Người đàn ông “bắt núi đá đẻ ra tiền”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vách đá dựng đứng trơn tuồn tuột, ông Khìn đào hố rồi đặt gốc mận vào, che chắn cẩn thận để không bị mưa xói mòn. Vụ đầu tiên thu hoạch, người ta tranh nhau mua, tiền thu về vài triệu đồng, lần đầu tiên trong đời ông cầm nhiều tiền như vậy.
Người đàn ông “bắt núi đá đẻ ra tiền”
Ông Tăng Tống Khìn từng được nhiều đàn anh đàn chị kính nể gọi đại ca. Ảnh. Hồng Vân

Nhìn dáng người cao gầy nhưng nhanh nhẹn, chân bước thoăn thoắt trên những mỏm núi đá, không ai nghĩ năm nay ông Tăng Tống Khìn (xã Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơn) đã 60 tuổi. Cả tuần ông sống trong rừng, thỉnh thoảng mới tạt qua nhà. “Tôi thành người rừng rồi, ở trong rừng quen, đến cả điện thoại lâu lâu mang ra định gọi đi cũng không được”, ông Khìn cười khà khà nói.

Quê ở huyện Văn Quan, sau này gia đình ông di cư, lập nghiệp tại xã Bình Trung, huyện Cao Lộc. Trước nhà ông nghèo, thiếu ăn quanh năm, hàng xóm cũng chẳng mấy dư giả gì để giúp đỡ. Nhìn đàn con đói bụng, ông vác bẫy lên rừng bẫy thú đem đổi lấy gạo hoặc làm thức ăn.

Là tay bẫy giỏi, nhiều người trong làng phải nể, số tiền gom góp từ bán thú rừng ông đem đầu tư cho buôn bán. Có ngày ông dậy từ 2h sáng mua gà, vịt tại Bắc Sơn rồi tất tả đạp xe hơn 40 km về Văn Quan bán kiếm lời. Có lúc ông qua Trung Quốc buôn bán. Thời kỳ đó việc buôn bán rất khó, nhiều phe tranh giành khu vực làm ăn sẵn sàng dùng dao, kiếm “nói chuyện” với nhau.

Để có chỗ buôn bán, ông Thìn phải quyết liệt với những phe phái khác và trận nào cũng thắng. “Hồi thanh niên tôi học lỏm được mấy miếng võ nên khi bị bắt nạt thì biết một chút chống trả. Không ham hố động chạm vào ai nhưng họ làm khó mình thì bắt buộc phải mạnh mới sống được. Tôi muốn yên ổn buôn bán nuôi 5 cái tàu há mồm chứ sung sướng gì cái danh đại ca của đám giang hồ”, ông Khìn thở dài kể lại chuyện cũ.

Ngược xuôi buôn bán, mệt mỏi vì chuyện chia chác địa phận làm ăn khu vực biên giới, ông Khìn nhận thấy mãi nhà vẫn nghèo, con cái nheo nhóc. Trăn trở nhiều đêm, ông quyết định phải làm kinh tế. Nhưng ruộng thì không có, bỏ việc đi buôn biết làm gì đây? Đầu những năm Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho người dân, ông Khìn xung phong nhận 30 ha đất rừng quản lý. Đây là núi đá, chỉ toàn đá lởm chởm không ai để mắt đến.

Hàng ngày vợ chồng ông Khìn vác dao lên rừng phát quang cỏ dại, trồng cây. Để tiện làm ăn, ông dựng một túp lều ngay trong rừng rồi dắt díu vợ con vào sinh sống. Năm 1994, ông dồn toàn bộ số vốn ít ỏi sang Trung Quốc mua giống mận lai táo về trồng. “Người ta cười bảo tôi điên mới chui vào rừng, tôi phát, rửa rừng sạch sẽ xong thì nghĩ nên trồng cây gì đó hợp đất và khí hậu nên quyết định mua cây mận”, ông Khìn chia sẻ.

Trong vườn rừng của ông Khìn có nhiều cây to, ông trồng và giữ được 30 ha gỗ quý. Ảnh. Hồng Vân 

Vách đá cao, dựng đứng trơn tuồn tuột, ông Khìn đào những hố nhỏ rồi đặt gốc mận vào đó, che chắn cẩn thận để không bị mưa xói trôi. Mỗi ngày ông gánh 80 lít nước từ ngoài khe vào tưới cho từng cây mận. Quyết tâm không chịu đói nghèo, vợ chồng con cái nhà ông Khìn cùng nhau làm ăn, chăm sóc cho vườn rừng. Sau 4 năm, vụ mận đầu tiên được thu hoạch, quả sai trĩu, gia đình phải thuê người hái và gánh đi bán. Thấy ăn ngon nên người ta tranh nhau mua, số tiền thu về đến vài triệu đồng, lần đầu tiên trong đời ông được cầm nhiều tiền như vậy.

Ông Khìn dồn tiền mua dê thả trong hang núi, chặt cây bò khai mọc tự nhiên về trồng xuống đất. Tranh thủ thời gian, ông đem những giống cây gỗ quý như nghiến, lát, lý, kháo... trồng phủ xanh thung lũng núi đá. Trời không phụ công người, có những lúc đàn dê nhà ông lên đến cả trăm con, rau bò khai thương lái tìm mua tận vườn, hiện tại ông có khoảng 4 ha loại rau đặc sản này.

Từ những mỏm núi đá khô cằn tưởng chừng bỏ hoang, ông Khìn bắt núi đá “đẻ” ra tiền, phủ màu xanh lên núi đá. Khoảng 30 ha rừng của ông đã lớn, thấy gỗ quý, nhiều kẻ cũng nhòm ngó gạ gẫm ông bán. Ông Khìn khẳng khái nói: “Có người tận dưới xuôi lên gạ mua gỗ, nhưng tôi quyết không bán. Tôi giữ rừng không phải chỉ riêng cho mình mà cho cả con cháu đời sau, có rừng thì mới có tiền, sống dựa vào rừng thì phải bảo vệ. Mấy năm trước, người ta còn dám vác cưa vào định cưa trộm gỗ bắt buộc tôi phải lăn xả vào giữ. Tôi tuyên bố không ai được phép động vào một cây trên rừng”.

Sau hơn 20 năm gắn bó với núi đá, với rừng, vợ chồng ông Khìn nuôi 5 người con trưởng thành có công ăn việc làm ổn định. Từ một người nông dân nghèo khó, hiện tại ông không còn phải lo chạy ăn. Vườn mận của ông Khìn đã được thay thế bằng những cây cam, bưởi, chỉ có vợ chồng ông ở nhà nên ông bán đàn dê, tập trung vào chăm sóc, thu hoạch rau bò khai và giữ rừng.

Ông Vương Quai Phình, Chủ tịch xã Bình Trung, đánh giá ông Khìn là hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh. Ông cũng đi đầu trong công tác bảo vệ rừng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật