưa ma thằng San được ba ngày, ông Tảo cũng không qua được. Dân làng sợ quá, mắt tròn mắt dẹt: “Thấy chưa? Tham thì thâm mà!”.

Liền ngay quyết định chặt cây duối, chính quyền thôn lại ra lệnh lấp nốt cái giếng. Có chuyện rằng, làng Thượng như cái đầu con rồng. Những làng tiếp theo trong xã là cái mình và cái đuôi. Hai cái giếng ở đầu làng và cuối làng Thượng là hai con mắt của rồng, bây giờ mà lấp đi một thì khác nào con rồng bị đui một mắt. Dân làng Thượng bảo nhau làm đơn kiến nghị, ông Lợi gạt toẹt đi:

- mê tín! Bây giờ dùng nước giếng khoan, có ai ăn nước giếng nữa đâu mà để!

Chính quyền thôn huy động nhân công nhưng không ai chịu làm. Họ thuê đội cửu vạn ở đâu đến, tới hai chục thằng, lực lưỡng, đen trũi, vác những tảng đất to gấp rưỡi cái thùng gánh nước, ném xuống giếng. Máy bơm nổ ầm ầm, đinh tai nhức óc. Khu vực đình làng Thượng cứ y như cái công trường con. Nửa tháng sau, cái giếng cũng được lấp xong. Tay đội trưởng cửu vạn đặt cái lễ tạ tội ở giữa nền đất mới đắp, khấn vái, sau đó chè chén no say rồi kéo quân ra về.

Cái kho được xây dựng, nhưng tài sản làng Thượng nào có gì đâu mà chứa. Thế là biến thành nơi tụ tập, hội hè, chén chú chén anh của mấy tay cán bộ từ xã đến chính quyền thôn, chẳng khác gì bọn hào lý ngày trước.

Thằng San chết, rồi ông Tảo đi theo nó đã được năm mươi ngày. Làng Thượng đã quên dần. Những chuyện như thế thường chỉ như cơn sốt, nóng hầm hập rồi lại qua đi ngay. Đám đàn bà con gái ngồi hóng mát đan lưới ở cây duối bây giờ dạt về ngồi “dãi thẻ” ở bệ cầu ao. Đề tài nóng sốt nhất là cái vụ lấp ao, bán đất, lại được khuấy lên. Nói là chủ trương của cấp trên, nhưng bán để làm gì, nào ai được biết? Không nhẽ lấp cả cái ao rộng mấy héc-ta mà chỉ xây được mỗi cái nhà kho thế thôi ư? Đường sá lởm chởm, ổ gà, ổ trâu. Cái nhà mẫu giáo dột nát mấy năm nay, có đứa nào thèm nhòm ngó gì đâu! Ai đó lên giọng cạnh khoé, pha chút hài hước: Cứ hỏi bà Nhạn thì biết! Bà Nhạn xưa nay được mệnh danh là cái loa thông tin của cả làng. Rồi mọi người sực nhớ ra bà Nhạn hôm nay không có mặt.

- Ờ, mà hôm nay bà Nhạn đi đâu nhỉ, chắc lại có vụ gì rồi chăng?

Sao mà thiêng thế không biết! Vừa nhắc bà Nhạn thì bà đã có mặt ngay tức thì. Vẫn cái dáng hớt ha hớt hải mỗi khi có chuyện nghiêm trọng. Bà hổn hển, nói không ra hơi:

- Ối giời ơi là giời! Vẫn … còn ngồi thối đít cả ở…đây à? Thằng Sện con nhà Sao chết đuối ở trạm bơm kia kìa. Cái bụng nó trương phềnh ra, to bằng ngần này này.

Bà lấy tay vòng qua bụng mình một vòng. Đám đàn bà cả sợ nhưng lại háo sự, chạy nháo nhào về phía trạm bơm sau làng.

Thằng Sện mặc độc chiếc quần đùi, toàn thân ướt sũng đã được vớt lên. Bụng nó to như cái trống, dây chun quần đùi căng ra hết cỡ, chỉ muốn đứt. 

- Thằng Sện bơi giỏi như rái cá mà lại chết đuối ở cái vũng trâu đằm thế này thì lạ quá! Chắc nó đến ngày tận số rồi!

Bà Nhạn cũng vừa chạy đến nơi, chen lấy chen để giữa đám đông. Vừa chen, bà vừa nói the thé:

- Số má gì! Làng này động to rồi. Bà nói cấm có sai mà!

*

Cái ao làng Thượng chạy dọc theo đường làng. Ở giữa ao có cái gò nhỏ giống như hòn đảo xinh xinh, cây cối um tùm, chim chóc đua nhau về làm tổ. Đứng trong làng nhìn ra, quả là rất thú vị.     

Bây giờ cái ao bị lấp để bán. Nào mấy ai đã có tiền xây nhà, hầu hết chỉ dựng tạm cái lều, chăn nuôi con gà, con vịt. Có người làm chuồng lợn, nuôi bò sữa kinh doanh. Đủ các thứ phóng uế ra cái rãnh còn sót lại phía sau dãy đất mới. Mùi hôi thối cứ theo gió nồm mà táp vào từng nhà không sao chịu nổi.

Nhiều người quẫn bách, đi khắp đầu làng cuối xóm bêu riếu, đổ lỗi cho chính quyền thôn phá hoại. Ông Lợi nghe thế, sừng sộ:

- Đứa nào nói láo, tao gọi dân quân lôi cổ sang xã. Nói xấu chính quyền là tội rất  nặng đấy!

Kể từ sau cái chết của thằng San, ông Tảo, đã gần một năm nay, cứ như một chu kỳ, nội nhật trong vòng năm mươi ngày, lại một già, một trẻ, theo nhau về chầu Giời. Thật khủng khiếp quá, từ cổ chí kim chưa từng có bao giờ. Cứ đà này, rồi đến lúc làng Thượng chẳng còn ai mà lo việc hậu sự cho ai nữa. Không khí tang tóc lạnh cả người. Đúng lúc đó, ông Lợi mang ở đâu về cái thùng cartor to tướng, quấn áo mưa rất cẩn thận, lại thuê ôtô chuyên chở vào lúc tờ mờ sáng. Nhà ông Lợi rộng nhất làng, xây hai tầng, chòi lên giữa những mái nhà lúp xúp của làng Thượng. Trong nhà ông có rất nhiều thứ bí ẩn. Chẳng hạn như cái thùng cartor kia thì đố ai biết nó là cái gì? Khách khứa của ông cũng ít, chỉ thỉnh thoảng mới có vài tay cán bộ xã qua lại, hội ý hội báo, nhậu nhẹt với nhau. Khi khách ra về, cái cổng sắt lại khép kín, rồi cài then rất chắc chắn...

Ấy thế mà bà Nhạn đã biết rõ mồn một là ông Lợi vừa mua cái tivi to tướng. Bà còn quả quyết ông để nó ở tầng hai. Cái tivi trắng đen dưới phòng tiếp khách chỉ là để che mắt thiên hạ thôi. Có người hỏi làm sao bà lại biết rõ thế? Bà chỉ nói:

- Đứa nào tin thì tin, chẳng tin thì mặc, bà có nói dối ai bao giờ đâu…

*

Đã đành, làng Thượng nghèo đói, nhọc nhằn, là câu chuyện muôn thuở rồi, bây giờ lại thêm nỗi lo âu, sợ hãi bao trùm. Thế mà đột nhiên có chuyện tày đình, làm chấn động lên tới cả tỉnh, và trung ương cũng biết nữa.

Nguyên do là từ việc người mua được mảnh đất do lấp ao làng đúng chỗ có cái gò đất nhỏ. Vợ chồng họ đã chặt hết cây cối, san lấp thành nền từ hồi năm ngoái. Bây giờ, nhân ngày rộng tháng dài, họ bảo nhau mua ít vôi, tôi trước cho ngấu để khi có tiền thì sẵn đấy mà xây nhà.

Hai vợ chồng hì hục đào hố, đến khi cái hố sâu chừng mét rưỡi thì định nghỉ tay. Chẳng biết run rủi thế nào, anh chồng cầm cái mai xỉa thêm mấy nhát nữa. Bỗng lưỡi mai chạm vào vật gì rất cứng, cảm giác như gỗ vậy. Anh ta linh cảm có chuyện không bình thường, bèn nói với vợ:

- Bỏ mẹ, hình như có ai nằm ở đây bu nó ạ! Nói rồi, anh cúi xuống, bới sâu lớp đất thêm tý nữa xem đích thị là cái gì. Nhưng khi vật ấy lộ ra, anh mừng rỡ, reo lên:

- Cây gỗ! Trời cho nhà ta lộc rồi! - Anh ngửa mặt nhìn cô vợ đang đứng trên miệng hố, cười hi hí - Nằm dưới đất lâu đời mà vẫn cứng thế, chắc gỗ phải tốt lắm đấy bu nó ạ!

Lạ thay, càng đào, anh thấy xung quanh có rất nhiều đồ gốm lộ ra. Nhưng hễ anh chạm vào thì lại bị nát mủn, tựa như cám. Anh chồng rỉ tai vợ:

- Cứ để đấy, đêm hãy đào, biết đâu có củ‌ּa qu‌ּý, họ đến tịch thu mất!  Rồi anh ta cẩn thận phủ lớp đất cho kín lại để không ai còn nghi ngờ gì nữa…

Về đến nhà được một lát, thấy lòng dạ sôi sục không yên, anh chồng lẳng lặng giấu vợ, vác mai đi ra, hì hục đào tiếp.

Khi khúc gỗ đã để lộ một vòng tròn to tướng, đen bóng như sừng thì anh lại phát hiện thêm khúc gỗ khác nằm bên cạnh, nhưng nhỏ hơn nhiều.

Vừa hồi hộp, lại phấn khích hết cỡ, anh chẳng thèm để ý đến cái nắng đang trưa làm lưng áo ướt sũng. Khi khúc gỗ nhỏ đã lộ ra được non nửa, anh thấy có vết nứt chạy dọc, nhỏ như sợi tóc. Anh mở căng mắt nhìn kỹ. Không phải! Vết nứt thì sao lại thẳng như kẻ chỉ thế kia? Sẵn cái mai lưỡi mỏng như lá lúa, anh lách từng tý một rồi bậy thử, thấy chuyển động. Tim anh bỗng đập loạn xạ, muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực. Nhất định bên trong phải có của nả quý lắm người ta mới kỳ công đến như vậy! Nghĩ thế, anh lấy hết sức đè cái cán mai xuống bằng cả trọng lượng của c‌ơ th‌ể. Khi cái nắp được bật ra, anh còn ngạc nhiên hơn. Ruột gỗ vẫn khô và giữ nguyên màu vàng tươi, ở giữa khoét hình lòng máng. Trong lòng máng đặt một chiếc thuyền bằng sành vừa vặn, có nắp khum khum, được gắn bằng chất liệu gì đó rất cẩn thận.

Chắc chắn là vàng! Anh khẳng định thế. Ngày xưa, những người quyền quý, giàu có, khi chết thường chôn theo vô khối vàng để xuống âm phủ được hưởng sự sung sướng như lúc còn sống trên trần gian. Toàn thân anh run bắn như người lên cơn sốt. Anh quyết định mở cái nắp…

Bỗng một luồng khói trắng vọt ra, thứ khí độc cực mạnh táp vào mặt, khiến anh choáng váng, mồm ộc máu tươi lênh láng rồi ngã gục ngay tức khắc. Trong giây lát, da dẻ anh bỗng ngả màu vàng ệch, mười ngón tay cào cấu cuống cuồng trên lớp đất nhão nhoét, rồi từ từ duỗi thẳng…

Chị vợ chuẩn bị cơm nước xong, gọi chồng nhưng không thấy trả lời. Chị đoán ngay: “Cái người ấy cấm để lâu được cái gì, chắc lại mò ra đấy rồi!” Chị vội vàng chạy ra. Vừa tới nơi, chị thất kinh, miệng lưỡi cứng lại. Chị muốn kêu cứu mà không sao cất thành lời được nữa.

Cứ như ma xui, quỷ khiến thế nào, đúng lúc ấy ông Lợi trưởng thôn lại đi qua. Ông Lợi thấy vậy, dừng lại, hỏi:

- Con mẹ này làm sao mà cứ như người bị ma bắt thế kia?

Chị vợ vẫn ú ớ, tay chỉ xuống cái hố vừa đào. Ông Lợi thấy lạ, chạy tới, nhìn cảnh tượng ấy thì ông cũng hoảng hồn, co cẳng định chạy. Bỗng mắt ông hoa lên. Từ trong long thuyền, loé lên một vầng sáng như ánh hào quang. Ông nhảy bổ xuống, miệng lập bập kêu: Vàng! vàng! Nhưng thật rủi, những thứ đựng trong thuyền cứ dính chặt vào nhau không sao gỡ ra được. Ông định bê luôn cả cái thuyền ấy mà chạy về, nhưng nặng quá. Ông lấy hết sức, suýt nữa thì gẫy xương sống mà cái thuyền vẫn không hề nhúc nhích.

- Hỏng ăn rồi, con mẹ nó! Ông chửi. Nhưng thật may, một cục hình thù như quả cau, cũng to cỡ thế, lại thêm một miếng nữa dèn dẹt, giống y như lá trầu, bỗng rời ra. Ông Lợi run rẩy cầm lấy. Ông quỳ xuống - Trời ơi! Vàng! Đúng là vàng rồi! Ông Lợi vội vàng đút ngay quả cau và lá trầu vào túi quần…

Chị vợ vẫn như người bị Trời trồng, lại u u mê mê, không biết gì nữa, đến lúc ấy, tự nhiên bật ra được tiếng kêu:

- Bớ làng nước, cứu chồng tôi…v ớ i!

Ông Lợi nhìn chị vợ, vờ vĩnh quát:

- Lại đây, đưa nó lên đã! Làm gì mà ầm ĩ lên thế?

Rồi ông luồn tay vào nách anh chồng, xốc lên cho chị vợ đỡ. Hai người loay hoay mãi, rốt cuộc cũng đưa được con người bạc mệnh ấy lên trên, kéo lê vào chỗ có bóng mát rồi đặt nằm xuống đó.

Chẳng hiểu bà Nhạn ở đâu đã có mặt tức thì. Bà hô hoán. Làng nước kéo đến mỗi lúc một đông. Ông Lợi quát inh ỏi:

- Gõ kẻng báo động, có chuyện nghiêm trọng lắm! Cấm không ai được xuống hố! Rồi ông cố lách ra ngoài, tranh thủ đào tẩu khỏi đám đông trước khi ra lệnh cấp báo lên trên sự thể câu chuyện.

*

Đại diện Sở Văn hoá huyện về nắm tình hình, biết đây là vụ khảo cổ học rất lớn, đã yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Một hàng rào cọc tre được dựng lên, quây thành vòng tròn lớn. Bốn phía đều treo bảng gỗ, ghi rõ: “Cấm đến gần khu vực khảo cổ chưa được khai quật!”.

Ngay chiều hôm ấy, cán bộ các ban, ngành liên quan từ xã, huyện, được triệu tập đầy đủ để nghe cấp trên phổ biến tình hình. Ông Lợi cũng được mời dự. Ông ngồi họp mà đầu ông cứ ong ong, chẳng còn nghe thấy gì nữa. Mãi đến tối, cuộc họp mới kết thúc. Ông vội về nhà, đóng chặt mấy lần cửa lại. Ông nghĩ: Bọn công an đang nhan nhản khắp trong làng, nghiệp vụ đầy mình, chỉ sơ suất một tý là chúng nó phát hiện ngay tức khắc, rồi dậu đổ bìm leo, lôi thôi thành khối chuyện thì bỏ mẹ!

Ông lấm lét nhìn quanh. Cả nhà đi vắng. Chắc mẹ con nó đang ở bên đám ma. Càng tốt! Ông Lợi mở tủ, lấy quả cau và lá trầu. Lạ thật! Ông Lợi trố mắt: Rõ ràng khi ở dưới hố, mình thấy nó vàng chóe, sao bây giờ lại đen xì như cục than thế này? Tiện tay, ông với con dao nhíp khẽ cạo một vệt, màu vàng lộ ra, bắt ánh đèn sáng choé. Ông Lợi “á” lên một tiếng, rồi tự nhiên cứ ngồi thừ ra như người bị ma bắt mất vía. Phải lát sau, ông mới sực tỉnh.

Ông vội đứng dậy, tìm cái hũ sành nhỏ, bỏ quả cau và lá trầu vào đấy, rồi cầm cái thuổng đi ra góc vườn phía sau nhà. Ông khoét một hố nhỏ, đặt cái hũ xuống, lấp đất lại rồi ngụy trang cẩn thận. Xong việc, ông đứng dậy định quay vào nhà. Nhưng chẳng biết nghĩ thế nào, ông tụt quần, bậy ra một bãi đúng ngay chỗ vừa lấp đất. “Nếu chúng mày có khám nhà thì cũng thua với bố là cái chắc!” Ông Lợi thực sự yên tâm, quay lên nhà, leo lên giường đánh một giấc ngon lành…

Vừa sớm tinh mơ hôm sau, cán bộ từ trên tỉnh, trung ương đã đổ về nườm nượp. Ôtô đi lại như mắc cửi. Làng Thượng chưa có thế bao giờ. Công việc khai quật tiến hành ngay trong ngày. Số tang vật đựng trong chiếc thuyền bằng sành kia được xác định là vàng. Người xưa đã chế ra tất cả mọi thứ có ở trên đời để chôn xuống đấy. Người ta đem cân trước khi niêm phong. Nghe nói, có tới gần tạ mới khiếp chứ.

Cũng sớm hôm ấy, ở nhà ông Lợi, con chó đang nhanh nhẹn, khoẻ mạnh bỗng lăn đùng ra chết. Ông sai vợ con làm thịt. Cả nhà không ai dám ăn vì nghi bị trúng bả chuột. Ông Lợi bảo:

- Vẽ chuyện, người ta ăn đầy ngoài quán thì có làm sao! Cứ thịt, tao chén tất!

Nói rồi, ông vội vàng đi đến hiện trường để ký vào biên bản thu hồi hiện vật. Công việc tíu tít mãi đến chiều tối ông mới được về nhà. Vừa bước qua cái cổng sắt, ông đã ngửi mùi thịt chó vô cùng hấp dẫn. Bụng đang đói cồn cào, ông vớ chai rượu trong tủ, rồi ngả mâm ra đánh chén. Ăn uống no say, ông đứng dậy, lấm lét nhìn quanh xem có ai không rồi đi vội xuống vườn, có ý muốn thăm thú nơi chôn cái hũ sành.

Ông hoảng hồn, cái thứ ông tuôn ra từ trong bụng để nguỵ trang không còn nữa. Sao lại thế nhỉ? Hay có đứa nào đã rình mò rồi đột nhập vào vườn nhà ông mà nẫng cái hũ đi rồi? Không! Không thể như thế được! Tường rào cao thế kia, lại cắm mảnh sành nhọn hoắt như lưỡi mác, chổng ngược lên trời, có đến đặc công cũng chịu! Ông cầm cái thuốn nhòi thử, đầu thuốn chạm vào cái hũ nghe cạch một cái. Vẫn còn! Ông Lợi thở phào. Có thế chứ! Nhưng ông bỗng chột dạ: Bỏ mẹ, hay là con chó? Trong lúc chôn cái hũ, ông đã vội vàng, quên khuấy không đậy cái nắp lại. Đúng là con chó bị trúng độc rồi! Ông nghĩ lại cái cảnh tận mắt ông nhìn thấy “nhà ấy” mằn dưới cái hố lênh láng máu mà phát hoảng.

Ông Lợi chưa kịp bước lên nhà thì bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn, rồi bụng đau dữ dội, tựa như có ai cầm dùi đâm vào cái bìu chứa đầy thịt chó của ông. Làm thế nào bây giờ? Ông Lợi muốn gào lên, nhưng họng ông cứng lại. Ông thò cả ngón tay vào họng định móc hết những thứ trong ruột ra, nhưng cũng chịu nốt. Ông từ từ khuỵu xuống, bọt mép đùn ra đầy miệng, rồi cứ thế mà lăn lộn, vật vã một mình ở góc vườn…          

*

Ở ngoài công trường, việc khai quật đã bước sang ngày thứ ba. Tổ công tác đào thêm được gần chục cây gỗ nữa. Mỗi cây chứa đựng một loại cổ vật có kích cỡ lớn như thật, đều được làm bằng vàng. dư luận bàn tán xôn xao về cây cung, nghe nói, ở đầu cái mũi tên còn gắn cả kim cương nữa. Chắc chủ nhân của nó muốn làm để phô trương sự giàu sang phú quý chứ ai dám bắn cái mũi tên quý giá ấy đi. Riêng cây gỗ to nhất phải đợi xe cẩu về mới đưa lên được. Ai cũng đoán bên trong chắc phải có cả tấn vàng nữa chứ chẳng phải chuyện bỡn. Nhưng riêng bà Nhạn thì bảo:

- Đêm qua, tao nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp như tiên bước ra từ đấy.

Khi chiếc xe cẩu nhấc bổng được khúc gỗ, người ta thấy bên cạnh còn có một phiến đá, không chữ nghĩa gì, nhưng tạc rất nhiều hình thù chồng chéo lên nhau. Hình như đấy là cuốn gia phả ghi lại những thứ được chôn theo. Bà Nhạn thấy thế, cũng mang ở đâu ra một khúc gỗ bị cháy nham nhở. Thật không ngờ, những hình thù chạm khắc trên hai vật ấy giống nhau y hệt.

Bà Nhạn the thé giải thích. Đó chính là cái xà dọc của mái đền, khi bị Tây đốt còn sót lại và ai đó đã vứt vào một góc. Mãi sau này, bà tình cờ nhìn thấy. Bà nhặt về, nhưng cũng chẳng dùng được vào việc gì nên đã toan chẻ làm củi. Đêm hôm ấy, bà được báo mộng hãy cất giữ cẩn thận. Bà đem gác lên nóc bếp rồi quên khuấy cho đến tận bây giờ.

Trên khúc gỗ và phiến đá, lẫn trong những hình vẽ chằng chịt còn có một đoạn thẳng và bốn vòng tròn nằm trên đoạn thẳng ấy, nhưng khoảng cách thì không đều nhau. Mọi người thi nhau đoán non đoán già. Nhưng bà Nhạn lại the thé bảo bà được người đàn bà kia báo mộng, đấy chính là cái đình, giếng nước, cây duối và gò đất. Tất cả đều không còn nữa!

Khi cây gỗ lớn nhất được mở, những người có mặt đều vô cùng sửng sốt. Một người con gái đẹp như tiên đúng như lời bà Nhạn vừa nói ban nãy vẫn đang nằm ngủ. Nhưng chỉ sau ít phút, hình người con gái ấy từ từ tan dần, rồi biến mất trong thứ dung dịch lỏng trong suốt…

Cho đến nay, việc phá hoại di sản môi trường ở làng Thượng dẫn tới câu chuyện động làng thì đã rõ, nhưng bí mật về ngôi mộ cổ kia vẫn còn chưa có lời giải đáp. Ngôi đình được Trưởng thôn mới và người dân làng Thượng bàn nhau xây dựng lại. Cây duối cũng được trồng y nguyên chỗ cũ thay cho cây duối cổ thụ đã bị đốn chặt. Cái giếng làng Thượng cũng được khôi phục lại như cũ. Khi ngôi đình được xây cất xong thì làng Thượng cũng được bình yên trở lại như  xưa…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật